Hà Nội

Người bệnh áp xe gan tập luyện như thế nào?

26-03-2024 09:15 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Trong giai đoạn bệnh áp xe gan chưa ổn định, tập luyện hay xoa bóp đều chống chỉ định để tránh các biến chứng. Khi bệnh đã ổn định, các bài tập hay xoa bóp hỗ trợ người bệnh cải thiện triệu chứng và hồi phục sức khoẻ.

Nhiễm vi khuẩn vào nhu mô gan dẫn đến áp xe gan (HA) có thể xảy ra qua đường mật hoặc mạch máu. Nhiễm trùng thường là do vi khuẩn, đôi khi là ký sinh trùng hoặc rất hiếm khi do nấm.

Áp xe gan là một tình trạng hiếm gặp, tỷ lệ tử vong liên quan đến nhiễm trùng hoặc biến chứng tại chỗ rất cao.

Việc chẩn đoán nhanh chóng và thực hiện một phương pháp điều trị đầy đủ, hiệu quả là rất cần thiết để cho phép chữa lành vết thương mà không để lại di chứng.

Biến chứng

- Tỷ lệ người bệnh áp xe gan có biến chứng chiếm khoảng 40%, nhiều nhất là nhiễm trùng toàn thân, nhiễm trùng huyết (septicemia), tử vong 85%...

- Bệnh áp xe gan sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, vì gây nhiều biến chứng và ảnh hưởng các cơ quan lân cận như: Vỡ áp xe vào màng ngoài tim, nhiễm trùng ổ bụng, vỡ áp xe vào phổi và màng phổi, vỡ vào ống tiêu hóa...

Điều trị bằng kháng sinh là chủ yếu. Bên cạnh đó có thể thực hiện biện pháp dẫn lưu ổ áp xe (chọc hút, dẫn lưu qua da, mổ dẫn lưu)…

Người bệnh áp xe gan tập luyện như thế nào?- Ảnh 1.

Tập luyện khoa học giúp người bệnh áp xe gan tăng cường sức khỏe.

1. Vai trò của tập luyện, xoa bóp với người bị áp xe gan

Trong giai đoạn bệnh chưa ổn định, tập luyện hay xoa bóp đều chống chỉ định để tránh các biến chứng. Vai trò của tập luyện, xoa bóp với người bệnh áp xe gan là nhằm mục đích hỗ trợ cải thiện triệu chứng và hồi phục sức khỏe trong giai đoạn bệnh đã ổn định.

Y học cổ truyền (YHCT) cho rằng, trong cơ thể con người ngoài Huyết dùng để nuôi cơ thể còn có một yếu tố nữa cực kỳ quan trọng đối với sinh mệnh đó là Khí. Khí cùng Huyết lưu thông khắp cơ thể. Mất sự lưu thông đó con người sẽ ốm đau, bệnh tật và muốn trở lại bình thường phải tìm các biện pháp thích hợp để khôi phục sự cân bằng lưu thông của khí huyết.

Y học hiện đại (YHHĐ) cho rằng, xoa bóp làm cho huyết quản co giãn, đưa một lượng máu khá lớn vận chuyển từ nội tạng ra da và lại làm cho lượng máu ấy chuyển vận từ da vào nội tạng. Sự vận chuyển này giúp cho tuần hoàn tế bào; tạo điều kiện tốt cho quá trình "thay cũ, đổi mới" trong các tế bào, tăng cường dinh dưỡng cho toàn thân, do đó tăng cường sức mạnh cơ thể.

Dưỡng sinh kết hợp xoa bóp là phương pháp đơn giản, tiện lợi, hiệu quả… có giá trị phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi sức khỏe giúp cho Khí và Huyết lưu thông tại chỗ, cũng như các cơ quan tạng phủ được nuôi dưỡng đầy đủ.

2. Bài tập dành cho người bệnh áp xe gan

- Trường hợp người bệnh áp xe gan được điều trị kháng sinh và sau khi chọc hút ổ áp xe qua da hoặc sau khi dẫn lưu ổ áp xe gan qua da dưới hướng dẫn siêu âm.

