Dưa hấu là một loại trái cây quen thuộc, có chứa nhiều đường tự nhiên. Mặc dù việc đưa dưa hấu vào chế độ ăn thường là an toàn đối với người bị đái tháo đường. Nhưng người bệnh đái tháo đường cần ăn dưa hấu đúng cách giúp kiểm soát tốt lượng đường trong máu.
1. Thành phần dinh dưỡng của dưa hấu
Dưa hấu là một nguồn tuyệt vời của lycopene và vitamin A, C. Carbohydrate trong dưa hấu chủ yếu là đường, chỉ có một ít chất xơ. Một nửa lượng đường là fructose, một phần tư là glucose và ít hơn một phần tư là sucrose, với các loại đường khác chỉ chiếm một phần nhỏ.
Dưa hấu có chỉ số đường huyết (GI) là 72. Điều này có nghĩa là nó có thể làm tăng lượng đường trong máu nhanh hơn so với thực phẩm có GI thấp hơn.
Chất béo có mặt trong dưa hấu chủ yếu là chất béo không bão hòa đa (0,076g), với một lượng nhỏ hơn là axit béo không bão hòa đơn (0,056g) và bão hòa (0,024g). Đối với những người đang có kế hoạch ăn kiêng, dưa hấu có thể là một lựa chọn tốt vì không chứa chất béo. Hạt dưa hấu là một nguồn axit béo omega-3.
Dưa hấu chín đỏ hoàn toàn chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn dưa hấu chín ít hơn. Một khẩu phần dưa hấu là nguồn cung cấp vitamin C và vitamin A dồi dào.
Vitamin C hỗ trợ chữa lành vết thương và có thể có đặc tính chống lão hóa và tăng cường miễn dịch. Trong khi vitamin A rất quan trọng đối với sức khỏe của mắt. Một khẩu phần dưa hấu cũng cung cấp khoảng 7% nhu cầu hàng ngày của cơ thể về đồng và axit pantothenic, 5% biotin, 4% vitamin B1, B6.
2. Người bệnh đái tháo đường có ăn được dưa hấu?
ThS.BS Doãn Thị Tường Vi, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng cho biết: Dưa hấu là một loại hoa quả có chỉ số đường huyết của thực phẩm cao nhưng có lượng đường huyết thấp. Điều này thể hiện mức độ làm tăng lượng đường trong máu của dưa hấu rất nhanh. Tuy nhiên, chỉ số này lại không phản ánh được lượng đường thực sự mà cơ thể sẽ hấp thu.
Do đó, khi lựa chọn thực phẩm, không chỉ cần quan tâm đến việc thức ăn đó sẽ làm cho lượng đường đi vào trong mạch máu nhanh như thế nào mà còn cần chú trọng đến tổng lượng đường mà nó sẽ cung cấp. Tuy có chỉ số GI cao, nhưng tổng lượng đường trong 100g dưa hấu lại thấp (2,3g). Do đó, người bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể ăn khoảng 200g dưa hấu trong một ngày mà không lo đường huyết tăng cao.
Mặt khác, các khoáng chất kali, ma giê có trong dưa hấu giúp insulin trong cơ thể hoạt động đúng chức năng, từ đó làm giảm lượng đường trong máu. Chất arginine có trong dưa hấu cũng được chứng minh giúp cải thiện độ "nhạy cảm" của insulin ở bệnh nhân đái tháo đường type 2.
Nếu một người thêm dưa hấu hoặc trái cây khác vào bữa ăn hoặc bữa ăn nhẹ cũng nên cân bằng nó với chất béo bổ dưỡng và protein. Chất béo và protein giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu.
Giống như các loại trái cây khác, tốt nhất là ăn dưa hấu không có thêm đường ở dạng nguyên chất và chế biến đơn giản như ăn miếng, xay sinh tố.
Do là loại trái cây có chỉ số GI cao, vì thế khi ăn dưa hấu nên tránh kết hợp với các loại thực phẩm có GI cao khác. Thay vào đó, nên ăn cùng các loại hạt, các nguồn chất béo và protein bổ dưỡng khác. Tổ chức Bệnh đái tháo đường Defeat khuyến cáo người bệnh đái tháo đường tuyệt đối không sử dụng nước ép dưa hấu. Nguyên nhân chính là do lượng đường trong hoa quả sẽ tăng lên nếu sử dụng dưới dạng nước ép hoa quả, trong khi chất xơ trong trái cây lại là thành phần then chốt có khả năng làm cản trở, làm chậm lại, làm giảm hấp thu đường vào ruột.
3. Thời điểm "vàng" để người bệnh đái tháo đường ăn dưa hấu
Ăn sau bữa ăn 2 tiếng: Không nên ăn dưa hấu ngay sau khi kết thúc bữa ăn vì như vậy sẽ làm đường huyết tăng cao. Lượng thức ăn trong cơ thể sẽ được tiêu thụ hết sau 3 tiếng và có thể khiến người đái tháo đường bị hạ đường huyết nếu không cung cấp thêm thức ăn. Do đó, thời gian lý tưởng nhất để ăn dưa hấu nói riêng và hoa quả nói chung đối với người bệnh đái tháo đường là sau bữa ăn 2 tiếng.
Không nên ăn dưa hấu quá 3 lần/ngày và khoảng cách giữa những lần ăn tối thiểu là 6 tiếng.
Cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn: Chia dưa hấu thành nhiều miếng nhỏ rất tốt cho việc kiểm soát sự thèm ăn và thuận tiện cho việc bảo quản các phần khác khi ăn một lượng nhỏ. Đồng thời, cách ăn này sẽ giúp người bệnh có thể kiểm soát lượng ăn một lần và tránh ăn quá nhiều khiến đường huyết tăng cao.
Ăn phần thịt trắng: Phần thịt trắng của dưa hấu rất giàu chất xơ, tuy có vị giống như lõi dưa hấu nhưng nó có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu, tăng cảm giác no.
Không ăn dưa hấu đông lạnh: Thực phẩm đông lạnh trong đó có dưa hấu dễ gây kích ứng dạ dày, gây tiêu chảy, đau bụng, khó tiêu... Bệnh nhân đường huyết cao tốt nhất nên ăn dưa hấu tươi với lượng nhỏ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Người bệnh đái tháo đường có nên ăn xoài?