Người bệnh COPD cảm giác có đờm, rất khó khạc, phải làm sao?

02-01-2023 07:06 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) rất phổ biến với đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp dai dẳng và giới hạn lưu lượng khí thở do sự bất thường của đường thở và phế nang.

Đây là bệnh tiến triển nặng dần, không hồi phục do có những đợt cấp và xuất hiện các biến chứng trầm trọng gây tàn phế và đưa đến tử vong như suy hô hấp mạn tính, suy tim phải.

1. Biểu hiện bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Biểu hiện nổi bật nhất của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là ho khạc đờm mạn tính và khó thở. Lúc đầu thường ho cách quãng, sau ho cả ngày vào đa số các ngày trong tuần, nếu điển hình có thể ho kéo dài đến 3 tháng trong một năm và liên tục từ 2 năm trở lên.

Người bệnh khạc đờm vào buổi sáng, thường xuyên, đờm trong và nhày số lượng ít sau khi ho. Tuy nhiên một số trường hợp có thể không ho, hoặc rất ít ho mà triệu chứng chủ yếu là khó thở từ từ tăng dần, lúc dầu là khó thở khi gắng sức, về sau khó thở xuất hiện cả khi nghỉ.

Vì vậy, những người có các yếu tố nguy cơ của COPD và có các triệu chứng như trên, cần đi khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và làm thêm các xét nghiệm giúp khẳng định chẩn đoán chính xác.sau khi điều trị ổn định đợt cấp của COPD người bệnh về nhà vẫn cần điều trị duy trì sau khi điều trị ổn định đợt cấp của COPD người bệnh về nhà vẫn cần điều trị duy trì

Người bệnh COPD cảm giác có đờm, rất khó khạc, phải làm sao? - Ảnh 1.

Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

2. Những lưu ý về điều trị ở người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

COPD là một bệnh mạn tính và cho đến nay căn bệnh này có thể điều trị được nhưng không thể điều trị khỏi hoàn toàn.

Với mục tiêu của điều trị của bệnh COPD là giảm triệu chứng, đặc biệt trong các đợt cấp của bệnh giúp người bệnh giảm tình trạng khó thở, giảm ho khạc đờm, đờm về màu trắng, hết sốt…, duy trì thuốc hít, xịt đều đặn để giảm nguy cơ bệnh tiến triển như giảm tần suất các đợt cấp, giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế do bệnh này.

2.1. Người bệnh COPD cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ

Do vậy, sau khi điều trị ổn định đợt cấp của COPD người bệnh về nhà vẫn cần điều trị duy trì, uống thuốc theo chỉ định của các bác sĩ.

- Người bệnh COPD cần tuân thủ mọi chỉ định của các bác sĩ, duy trì đều đặn và đúng thao tác sử dụng các thuốc uống hoặc thuốc hít, thuốc xịt theo hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, người bệnh nên giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc tiếp xúc với người khác để tránh nguy cơ khởi phát đợt cấp do hít phải khói bụi hoặc nhiễm virus.

- Người bệnh cũng cần tiêm phòng vaccine cúm hàng năm và vaccine phế cầu mỗi 5 năm 1 lần vì khi tiêm phòng cũng đã được chứng minh giảm nguy cơ đợt cấp của bệnh.

2.2. Cần kết hợp vật lý trị liệu, tập thể dục hợp lý

Người bệnh cần tập thể dục tùy theo tình trạng sức khỏe cụ thể để giảm cảm giác khó thở, tăng khả năng thích nghi với các hoạt động sinh hoạt, lao động hằng ngày, tốt nhất là các bài tập thiền, tập thở kiểu bụng (thở hoành) hoặc Yoga.

Để thực hiện tốt bài tập thở hoành người bệnh cần chú ý đến các bước thực hiện sau:

Bước 1: Người bệnh cần ngồi ở tư thế thoải mái, thả lỏng cổ và vai.

Bước 2: Sau đó đặt một bàn tay lên bụng và đặt bàn tay còn lại lên ngực, rồi hít vào chậm qua mũi sao cho bàn tay trên bụng có cảm giác bụng phình lên, lồng ngực không di chuyển.

