Hà Nội

Người bệnh đái tháo đường cần tuân thủ dùng thuốc để tránh mất kiểm soát trong điều trị

03-02-2022 07:00 | Dược

SKĐS - Mỗi năm Tết đến Xuân về, theo truyền thống của người Việt Nam, nhà nhà sum vầy, tập trung ăn uống, vui vẻ… Tuy nhiên, điều này lại tiềm ẩn những nguy cơ mất kiểm soát một số bệnh lý mạn tính. Đặc biệt đáng chú ý là các bệnh như đái tháo đường, bệnh lý rất dễ bị mất kiểm soát trong những ngày lễ tết.

1. Những nguyên nhân khiến người bệnh đái tháo đường dễ mất kiểm soát bệnh

1.1. Tâm lý thả lỏng ăn uống thoải mái dịp Tết: "Cứ ăn thoải mái một chút, chỉ có mấy ngày tết thôi rồi điều chỉnh sau". Đó là tâm lý chung của mỗi chúng ta khi Tết đến, trong đó có cả người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ). Nhưng chế độ ăn uống lại là một phần không thể thiếu, phải thực hành hằng ngày trong điều trị các bệnh lý ĐTĐ nói riêng và các bệnh lý mạn tính khác như tăng huyết áp, bệnh Gout... nói chung.

1.2. Số lượng, chủng loại thực phẩm thay đổi: Các món ăn ngày tết thiên về ăn nhiều thịt, đồ xào rán, đồ kho mặn và đặc biệt nhà nào cũng nhiều bánh, mứt, kẹo - những thứ không thể nào thiếu để tiếp khách trong dịp Tết. Trong khi đó lượng rau tiêu thụ lại rất ít.

 Sự mất cân đối các thành phần trong khẩu phần ăn dẫn đến gia tăng các loại rối loạn chuyển hoá: Rối loạn chuyển hoá đường dẫn đến gia tăng tỷ lệ ĐTĐ cũng như gia tăng tình trạng mất kiểm soát đường huyết. Rối loạn chuyển hóa đạm còn dẫn đến tăng cao acid uric dẫn đến bệnh Gout…

photo-1642826705406

Đo đường huyết trước và sau ăn để kiểm soát chế độ ăn trong ngày tết.

1.3. Gia tăng tiêu thụ rượu bia và thuốc lá.

1.4. Giảm tuân thủ điều trị: Uống thuốc không đều, không đủ, không đúng. Nguyên nhân do bận rộn, mải vui, do chuẩn bị thuốc men không đầy đủ.

1.5. Không được thăm khám, tư vấn đầy đủ khi người bệnh có nhu cầu. Người bệnh cũng có tâm lý ngại đi khám bệnh dịp Tết.

Để khắc phục tình trạng trên, những bệnh nhân đang mắc bệnh ĐTĐ cần có phương án chuẩn bị đầy đủ để đón Tết vừa vui, vừa khỏe.

 2. Những điều người bệnh ĐTĐ cần làm

2.1 Người mắc ĐTĐ cần chuẩn bị đón tết thế nào?

1. Cần chủ động chuẩn bị đón tết từ trước để không bị vướng vào sự đảo lộn nếp sinh hoạt hằng ngày. Trước tết cần đi khám bệnh, điều chỉnh đường huyết ổn định (cùng với các chỉ số khác như tăng huyết áp, mỡ máu - nếu có) về mức tối ưu. Chú ý chuẩn bị đầy đủ thuốc để không bị thiếu thuốc trong những ngày tết.

2. Mỗi người bệnh ĐTĐ cần có máy đo đường huyết, máy đo huyết áp cá nhân. Trong những ngày tết, nếu bản thân thấy chế độ ăn uống của mình không đảm bảo thì nên đo đường huyết thường xuyên hơn (từ 2-3 lần/ngày khi đói), hoặc đo ngay khi có biểu hiện bất thường. Đường huyết đo được khi đói là <7mmol/l, sau ăn 2 giờ 10mmol/l thì có thể yên tâm. Luôn cố gắng giữ đường huyết ở mức này.

2.2 Nghiêm túc thực hiện chế độ ăn

Ngày tết, vì sao người bệnh đái tháo đường lại dễ mất kiểm soát trong điều trị? - Ảnh 2.

Thực đơn cho người bệnh đái tháo đường

Với bệnh nhân ĐTĐ buộc phải ăn kiêng cả năm, thì những ngày Tết khi gia đình tề tựu đông đủ, việc ăn kiêng trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, trong những ngày Tết thường phải tiếp khách, nên người bệnh ĐTĐ có thể dùng quá nhiều cà phê, trà... Chế độ sinh hoạt thay đổi (thức khuya, dậy muộn, không thu xếp được thời gian nghỉ trưa) cũng khiến người bệnh dễ quên uống thuốc, quên tiêm insulin đúng giờ, ăn không đúng bữa...

