Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, TS. BS Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc BV Nhân dân Gia Định nói: "Sự cố đã để lại nhiều trăn trở cho tôi vừa với vai trò là một nhân viên y tế và càng nhiều trăn trở hơn với cương vị là lãnh đạo bệnh viện. Tôi rất đồng cảm với những lo lắng, tâm lý muốn được bác sĩ xử trí, điều trị ngay lập tức khi vào khoa cấp cứu vì người nhà, người bệnh nghĩ rằng tình trạng sức khỏe đang gặp phải là rất nguy cấp.
Nhân viên y tế chúng tôi cũng muốn ngay lập tức điều trị cho người bệnh nếu điều kiện cho phép. Tuy nhiên, tại khoa Cấp cứu có những quy định mức độ ưu tiên điều trị rất rõ ràng, phải tuân thủ để đảm bảo nguyên tắc không có người bệnh nào bị nguy hiểm đến tính mạng.
Sự việc đáng tiếc này đã không xảy ra nếu người bệnh, người nhà tin tưởng ở nhân viên y tế và tuân theo quy trình khám chữa bệnh cấp cứu tại bệnh viện....".
- Đây không phải là lần đầu xảy ra vụ việc bác sĩ bị thân nhân, người nhà bệnh nhân đe dọa và tấn công bằng vũ lực tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bởi trước đó cũng đã có một số vụ việc xảy ra. Ông có thể lý giải nguyên nhân tại sao Khoa Cấp cứu ở cơ sở y tế lại là nơi dễ xảy ra những vụ bạo hành?
TS. BS Nguyễn Hoàng Hải: Mặc dù đồng cảm và chia sẻ với những lo lắng, hoang mang của người nhà bệnh nhân khi người thân của mình đang được cấp cứu nhưng là người đứng đầu cơ sở y tế, tôi không đồng tình với các hành vi bạo lực và đặc biệt phê phán việc hành hung, tấn công nhân viên y tế đang thực hiện công tác khám, chữa bệnh.
Khoa Cấp cứu của các bệnh viện nói chung đều là nơi "đầu sóng ngọn gió", nơi tiếp nhận ban đầu của rất nhiều tình huống từ nặng đến nhẹ, từ đơn giản đến phức tạp. Vì tính chất đặc thù liên quan đến tính mạng con người nên mọi người có thể nhập thẳng vào khoa cấp cứu mà không qua các bước sàng lọc hay quy trình khám bệnh thông thường nào. Chính vì vậy có thể dẫn đến nhiều sự cố hay tình huống không thể lường trước được.
Nhân viên y tế bị đe dọa không phải là vấn đề mới, cũng không phải là điển hình của Bệnh viện Nhân dân Gia Định nói riêng và các bệnh viện khác nói chung. Tuy nhiên, gần đây do sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội nên mọi người biết đến nhiều hơn so với trước.
Bệnh viện Nhân dân Gia Định là bệnh viện tuyến cuối, mỗi ngày Khoa Cấp cứu tiếp nhận và xử trí cho khoảng 200 lượt bệnh nhân trong và ngoài thành phố chuyển đến. Trong đó có rất nhiều ca tai nạn giao thông, đa chấn thương, nguy kịch, ngưng tim ngưng thở, suy hô hấp nguy hiểm đến tính mạng.
Bên cạnh đó có những trường hợp gần địa bàn, gặp các vấn đề sức khỏe thông thường cũng đến Khoa Cấp cứu. Bệnh viện phải tiếp nhận và xử trí tất cả các trường hợp nhập đến. Tất cả thứ tự ưu tiên cấp cứu đều đã được quy định rất rõ ràng nhưng người bệnh, người nhà với tâm lý lo lắng đều muốn được điều trị ngay nên sẽ không tránh được những bất đồng, sự cố ngoài ý muốn.
Tôi tin rằng các nhân viên y tế Khoa Cấp cứu của mình đã, đang và sẽ luôn hoạt động 24/7, không ngừng nghỉ, tập trung cao độ cả sức lực và tinh thần cho công tác cấp cứu người bệnh. Họ làm đúng theo quy trình khám cấp cứu bằng tấm lòng, lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc. Trong quá trình giao tiếp, giải thích cho người bệnh, người nhà nếu không đạt đến sự đồng thuận do nhiều yếu tố khách quan như môi trường cấp cứu căng thẳng xung quanh, tâm lý lo lắng của người bệnh, người nhà…
Qua sự cố này bệnh viện sẽ lưu ý hơn nữa trong vấn đề cải tiến chất lượng là cần tăng cường kỹ năng giao tiếp, giải thích vấn đề chuyên môn dễ hiểu hơn để người nhà, người bệnh tích cực hợp tác trong quá trình cấp cứu, điều trị.