Bước 3: Người bệnh hóp bụng lại và thở ra chậm qua miệng với thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào và bàn tay trên bụng có cảm giác bụng lõm xuống.

Nên tập thở cơ hoành nhiều lần trong ngày cho đến khi trở thành thói quen. Sau khi đã nhuần nhuyễn kỹ thuật thở cơ hoành ở tư thế nằm hoặc ngồi, nên tập thở cơ hoành khi đứng, khi đi bộ và cả khi làm việc nhà.

2.3. Thực hiện các biện pháp làm sạch và giúp thoáng đường thở

Nếu người bệnh COPD luôn cảm giác có đờm nhưng rất khó khạc thì cần phải uống đủ nước (trung bình khoảng 1,5 lít nước/ngày), cần sử dụng thuốc khí dung, thuốc long đờm.

Để tống được đờm ra ngoài góp phần làm sạch và làm thoáng đường thở, giúp người bệnh dễ thở hơn. Người bệnh có thể thực hiện động tác ho có kiểm soát để đạt được hiểu quả tống đờm tốt nhất và tránh bị mệt.

  • Ngồi trên giường hoặc ghế thư giãn, thoải mái.
  • Hít vào chậm và thật sâu.
  • Nín thở trong vài giây.
  • Ho mạnh hai lần, lần đầu để long đờm, lần sau để đẩy đờm ra ngoài.
  • Hít vào chậm và nhẹ nhàng. Thở chúm môi vài lần trước khi lặp lại động tác ho.

Nếu người bệnh mệt, yếu, không thể ho mạnh, có thể thay thế bằng kỹ thuật thở ra mạnh, cụ thể.

  • Hít vào chậm và sâu.
  • Nín thở trong vài giây.
  • Thở ra mạnh (hóp bụng) và kéo dài.
  • Hít vào nhẹ nhàng. Hít thở đều vài lần sau đó cớ thể thực hiện lặp lại.

2.4. Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý

Dinh dưỡng vô cùng quan trọng với người bệnh COPD. Nhiều nghiên cứu cho rằng khoảng 25 – 40% bệnh nhân COPD có cân nặng thấp hơn bình thường và khoảng 25% sút cân vừa đến nặng. Việc bổ sung dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đến hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Nếu người bệnh COPD suy dinh dưỡng gây nhiều hệ lụy trong đó làm giảm tính đàn hồi của phổi và chức năng hô hấp; giảm khối lượng, giảm sức cơ của cơ hô hấp; thay đổi cơ chế miễn dịch tại phổi; dễ nhiễm trùng tại phổi…

Vì vậy, người bệnh COPD không có các bệnh lý đặc biệt kèm theo thì cần được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng bao gồm cả đạm, mỡ, đường, tinh bột và các muối khoáng. Tuy nhiên, ở người bệnh có tăng khí Carbonic (CO2) trong máu, không nên ăn quá nhiều thức ăn tinh bột và đường, vì các sản phẩm chuyển hóa của loại thức ăn này có thể làm tăng loại khí này trong máu.

Nhóm thực phẩm mà người bệnh COPD cần tránh bao gồm: Muối không nên chứa quá 300mg natri và toàn bộ bữa ăn không nên vượt quá 600mg natri. Hạn chế đồ chiên rán nhiều dầu mỡ vì có thể gây ra tình trạng đầy hơi, khó tiêu, ảnh hưởng tới hơi thở và hệ hô hấp. Hạn chế tối đa các loại nước uống có chứa caffein, đồ có cồn, có gas…

Tóm lại: Tiến triển tự nhiên của COPD là một quá trình mạn tính và trên nền tảng này có các đợt nặng lên gọi là đợt bùng phát hay đợt cấp. Vì vậy, mặc dù việc uống thuốc tại nhà được chỉ định nhưng thấy có các biểu hiện như khó thở tăng và/ hoặc ho khạc tăng, đờm đang màu trắng trong chuyển thành trắng đục hoặc đờm có màu xanh, màu vàng, ... cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám, nhập viện điều trị thích hợp.

Mời độc giả xem thêm video:

Giãn Động Mạch Phế Quản, Người Đàn Ông Ho Ra Nửa Lít Máu I SKĐS



BS Phạm Văn Luận
Ý kiến của bạn