Hà Nội

Người bác sỹ đứng về phe nước mắt

16-03-2014 07:00 | Y tế
google news

SKĐS - Trong mỗi ngày làm việc của mình tại Trung tâm Ung bướu, bác sỹ Phạm Nguyên Tường gặp rất nhiều nước mắt rơi vì bệnh ung thư- những giọt nước mắt khiến anh lao tâm khổ tứ với nghề, trăn trở và dằn vặt với bệnh, cầu mong và xót thương với người bệnh...

Ngày bạn tôi đưa người mẹ đang chịu nhiều đau đớn vì một khối u lớn trong não vào Bệnh viện Trung ương-Huế, bác sỹ Phạm Nguyên Tường tiếp đón ngon lành cành đào lắm. Từ chuyên môn đến giao tiếp, bạn tôi nhanh chóng ngưỡng mộ và tin tưởng bác sỹ Tường- một người hơn mình chưa đầy hai tuổi.

Mới hôm trước đó thôi, tiến sĩ y học chuyên ngành ung thư-bác sỹ Phạm Nguyên Tường trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Tuổi trẻ về một trường hợp mắc bệnh bướu sợi thần kinh đã năm mươi năm. Đó là một phụ nữ đơn thân và nghèo khổ ở một làng quê bình dị của huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị mắc căn bệnh xuất phát từ các tế bào schwann của vỏ bao thần kinh tạo ra những khối u trên da. Người phụ nữ ấy đã khóc khi bác sỹ kết luận chị không bị bệnh ung thư nhưng Tường vẫn lo lắng lắm, vì khi phẫu thuật khối u có mức độ phát triển dài đến bốn mươi centimet và xâm lấn một nửa gương mặt của chị đã nhiều năm như vậy phải phối hợp nhiều chuyên khoa nên chi phí sẽ rất cao, đến cả mấy trăm triệu đồng, mà chị ấy thì không thể nghèo khó hơn. Và, trong mỗi ngày làm việc của mình tại Trung tâm Ung bướu, Tường gặp rất nhiều nước mắt rơi vì bệnh ung thư- những giọt nước mắt khiến anh lao tâm khổ tứ với nghề, trăn trở và dằn vặt với bệnh, cầu mong và xót thương với người bệnh...

 

Bác sỹ Phạm Nguyên Tường khám khối u ở người bệnh

Bác sỹ Phạm Nguyên Tường khám khối u ở người bệnh

 