- Sau khi liên tiếp xảy ra hai sự cố trên, ban lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân Gia Định có đề xuất, giải pháp như thế nào để bảo vệ nhân viên y tế của mình?
TS. BS Nguyễn Hoàng Hải: Câu chuyện an ninh trật tự trong bệnh viện đặc biệt Khoa Cấp cứu, thường xuyên được phản ánh. Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã xây dựng "Quy trình phản ứng khẩn cấp sự cố an ninh trật tự - Code Grey" từ năm 2019 đến nay đã cho thấy tính hiệu quả của mô hình dưới sự phối hợp của địa phương và được nhân rộng ở nhiều cơ sở y tế khác. Cũng chính nhờ có quy trình này nên dù đã có những sự cố xảy ra nhưng được ngăn chặn kịp thời không dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn.
Bệnh viện sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát cũng như cải tiến lại quy trình sao cho đạt hiệu quả tốt hơn nữa. Ví dụ như bố trí 1 bảo vệ thường trực 24/7 tại khoa cấp cứu. Đồng thời tăng cường các biển báo về quy định cấp cứu, mức độ khẩn của bệnh… cho người bệnh và người nhà của họ biết; tiếp tục tập huấn nhân viên bảo vệ về an ninh trật tự, diễn tập Code Grey…
Hành động tấn công nhân viên y tế khi đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu người bệnh là hoàn toàn không chấp nhận được cho dù bất cứ lý do nào. Nhân viên Bệnh viện Nhân dân Gia Định nói riêng và ngành y tế TP.HCM nói chung mong muốn các cơ quan bảo vệ pháp luật sớm có giải pháp nghiêm khắc nhằm răn đe và chấm dứt các hành vi mang tính trấn áp cả về thể chất lẫn tinh thần của nhân viên y tế trong lúc đang làm nhiệm vụ chăm sóc người bệnh.
Dù đứng trên các cương vị vai trò khác nhau nhưng chúng ta đều có một mục đích chung là đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho người bệnh. Chính vì vậy, để đạt được mục đích này, người bệnh, người nhà, nhân viên y tế phải là một khối thống nhất, đoàn kết dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.
- Xin chân thành cảm ơn ông.
Ngành y tế TP.HCM triển khai nhiều giải pháp bảo vệ nhân viên y tế khoa cấp cứu
Ngày 10/8, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM và lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã có buổi làm việc sau vụ các bác sĩ khoa cấp cứu của bệnh viện bị thân nhân người bệnh hành hung.
Sở Y tế TP.HCM yêu cầu tất cả các bệnh viện khẩn trương triển khai các hoạt động rà soát, củng cố quy trình báo động "Code grey" về an ninh trật tự bệnh viện, trong đó lưu ý rút ngắn hơn nữa thời gian kích hoạt đến công an địa phương để kịp thời hỗ trợ lực lượng bảo vệ bệnh viện trấn áp các nhóm gây rối an ninh, trật tự trong bệnh viện. Đồng thời yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân Gia Định và các bệnh viện trực thuộc nghiên cứu triển khai thêm các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất tình huống thân nhân người bệnh bất ngờ gây rối hoặc hành hung nhân viên khoa cấp cứu của bệnh viện, gồm:
Tổ chức quy trình sàng lọc cấp cứu, hạn chế cho nhập vào khoa cấp cứu những trường hợp không có chỉ định cấp cứu, thay vào đó, cho nhập viện nếu có đủ tiêu chuẩn nhập viện hoặc triển khai phòng lưu bệnh để điều trị và theo dõi trong thời gian ngắn (vài giờ) đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện nhập cấp cứu hoặc nhập viện.
Triển khai "nguyên tắc 4 giờ hoặc 6 giờ" là thời gian tối đa cho người bệnh lưu lại tại khoa cấp cứu, và phân quyền cho bác sĩ khoa cấp cứu có quyền chuyển người bệnh vào các khoa nội trú, không để người bệnh lưu lại quá lâu tại khoa cấp cứu.
Có giải pháp tăng cường giao tiếp với thân nhân người bệnh trong thời gian nằm điều trị tại khoa cấp cứu giúp tạo sự an tâm, giảm lo lắng, bức xúc không cần thiết. Khuyến khích phòng xã hội của bệnh viện cử nhân viên xã hội đến khoa cấp cứu để tham gia hoạt động này.
Trực lãnh đạo bệnh viện chủ động điều phối tăng cường nhân viên cho khoa Cấp cứu trong tình huống số lượng bệnh nhân tăng đột ngột (như ngộ độc hàng loạt, tai nạn thương tích,…).