Thở 4 thời có kê mông và giơ chân

Tác dụng: Khi hít vào tối đa thì áp suất trong ngực âm và áp suất trong bụng dương, do đó máu về tim và phổi dễ dàng, thúc đẩy lưu thông tuần hoàn, khí huyết, xoa bóp nội tạng (nhờ có kê mông nên còn có tác dụng luyện cơ hoành).

Chỉ định: Các trường hợp ứ trệ của tạng phủ, khí huyết, làm tăng tính dẫn truyền thuốc đến tế bào.

Cách thực hiện:

+ Tư thế: Nằm ngửa thẳng, kê một gối ở mông (không phải ở thắt lưng) cao thấp tùy sức khoảng 5 - 8cm. Tay trái để trên bụng để theo dõi bụng phình lên xẹp xuống, tay phải để trên ngực để theo dõi ngực nở lên/ xẹp xuống.

+ Thời 1: Hít vào đều, sâu, tối đa, ngực nở, bụng phình và căng cứng. Thời gan 4-6 giây (Hít ngực bụng nở).

+ Thời 2: Giữ hơi, mở thanh quản bằng cách liên tục hít thêm, đồng thời giơ một chân dao động qua lại, cuối thời 2 hạ chân xuống. Thời gian 4-6 giây (Giữ hơi hít thêm).

+ Thời 3: Thở ra, tự nhiên thoải mái, không kềm, không thúc. Thời gian 4-6 giây (Thở không kềm thúc).

+ Thời 4: Nghỉ, thư giãn, chân tay nặng ấm. Chuẩn bị trở lại thời 1 (nghỉ nặng ấm toàn thân).

Mỗi lần tập ít nhất 10 hơi thở.

Động tác tam giác

Tác dụng: Vận động tất cả các tạng phủ trong bụng, khí huyết được đẩy đi tới gan, lách, dạ dày, ruột…

Chuẩn bị: Nằm ngửa, lót hai bàn tay úp xuống kế bên nhau để dưới mông, 2 chân chống lên, bàn chân gần đụng mông.

Cách thực hiện: Hít vào tối đa, giữ hơi. Trong lúc ấy dao động hai chân qua bên này rồi bên kia đụng giường. Mỗi lần 1 giây mỗi bên, cố gắng hít hơi vào thêm nữa, từ 2-6 cái, thở ra triệt để bằng cách co chân và ép chân trên bụng để đuổi hơi ra triệt để; xong để chân xuống. Làm như vậy 1-3 hơi thở.

Xoa trung tiêu

Tác dụng: Làm ấm vùng dạ dày, ruột non, gan, lách, đám rối thần kinh chi phối gan, lách.

Cách thực hiện: Bàn tay phải nắm lại úp trên bụng tay kia đè chụp lên. Xoa từ phải sang trái theo chiều kim đồng hồ 10-20 lần.

Vuốt bẹ sườn: Dùng ngón tay trỏ phải vuốt bên trái và ngược lại. Vuốt từ vùng hạ sườn từ đầu tự do xương sườn 12 theo bờ sườn đến mỏm xương ức; luân phiên nhau mỗi bên 10-20 lần.

- Trường hợp người bệnh áp xe gan phải điều trị bằng phẫu thuật bụng do biến chứng

Tập vận động sớm sau mổ nhằm hạn chế tối đa những thương tật thứ cấp có thể xảy ra do bất động lâu trên giường. Những bài tập này nhằm giúp bệnh nhân lấy lại sức mạnh cơ, tăng sức bền, tăng mức độ dung nạp oxy và cũng giúp dự phòng được các biến chứng do bất động sau mổ.

Bài tập thở

  • Có thể nằm trên giường, thư giãn vai và ngực trên.
  • Hít một hơi thật chậm và sâu (bằng mũi, nếu có thể) để lấp đầy phổi hết mức có thể.
  • Giữ hơi thở này trong 3 giây
  • Thở ra từ từ bằng miệng.
Người bệnh áp xe gan tập luyện như thế nào?- Ảnh 2.

Thực hiện bài tập thở tăng dung nạp oxy và dự phòng biến chứng sau phẫu thuật.

Vận động cổ chân

+ Uốn cong và duỗi mắt cá chân của bạn lên xuống một cách chắc chắn và nhanh chóng.

+ Lặp lại 10 lần.