Phe nước mắt mà bác sỹ Phạm Nguyên Tường luôn quan tâm và chung sức làm dịu những cơn đau trong cơ thể, trong tâm trí là những người mắc những căn bệnh nan y có tên gọi chung nhất là ung thư được điều trị tại Trung tâm Ung bướu của Bệnh viện Trung ương-Huế và cả những nơi khác mà anh đã gặp. Bảo Tường đừng đa cảm, đa mang như rứa. Nhưng, lao động của Tường là lao động có tâm hồn. Nên, thỉnh thoảng tôi đọc thấy từ những sợi tóc sớm bạc điểm trên mái đầu kiêu hãnh của Tường giá trị của một bác sỹ làm điều có thể làm, làm những điều phải làm và những điều đáng làm đối với người bệnh của mình, nghề nghiệp của mình. Lao động và sự lựa chọn chỗ đứng của Tường trong ngành y và nghề thầy thuốc giúp tôi hiểu vì sao anh không ngừng tìm hiểu từ những lý thuyết căn bản nhất đến những tiến bộ mới nhất của con người trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư quái ác. Thì chính Tường rất tâm đắc Triết lý cái giếng của thế hệ trước, rằng “Giếng ngọt không được đậy nắp để càng có nhiều người đến uống càng tốt và ai muốn múc nước thì múc, giếng vẫn cứ đầy và trong” và Tường có hạnh phúc khi kiến thức và tâm hồn của người thầy thuốc nơi anh bao giờ cũng chia sẻ với người bệnh những phấp phỏng lo âu, sợ hãi và bấn loạn, tuyệt vọng. Trong vô số cảnh huống đã tước bỏ niềm hy vọng cuối cùng, dẫu mong manh nhất trước căn bệnh ung thư oan nghiệt và đọa đày, Tường vẫn đứng bên một người thanh niên thật hiền, chân chất đang có phần run sợ trước tình trạng bệnh của người mẹ đã di căn vào gan và phổi để lắng nghe câu hỏi bằng giọng miền núi trọ trẹ của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình: “Bác sỹ ơi, liệu mẹ em có thể qua được cái Tết này không?”. Rồi Tường đến bên người mẹ tội nghiệp của người thanh niên ấy, trước cái chết do ung thư đã đến rất gần, hiểu nỗi cay đắng và tuyệt vọng của người bệnh cùng thực tế lực bất tòng tâm của mình: “Bác sỹ ơi, còn cách chi cứu mẹ với!”. Khi ấy, Tường đã thấy nước mắt của mẹ con người bệnh già thân thuộc của mình, như đã từng “có thể thấy cả một túi nước căng lớn chực vỡ sau đôi mắt chị, thế mà chỉ một dòng nước mắt run rẩy ứa ra từ khóe mắt thất thần của người vợ quê hiền lành, tội nghiệp” khi người chồng của chị ngập ngừng hỏi “Bác sỹ đã nói vậy, em thấy thế nào?” sau lúc được bác sỹ thông báo và giải thích về số tiền mà anh chị sẽ phải trả thêm cho bước điều trị tiếp theo.

 

Bác sỹ Phạm Nguyên Tường (giữa) trong chương trình Mở cửa tri thức của HVTV, tháng 11/2013

Bác sỹ Phạm Nguyên Tường (giữa) trong chương trình Mở cửa tri thức của HVTV, tháng 11/2013

 

Trước những giọt nước mắt của người bệnh ung thư, bác sỹ Phạm Nguyên Tường thường soi mình để thấu cảm nỗi đau của họ và hiểu mình cần làm gì, phải làm gì để nước mắt ấy ngày càng ít, ngày càng thưa, ngày càng vơi. Nên Tường đã cố gắng để đường hoàng có tên trong danh sách những đại biểu đến từ chín mươi quốc gia trên thế giới tham dự Hội thảo Ung thư vú San Antonio năm thứ ba mươi ba được tổ chức ở bang Texas của Hoa Kỳ. Lắng nghe các báo cáo kết quả thử nghiệm lâm sàng, đánh giá và so sánh hiệu quả của các loại thuốc mới cho tất cả các giai đoạn và các thể bệnh ung thư vú, tìm hiểu tình trạng đột biến gen, yếu tố tăng trưởng biểu mô mà từ đó khai sinh liệu pháp nhắm đích phân tử (targeted therapy), nghiên cứu tế bào mầm, chu kỳ tế bào và khả năng áp dụng ngay vào thực tế lâm sàng, các biện pháp giúp kéo dài thời gian sống cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh ung thư,... là những hoạt động không ngơi nghỉ của tiến sĩ-bác sỹ Phạm Nguyên Tường tại Hội thảo này. Tương tự, Tường đã là một trong những đại biểu của một hội thảo về điều trị ung thư ở đảo Bali của Indonesia và gần đây là Hội nghị Quốc tế về phòng chống ung thư tại thành phố Huế trong năm 2013 vừa qua với sự tham dự của hàng trăm chuyên gia hàng đầu về ung thư và tại hội nghị này, các báo cáo "Ung thư thực quản, phương pháp và kết quả phẫu thuật", "Đánh giá kết quả bước đầu phác đồ phối hợp capecitabine và xạ trị trong điều trị bổ sung ung thư dạ dày" của tiến sĩ Phạm Nguyên Tường cùng cộng sự là thạc sỹ Hoàng Trọng Nhật Phương, Bệnh viện Trung ương-Huế được đánh giá cao.

