Hà Nội

Người bệnh bị suy tuyến cận giáp cần làm gì?

22-02-2024 13:05 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Suy tuyến cận giáp còn gọi tắt là suy cận giáp là tình trạng tuyến cận giáp không sản xuất đủ hormone tuyến cận giáp gây tình trạng rối loạn các vi chất cần thiết trong cơ thể, bao gồm hạ calcium máu và tăng phospho trong máu.

Sau điều trị phẫu thuật tuyến giáp, rất nhiều trường hợp có thể bị ảnh hưởng đến tuyến cận giáp, dẫn đến tình trạng suy giảm chức năng tuyến cận giáp.

Biểu hiện của suy tuyến cận giáp

Khi bị suy tuyến cận giáp mức canxi thấp gây ra nhiều triệu chứng của tình trạng suy tuyến cận giáp, cụ thể.

- Người bệnh có biểu hiện đau cơ hoặc chuột rút.

- Xuất hiện tình trạng dị cảm, bao gồm ngứa ran, bỏng rát hoặc tê ở đầu ngón tay, ngón chân và môi.

- Có biểu hiện co thắt cơ, đặc biệt là xung quanh miệng hoặc ngón tay, chân.

Ngoài ra, người bệnh còn có các biểu hiện như: Rụng tóc, da khô, móng tay dễ gãy. Phụ nữ sẽ có biểu hiện đau bụng tăng lên trong kỳ kinh nguyệt. Ở một số người bệnh có thể có co giật, rối loạn nhịp tim do thiếu hụt calcium. Trẻ em suy cận giáp có thể có thêm đau đầu, nôn và gặp các vấn đề về răng như men răng kém, mọc chậm.

Người bệnh suy tuyến cận giáp cần làm gì để nâng cao chất lượng cuộc sống?- Ảnh 1.

Hình ảnh tuyến cận giáp

Điều trị suy tuyến cận giáp

Điều trị suy tuyến cận giáp là điều trị triệu chứng. Đối với điều trị hàng ngày, người bệnh được chỉ định dùng calcium và vitamin D để tránh các vấn đề do thiếu hụt calcium máu. Và khác với bổ sung calcium thông thường, bệnh nhân suy cận giáp nên chia nhỏ liều calcium hàng ngày thành 2 - 3 lần để đảm bảo nồng độ calcium trong máu cao cả ngày. Mặc dù vậy, nồng độ calcium hay vitamin D quá cao có thể gây ra các vấn đề về sức khoẻ. Do đó lưu ý với người bệnh suy cận giáp chỉ dùng thuốc theo chỉ điều trị theo đơn các bác sĩ có trình độ.

Điều trị cấp cứu nếu nồng độ calcium quá thấp, người bệnh suy cận giáp có thể sẽ gặp co rút chân tay, thậm chí ảnh hưởng nhịp tim và đe dọa tính mạng, khi đó người bệnh cần được bổ sung calcium qua đường tĩnh mạch. Mọi người lưu ý rằng calcium không được truyến "thường quy" mà chỉ sử dụng trong cấp cứu.

Trên thực tế, các bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng của bệnh nhân để quyết định định lượng vitamin D và canxi mà bệnh nhân cần dùng. Thêm vào đó là theo dõi nồng độ của các chất như magie, phospho, canxi và hormone tuyến cận giáp định kỳ. Phần lớn là người bệnh đều phải bổ sung canxi suốt đời để điều trị suy tuyến cận giáp.

Nếu bệnh nhân gặp tình trạng co thắt cơ bắp hoặc nồng độ canxi hạ tới mức quá thấp đe dọa đến tính mạng thì sẽ cần phải được truyền canxi theo đường tĩnh mạch. Phương pháp này giúp kiểm soát một cách nhanh chóng các triệu chứng do canxi được bổ sung trực tiếp vào máu. Ngoài ra bệnh nhân có thể phải bổ sung thêm thuốc lợi tiểu để hạn chế lượng canxi bị đào thải qua đường nước tiểu.

Người bệnh suy tuyến cận giáp cần làm gì để nâng cao chất lượng cuộc sống?- Ảnh 2.

Người bệnh suy tuyến cận giáp cần có chế độ ăn nhiều trái cây.

Lời khuyên dành cho người bệnh suy tuyến cận giáp để đảm bảo chất lượng cuộc sống

Đối với người bệnh suy tuyến cận giáp cần có một chế độ ăn uống thích hợp, khoa học sẽ giúp cho khỏe mạnh. Một chế độ ăn giàu canxi và ít phosphor bằng cách tăng cường thực phẩm giàu canxi bao gồm: Các loại cây họ đậu; Rau lá xanh đậm; Các sản phẩm từ sữa; Ngũ cốc; Nước cam ép; Các loại quả như mận, mơ...

Người bệnh cần uống đủ nước, không bỏ bữa để có thể giúp đảm bảo rằng cơ thể không bị mất các chất dinh dưỡng cần thiết. Các khuyến nghị người bệnh nên uống từ 6 đến 8 cốc nước mỗi ngày.

Một số loại thực phẩm giàu phốt pho có thể làm giảm đáng kể lượng canxi nên người bệnh suy cận giáp không nên dùng. Bao gồm: Các loại nước ngọt có gas; Trứng; Thịt đỏ; Thực phẩm có chứa đường tinh chế; Chất béo chuyển hóa; Cà phê; Rượu bia…

Tóm lại: Suy tuyến cận giáp là tình trạng tuyến cận giáp tiết ra quá ít hormon tuyến cận giáp dẫn đến giảm canxi máu và tăng phospho máu. Bệnh có thể do di truyền nhưng khá nhiều trường hợp do bị chấn thương hoặc sau phẫu thuật (chú ý để điều trị u tuyến cận giáp hoặc vô ý như là tai biến của phẫu thuật cắt tuyến giáp). Khi bị suy cận giáp bệnh phải điều trị sẽ phải kéo dài suốt đời và thường xuyên làm các xét nghiệm máu, nước tiểu để điều chỉnh liều thích hợp.

Nguyên nhân gây hội chứng suy giápNguyên nhân gây hội chứng suy giáp

SKĐS - Suy giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất không đủ một số hormone, hội chứng này gồm các triệu chứng lâm sàng gây ra do hormone giáp giảm thấp trong máu. Nếu không nhận biết sớm và điều trị, suy giáp có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng.

BS. Nguyễn Văn Hiệp
Ý kiến của bạn