Vận động đầu gối

+ Siết chặt đùi bằng cách ấn mặt sau đầu gối xuống giường. Giữ trong 5 giây. Lặp lại 5 lần với mỗi chân

+ Kéo các ngón chân lên, siết chặt cơ đùi và duỗi thẳng đầu gối. Giữ trong 5 giây và từ từ thư giãn. Lặp lại 5 lần với mỗi chân.

Vận động mông

+ Siết chặt mông thường xuyên tạo áp lực từ phía dưới.

+ Bạn cũng có thể di chuyển trọng lượng của mình từ bên này sang bên kia khi ngồi trên ghế.

Bài tập bụng

  • Bắt đầu tất cả các bài tập bụng bằng cách nằm gối đầu, gập đầu gối và đặt bàn chân phẳng trên giường.
  • Nhẹ nhàng đặt tay lên bụng dưới hoặc hông.
  • Hít vào bằng mũi và khi thở ra, nhẹ nhàng kéo rốn xuống về phía cột sống.
  • Cảm nhận các cơ căng lên, cố gắng giữ trong giây lát đếm đến 3 rồi thả lỏng. Hít vào thở ra bình thường, không nhấc đầu hoặc vai lên khỏi giường.
  • Đừng cố gắng hoàn thành động tác ngồi dậy hoặc gập bụng.

Nghiêng xương chậu

+ Đặt tay vào hõm lưng, siết chặt cơ bụng.

+ Đặt lưng lên tay và nghiêng mông lên và quay về phía ngực. Hít thở bình thường. Giữ trong 3 giây và thả ra nhẹ nhàng.

Lăn đầu gối

+ Siết chặt cơ bụng và nhẹ nhàng hạ cả hai đầu gối sang một bên sao cho thoải mái. Đưa gối trở lại giữa và thư giãn. Lặp lại ở phía bên kia. Giữ vai phẳng trên giường.

+ Hãy cố gắng thực hiện mỗi bài tập này 5 lần, 3 lần một ngày. Thực hiện nhiều lần lặp lại khi bạn cảm thấy có thể.

- Bài tập khi xuất viện về nhà

+ Tuần 1-2

Trong 2 tuần đầu tiên ở nhà, bạn có thể sẽ dễ mệt mỏi, vì vậy hãy nghỉ ngơi nhiều nhưng không cần phải nằm trên giường. Sau khi ở nhà vài ngày, bạn có thể tăng cường sức khỏe và sức chịu đựng bằng cách đi bộ ngắn mỗi ngày. Bắt đầu với 5-10 phút và dần dần cố gắng tăng khoảng cách của bạn mỗi ngày. Bạn có thể đi lên và xuống cầu thang kể từ ngày về nhà.

+ Tuần 2-3

Bạn có thể bắt đầu làm những công việc nhẹ nhàng như lau nhà và dọn dẹp. Có thể tập các bài tập thở 4 thời có kê mông và giơ chân, động tác tam giác, xoa tam tiêu.

+ Tuần 4-6

Bạn có thể dần dần làm nhiều công việc gia đình hơn. Cơ bụng của bạn sẽ dần dần khỏe hơn trong giai đoạn này và sau đó bạn sẽ có thể trở lại bình thường. Đặt mục tiêu đi bộ từ 30-45 phút mỗi ngày trong 6 tuần. Bạn vẫn phải tránh nâng vật nặng và đứng lâu.

Người bệnh áp xe gan tập luyện như thế nào?- Ảnh 3.

Đi bộ là bài tập phù hợp với người bệnh áp xe gan sau phẫu thuật.

3. Những lưu ý khi tập luyện

- Thời điểm tập tốt nhất trong ngày: Tốt nhất là tập vào buổi sáng sau khi ngủ đủ giấc nhưng thời gian tốt nhất để tập luyện là một lựa chọn cá nhân, với điều kiện bạn có thể tập luyện một cách bài bản và đều đặn.

- Không nên tập lúc mới ăn no.

- Phải tập vừa sức, không thái quá, không bất cập.

- Tập tuần tự từng bước, từ nhẹ đến nặng, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.

Mời bạn xem tiếp video:

Làm sao để phát hiện sớm ung thư gan? | SKĐS


BSCKII. Nguyễn Thị Diễm Hương
Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Cơ sở 3
Ý kiến của bạn