 

BS. Phạm Nguyên Tường (bên phải) cùng đồng nghiệp chăm sóc người bệnh điều trị 
ung thư bằng máy xạ trị gia tốc tuyến tính ở Trung tâm Ung bướu, BVTW Huế.

BS. Phạm Nguyên Tường (bên phải) cùng đồng nghiệp chăm sóc người bệnh điều trị ung thư bằng máy xạ trị gia tốc tuyến tính ở Trung tâm Ung bướu, BVTW Huế.

 

Ngay giữa khung cảnh nghiêm túc và thân thiện của các hội thảo và hội nghị ấy, từ tiến sĩ-bác sỹ Phạm Nguyên Tường và đồng nghiệp tỏa ra ánh sáng hữu dụng của nghiên cứu và lao động trong phòng chống ung thư với "Đặc điểm mô bệnh học, lâm sàng u nguyên bào gan" (Học viện Quân y), "Những tiến bộ mới nhất trong điều trị ung thư dạ dày" (Đại học Y khoa Stanford-Hoa Kỳ) "Thử nghiệm lâm sàng điều trị ung thư vú giai đoạn sớm bằng xạ trị đích trong mổ (TARGIT): Kết quả và triển vọng" (Trung tâm Ung thư Munich, Cộng hòa Liên bang Đức), "Hợp tác toàn cầu trong ung thư nhi khoa: Kết quả dự án hợp tác với Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương-Huế" (Hiệp hội chăm sóc trẻ em châu Á, Nhật Bản),... Đặc biệt, trong mối liên hệ với chuyên ngành ung thư trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á, bác sỹ Phạm Nguyên Tường đã đến Bệnh viện Saint Luc ở Brussels-Bỉ và Trung tâm Ung thư Quốc gia Singapore.

