Đó chính là nhà nhiếp ảnh Quang Phùng - người được mệnh danh "Biểu tượng của tình yêu Hà Nội".
Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng chia sẻ về những tác phẩm chụp về Hà Nội.
Hơn 60 năm gắn bó nghề chụp ảnh, nhà nhiếp ảnh Quang Phùng miệt mài sáng tác, ghi lại nhiều khoảnh khắc đẹp, bình dị của cuộc sống. Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng sinh năm 1932 tại Hà Nội trong một gia đình có cha làm quan tri phủ và mẹ là một người con gái nức tiếng của Hà Nội xưa.
Gắn bó với nhiếp ảnh từ thuở hoa niên, những tác phẩm của ông hầu như gắn liền với Hà Nội. Đều đặn mấy chục năm, sáng nào ông cũng đồng hành cùng chiếc máy ảnh, lúc vòng quanh Hồ Gươm, Hồ Thiền Quang, lúc lang thang phố cổ, khi lại đến công viên Lê-nin…
Ngày nắng cũng như ngày mưa, ông rong ruổi với chiếc máy ảnh để gom nhặt những mảnh ghép về Hà Nội. Hàng nghìn bức ảnh đã được ra đời từ hành trình ấy nhưng có thể nói nhiều nhất vẫn là ảnh ông chụp về Hồ Gươm. Đó còn là những bức ảnh mang màu sắc sáng tối của cuộc sống đang diễn ra nơi phố thị. Ở đó, bên những thân phận, những cảnh đời ẩn chứa những day dứt, trở trăn của người cầm máy.
Bao nhiêu năm chụp ảnh về Hồ Gươm, ông không chỉ biết mặt, thuộc tên mà còn hiểu cả những "khoảng lặng" phía sau nhân vật mà ông thu vào ống kính của mình. Ông nhớ mãi hình ảnh bà lão gánh rau bán ở Bờ Hồ một thời mà ông từng mất cả buổi sáng theo chân để ghi lại từ dáng ngồi, dáng đứng, dáng đi; từ đôi bàn tay nhăn nheo hay khuôn mặt khắc khổ hằn rõ những lam lũ, tảo tần…
Ông bảo: "Bà ấy hơn tôi có một tuổi, bao năm rồi "bám trụ" ở quanh hồ, tài sản giá trị nhất là vạt đất trồng rau, thu hoạch được bao nhiêu lại gánh lên hồ bán rong. Tôi còn dạy bà ấy khi gặp khách Tây thì nói "Hello" để tỏ sự thân thiện, nhưng bà ấy lúc nhớ lúc quên...".
Và đâu chỉ có những người bán hàng rong, nhân vật trong ống kính của nhà nhiếp ảnh Quang Phùng còn là em bé bị chất độc da cam ngày ngày ngồi trên chiếc xe lăn lang thang khắp phố phường, là em gái thôn quê lên Hà Nội mưu sinh với thúng bánh mì bán dạo từ sáng sớm tới tối khuya, là những con nghiện lang thang tìm chỗ trú chân…
Có nhân vật ông bỏ công, bỏ sức "theo đuổi" ròng rã mấy tháng trời, chụp tới cả album ảnh và khi lật giở lại từng bức ảnh thì đã là một câu chuyện hoàn chỉnh mang tính xã hội. Cũng không ít những nhân vật mà số phận của họ đã khiến ông xót xa và day dứt khôn nguôi…
Với nhà nhiếp ảnh Quang Phùng, câu chuyện phía sau mỗi bức ảnh mới là điều giá trị bởi theo ông, thế mạnh của nhiếp ảnh là tính tài liệu, là phản biện xã hội, là những thông điệp về Chân - Thiện - Mỹ.
Có lẽ vì thế ảnh ông chụp thường đi theo từng bộ, từng chủ đề chứ không phải là những ảnh đơn lẻ. Không chỉ là cảm xúc của người nghệ sĩ trước vẻ đẹp mong manh của cái đẹp mà còn là tiếng thở dài trước sự ô nhiễm của cảnh quan môi trường...
Một bộ ảnh đáng nhớ khác của nhà nhiếp ảnh Quang Phùng chính là bộ ảnh chụp về đề tài ma túy từng được giới thiệu tại triển lãm về đề tài phòng chống ma túy tổ chức năm 2004. Để có những bức ảnh ấy không thể nào không nói tới trách nhiệm và bản lĩnh của người nghệ sĩ. Chính sự nhạy cảm, tỉnh táo, bản lĩnh và trách nhiệm đã khiến ông vượt qua những nguy hiểm để thu lại trong ống kính của mình những góc tối của một vấn đề nóng trong xã hội hiện nay.
Cùng với kho ảnh "đồ sộ" về Hà Nội đã được ông tích lũy trong suốt thời gian cầm máy, nhà nhiếp ảnh Quang Phùng còn giành được nhiều giải thưởng ý nghĩa: Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội (năm 2013); Huy chương Vì sự nghiệp An ninh Tổ quốc (năm 1995); Huy chương Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam (năm 1996); Huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (năm 1999); Huy chương Vì sự phát triển của Nhiếp ảnh Việt Nam (năm 2002), Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hà Nội 1991-1995; Giải nhất Liên hoan ảnh Việt Nam lần thứ XVI năm 1990…
“Kho ảnh" của nhà nhiếp ảnh Quang Phùng chính là “gia tài” vô cùng ý nghĩa không chỉ cho riêng gia đình của ông mà có lẽ còn cho Hà Nội.