Sự đảo lộn này trong vài ngày, thậm chí là một ngày đã có thể khiến bệnh nhân ĐTĐ gặp nguy hiểm: Đường huyết tăng quá cao do trong các bữa ăn ngày tết thường có quá nhiều thịt, nhiều chất béo. Ví dụ như bánh chưng và xôi là thức ăn làm tăng đường huyết khá nhiều. Ăn nhiều và quên uống thuốc khiến đường huyết càng tăng. Ngược lại, người ĐTĐ lại cũng dễ gặp phải biến chứng hạ đường huyết đột ngột do ăn muộn hơn bữa ăn thường ngày...

Do đó, để tránh những điều này, người ĐTĐ cần nghiêm túc thực hiện những điều sau:

- Tuân thủ chế độ ăn như ngày thường; tránh ăn nhiều đồ ăn vặt dễ bị cung cấp năng lượng dư thừa (thậm chí như hạt hướng dương, hạt bí... cũng cung cấp năng lượng rất nhiều).

- Nếu đi ăn tiệc nên báo trước với người cùng ăn là mình bị đái tháo đường để tránh bị ép ăn/uống quá độ.

- Nếu đã lỡ ăn nhiều hơn có thể tiêm thêm insulin 2-6 đơn vị loại insulin nhanh. Nếu không dùng thuốc tiêm thì nên vận động nhiều hơn để tiêu thụ số calo thừa đưa vào. Không tự ý tăng liều thuốc uống nếu không có ý kiến của bác sĩ, vì các loại thuốc uống hạ đường huyết khó lường trước khả năng làm giảm đường huyết trong khoảng thời gian ngắn.

2.3 Chế độ tập luyện

Luyện tập là 1 trong 3 phương pháp điều trị quan trọng, không thể thiếu đối với người mắc ĐTĐ. Tập luyện không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe, tiêu hao năng lượng, duy trì cân nặng, từ đó giúp ổn định đường huyết, hạn chế các biến chứng.

Do vậy, trong những ngày tết, người mắc ĐTĐ vẫn nên duy trì các bài tập đều đặn, thường xuyên và phù hợp với sức khỏe cũng như điều kiện. Chẳng hạn như có thể đi bộ, đi xe đạp gần nhà; tập luyện các bài tập đơn giản tại nhà mà không cần đến các phòng tập; tích cực dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc cây... cũng là một trong những biện pháp rèn luyện.

2.4 Sử dụng thuốc đúng - đủ - đều

Ngày tết, vì sao người bệnh đái tháo đường lại dễ mất kiểm soát trong điều trị? - Ảnh 4.

Người bệnh đái tháo đường cần dùng thuốc đều đặn và kiểm tra đường huyết thường xuyên

Để không quên uống thuốc và sinh hoạt không bị đảo lộn, nên thực hiện các bước sau:

1. Dùng điện thoại để nhắc giờ uống/tiêm thuốc, nhắc giờ tập luyện, nhắc giờ đi ngủ/thức dậy.

2. Người thân trong gia đình cần hỗ trợ tốt hơn cho người bệnh trong vấn đề kiểm soát bệnh bằng cách: Kiểm tra xem người bệnh đã uống/tiêm thuốc đúng giờ chưa. Không vì vui "tặc lưỡi không sao đâu" dù chỉ một lần để người bệnh quên thuốc.

3. Trong trường hợp lỡ hết thuốc mà chưa mua ngay được, người bệnh nên ăn ít hơn, chia nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Biện pháp này có thể giúp đường huyết không tăng quá cao trong vài ngày. Mua ngay thuốc khi có thể.

4. Ngay sau tết nên đi khám lại bệnh sớm nhất.

Như vậy, để đảm bảo an toàn trong những ngày lễ tết, người mắc đái tháo đường vẫn có thể thoải mái hơn một chút trong nếp sống sinh hoạt. Tuy nhiên, vẫn cần tuân thủ các nguyên tắc trong điều trị, bảo đảm đủ 3 yếu tố: Chế độ dinh dưỡng, chế độ luyện tập và chế độ dùng thuốc... để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Mời độc giả xem thêm video:

Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng

PGS.TS.Nguyễn Đức Hải
Viện trưởng Viện điều trị cán bộ cao cấp, Bệnh viện TWQĐ 108
Ý kiến của bạn