Với sự mẫn cảm và đạo đức nghề nghiệp của một người thầy thuốc, Tường tìm thấy vẻ đẹp uyên nguyên của từ An nghỉ và sự An nghỉ của người bệnh ung thư. “Em bị ung thư buồng trứng từ hơn hai năm trước, di căn nhiều nơi, đã điều trị hóa chất triền miên, phẫu thuật và xạ trị nhiều đợt. Em đã phải chịu đựng những cơn khó thở dữ dội do ổ di căn ở phổi, những cơn đau khôn xiết ở bụng, xương chậu, ngực và cổ. Khi vào điều trị ở bệnh viện, em đã viết nguyện vọng của mình vào sổ tay “Tôi không thể chịu đựng nổi nữa. Nếu tôi chỉ còn ba ngày, xin cho tôi được ba ngày sống tử tế!”. Sau gần một tuần nằm viện, em đã khá hơn rất nhiều. Em hầu như không còn thấy đau hay khó thở, do được chiếu xạ và dùng thuốc tích cực. Tôi mãi không thể quên được dáng em gầy yếu, xanh xao trên chiếc xe lăn, trên tay cầm cuốn truyện mỏng. Em cúi đọc chăm chú, khuôn mặt thanh thản lạ lùng. Thỉnh thoảng em ngẩng lên nhìn và mỉm cười với những người xung quanh. Điều ấy trong tôi kỳ diệu đến nỗi vào một buổi giao ban sáng, tôi thậm chí không thể tin được khi nghe em đã chết!”. Và, chính Tường đã trả lời câu hỏi của mình “Cái gì đã làm cho em có một cuộc ra đi nhẹ nhàng như vậy?” bằng những học tập và trải nghiệm với chuyên ngành chăm sóc làm dịu vô cùng quan trọng trong điều trị ung thư. Đó là những tiếp cận ở giai đoạn người bệnh ung thư biết mình không còn cơ hội tiếp tục sống và chất lượng sống của chính những ngày còn lại ấy sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Chăm sóc làm dịu giúp những người-bệnh-đang-chết trò chuyện với người thân, với thầy thuốc về phù hư đời người, về sinh-lão-bệnh-tử, về số phận, về đức tin, về từng người thân trong gia đình,... với giọng điệu thanh thản, nhẹ nhàng đúng như mong muốn: “Nếu chúng tôi không thể cho thêm ngày sống, hãy để chúng tôi góp thêm niềm vui sống vào những ngày còn lại”. Tường đã đúc kết một kinh nghiệm quý giá: Bởi đã được chăm sóc làm dịu đến tận những giờ phút cuối nên ở những ca tử vong được ghi nhận liên tục mỗi ngày đều có những nụ cười mãn nguyện sau khi người bệnh được tháo gỡ các vấn đề xã hội, tinh thần, tâm linh và được kiểm soát tối đa bằng thuốc những triệu chứng tồi tệ của bệnh ung thư đồng thời ở nơi diễn ra cái chết do ung thư có các chuyên gia ngồi hàng giờ bên giường bệnh, đôi khi chỉ để lắng nghe người bệnh chẳng hề có không khí đau thương, tang tóc. Khám phá điều kỳ diệu ấy, chính bác sỹ Phạm Nguyên Tường bước tới sự tri ngộ với chất lượng chết cần có của người bệnh ung thư là: Không đau đớn. Nhanh gọn. Trong thanh tịnh. Người thân kề bên. Để rồi bằng chiêm nghiệm của bản thân, Tường đã đề xuất thêm tiêu chuẩn chết ở nhà mình vào chất lượng chết ấy mà cơ sở thực tế của nó chính là câu hỏi đầu tiên anh thường nghe trong lúc cấp cứu tích cực những trường hợp bệnh trở nặng bất ngờ: “Có kịp đưa về nhà không, bác sỹ?”. Tường hiểu, với hầu hết người bệnh của anh, được chết ở nhà cũng là một lời nguyện cầu mà nếu không thể thì cũng gây một nỗi thất vọng lớn lao, một niềm đắng đót nên anh có nỗi vui mừng và đọc thấy tất cả nỗi mãn nguyện trên dòng nước mắt lăn dài của người thân trong gia đình người bệnh khi gặp anh mà kể: “Bác sỹ ơi, nhờ ơn trên, Ba con đi nhẹ nhàng lắm”, dẫu niềm vui ấy thật hiếm hoi. Nghe những lời nguyện cầu trong nước mắt của người bệnh ung thư và người thân của họ là Tường nghiệm ra khi cận kề cái chết, con người thường có điều ước giản dị, lời nguyện cầu đơn sơ như một người đàn ông bị ung thư hạ họng kèm bệnh tiểu đường ước ăn được một chén cơm rau cá bình thường, một phụ nữ bị ung thư tuyến nước bọt đã di căn đến phổi ước được sống đến lúc cô con gái của chị trưởng thành... Cảm thương với người bệnh của mình, bác sỹ Tường lại bao lần cùng họ tìm kiếm hy vọng, ngay cả ở thời khắc khốn cùng, vô vọng nhất của căn bệnh hiểm nghèo, chỉ vì điều ước: Không còn những lời nguyện cầu đẫm nước mắt của người bệnh ung thư và vì bệnh ung thư!

 

Bác sỹ Phạm Nguyên Tường tại Hội thảo Ung thư vú San Antonio Texas, Mỹ
Bác sỹ Phạm Nguyên Tường tại Hội thảo Ung thư vú San Antonio Texas, Mỹ

 

