Người bệnh đái tháo đường nên ăn bữa phụ và món tráng miệng như thế nào?

SKĐS - Người bệnh đái tháo đường thường khó kiểm soát các thực phẩm trong chế độ ăn bữa phụ cũng như món tráng miệng. Vậy người bệnh đái tháo đường cần ăn bữa phụ và món tráng miệng như thế nào để không bị tăng đường huyết?

Nhiều người bệnh đái tháo đường chọn thực phẩm cho bữa phụ là khoai tây, củ cải, khoai lang, miến dong, bột sắn, bánh mì, mỳ sợi, bánh kẹo, nước hoa quả ép, hoa quả sấy khô. Tuy nhiên đây là cách lựa chọn thực phẩm sai lầm. Những thực phẩm này có hàm lượng đường cao, khiến đường huyết tăng.

1. Người đái tháo đường lựa nên ăn thực phẩm nào cho bữa phụ?

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, BV Nội tiết Trung ương cho biết: Người bệnh đái tháo đường nếu ăn bữa phụ thì cần ăn cách bữa chính ít nhất 2 tiếng. Nên chọn các loại thực phẩm có hàm lượng đường thấp và chỉ số đường huyết thấp hoặc trung bình cho bữa phụ.

Nên ăn những thực phẩm ngũ cốc, sữa… dành riêng cho người bệnh đái tháo đường trong bữa phụ. Tuy nhiên cần xem xét thực phẩm đó chứa bao nhiêu đường tự nhiên để cân đối lại lượng ăn cho phù hợp. Những chữ như "đường", "glucose", "fructose", "sugar"... đều chỉ thị rằng sản phẩm đó có đường.

Trong mỗi lần ăn bữa phụ, không nên ăn quá 15g tinh bột tương đương với 330ml sữa không đường hoặc 150g vải tươi (5-7 quả vải), 170g thanh long (1/3 quả), 300g dưa hấu (3 miếng), 600g bơ vỏ xanh (1 quả bơ nhỏ)…

Cần đo đường huyết ngay cả khi cảm thấy đói. Nếu đo đường huyết thấy cao mà vẫn đói, người đái tháo đường có thể sử dụng các loại đạm làm thức ăn cho bữa phụ như: thịt, trứng… Những loại thực phẩm này sẽ khiến bạn không bị đói mà không làm đường huyết tăng cao.

Ngược lại, nếu người bệnh đái tháo đường có dấu hiệu hạ đường huyết, cần ăn ngay các thức ăn có tốc độ làm tăng đường máu nhanh để tránh hôn mê sâu và tử vong, ví dụ đường, sữa, bánh, kẹo…

 Người đái tháo đường đường nên ăn bữa phụ và món tráng miệng như thế nào?  - Ảnh 3.

Trong mỗi lần ăn bữa phụ, không nên ăn quá 15g tinh bột.

2. Không nên ăn miến thay cơm

Miến là một trong những thực phẩm nhiều người mắc bệnh đái tháo đường lựa chọn trong bữa phụ. Người bệnh đái tháo đường thường ăn miến vì nghĩ ăn miến tốt, hạ đường huyết nhưng thực chất chỉ số đường huyết của miến rất cao. Tuy nhiên, có rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường vào viện cấp cứu vì ăn miến thay cơm.

Thực chất, miến là loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao và hàm lượng đường cao hơn gạo tẻ. Chỉ số đường huyết của miến là GI=95, hàm lượng đường trong 100g miến là 82,2g. Trong khi đó, chỉ số đường huyết của gạo tẻ là 83, hàm lượng đường trong 100g gạo tẻ là 76,1g.

Nếu ăn cùng 1 khối lượng thì lượng tinh bột cơ thể sẽ hấp thu từ miến cũng nhiều hơn cơm. Nếu ăn 100g miến thì lượng đường huyết của miến là GL = 78; còn gạo tẻ là 63.

Chỉ nên ăn miến một lượng vừa phải và kết hợp với thực phẩm khác. Không dùng để thay thế tuyệt đối các thực phẩm bột đường khác. Mỗi tuần, chỉ nên ăn 3 - 4 bữa miến.

 Người đái tháo đường đường nên ăn bữa phụ và món tráng miệng như thế nào?  - Ảnh 4.

Miến là loại thực phẩm có chỉ số đường huyết và hàm lượng đường cao hơn gạo tẻ.

3. Người đái tháo được có được ăn món tráng miệng không?

Người mắc bệnh đái tháo đường không có nghĩa là bạn không bao giờ được ăn món tráng miệng. Chỉ cần thay đổi đơn giản và công thức nấu món tráng miệng thân thiện cho người bệnh tiểu đường, bạn có thể đáp ứng sự thèm ngọt của bạn mà không sợ bị tăng đường huyết.

Một điều cần ghi nhớ là với người mắc bệnh đái tháo đường, tổng lượng carbohydrate (carb) trong các bữa phải nhiều hơn tổng lượng đường, điều này đồng nghĩa với việc món tráng miệng vẫn có thể phù hợp nếu chế độ ăn uống được điều chỉnh phù hợp.

 Người đái tháo đường đường nên ăn bữa phụ và món tráng miệng như thế nào?  - Ảnh 5.

Thạch không đường có lượng carbohydrate thấp phù hợp làm món tráng miệng cho người đái tháo đường.

Trái cây là một trong những món tráng miệng tốt nhất cho người bị tiểu đường. Trái cây cung cấp vitamin và khoáng chất, và là thực phẩm giàu chất xơ. Theo một nghiên cứu, người bị tiểu đường tiêu thụ 50g chất xơ mỗi ngày sẽ kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn so với những người trong một ngày chỉ tiêu thụ 24g. Đặc biệt, chất xơ giúp ổn định lượng đường trong máu và có thể giảm cholesterol.

Táo, cam và lê là những loại quả có một nửa chất xơ ở dạng hòa tan. Cố gắng ăn ít nhất 25-30g tổng chất xơ mỗi ngày.

Thạch có chứa khoảng 20g đường, nhưng loại thạch không đường có thể là một lựa chọn tốt cho người bị tiểu đường muốn có chút vị mát giòn tráng miệng sau bữa tối. Thạch không đường có lượng carbohydrate thấp và là lựa chọn tốt nhất để hạn chế tiêu thụ các sản phẩm có gelatin. 

Gợi ý thực đơn 1 tuần cho bệnh nhân đái tháo đường type 2Gợi ý thực đơn 1 tuần cho bệnh nhân đái tháo đường type 2

SKĐS - Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường là yếu tố quan trọng để người bệnh kiểm soát đường huyết, tránh được những biến chứng nguy hiểm và sống chung với căn bệnh mạn tính này.

Mời đón xem video đang được quan tâm:

Những đối tượng nào là nhóm nguy hiểm của bệnh đậu mùa khỉ?



Thanh Loan (ghi)
Ý kiến của bạn