Nhưng y học vẫn chưa đủ sức giành lại tất cả người bệnh ung thư từ bàn tay của tử thần. Ngày một người đàn ông bảy mươi mốt tuổi bị ung thư tụy là bố của một người bạn ở thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị dọn mình bình an về miền Tịnh độ, Tường đã dùng chiếc xe máy cũ càng của mình vượt một chặng thiên lý Bắc-Nam dài hơn sáu mươi kilomet trong cái rét cuối Đông cốt để có mặt trong giờ phút bạn mình rơi nước mắt vì tiếc thương và phải chia lìa đấng sinh thành. Trở về Trung tâm Ung bướu ngay sau đó, tiến sĩ-bác sỹ Phạm Nguyên Tường tiếp tục cùng các đồng nghiệp và người bệnh của mình ngày ngày bước vào trận chiến cam go chống lại căn bệnh ung thư với tri thức trong đầu và đạo đức trong tim. Thương một em bé chịu đau đớn khi vô hóa chất, xót lòng trước người bệnh không ăn uống được sau những buổi chiếu xạ vùng hạ họng, tâm trí nhói đau với tình cảnh người bệnh quá tải phải nằm ghép trên chiếc giường nhỏ hoặc phải ở khu hành lang, phải thuê chỗ trọ thiếu vệ sinh, Tường luôn mong người bệnh đủ sức theo hết liệu trình điều trị, đẩy lùi bệnh tật. Một bà mẹ Quảng Trị đã kể: “Chồng tôi mê sảng tại viện. Tôi quá lo sợ nên khóc sướt mướt. Bác sỹ Tường đến ngồi bên cạnh động viên, an ủi hồi lâu. Trong phòng có người níu áo hỏi thăm bệnh tình, bác sỹ vui vẻ khuyên răn. Tôi đã qua nhiều bệnh viện, gặp nhiều thầy thuốc nhưng chưa có ai đầy lòng nhân ái như bác sỹ Tường!”. Tôi tin, khi ấy bác sỹ Phạm Nguyên Tường đã ứng dụng chuyên ngành chăm sóc làm dịu với người bệnh của mình và có lẽ đó cũng là cách để anh tự làm dịu mình trước nỗi đau của người bệnh. Cảm kích trước hành vi đạo đức và thẩm mỹ ấy của bác sỹ Phạm Nguyên Tường, một người bệnh quê ở huyện Tuyên Hóa của tỉnh Quảng Bình đã viết những vần thơ Ghi sâu tấm lòng từ mẫu thật mộc mạc:

Bệnh nhân muốn gặp ông Tường

Bác sỹ vui đón mọi đường khuyên răn

Đẹp thay thầy thuốc nhân dân

Ở khoa Ung bướu tình thương dạt dào”.

Cùng với bằng khen và danh hiệu Chiến sĩ Thi đua được Bộ Y tế tặng vào năm 2010, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng năm 2013, những câu thơ ấy làm đầy thêm trong Tường nỗi vui, niềm vinh dự và tự hào được phục vụ nhân dân, phục vụ người bệnh cũng như luôn thầm nhắc anh cố gắng hơn nữa vì người bệnh của mình ở vị trí của một thầy thuốc đồng thời là Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu và mới đây, tiến sĩ-bác sỹ Phạm Nguyên Tường được tin tưởng giao thêm nhiệm vụ Trưởng khoa Ung bướu, Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và Quốc tế của Bệnh viện Trung ương-Huế.

Lịch công tác của tiến sĩ-bác sỹ Phạm Nguyên Tường dày kín những con số chỉ thời gian và những dòng chữ ghi nội dung công việc, với trực khoa và khám bệnh ngoại trú, trực đơn vị xạ trị, tham dự hội thảo phòng chống ung thư ở thành phố Hồ Chí Minh, chỉ đạo tuyến tại Kon Tum,... Nhưng, với hạnh phúc có được từ đạo đức nghề nghiệp, Tường vẫn dành những khoảnh thời gian có thể để tìm hiểu kỹ càng về người bệnh của mình, như: Người bệnh ung thư phổi ở huyện Gio Linh của tỉnh Quảng Trị không có thẻ bảo hiểm y tế đã phải bán con trâu của gia đình được mười bốn triệu đồng rồi phải đành cầm thêm số tiền gom góp của các con để trang trải chi phí ba mươi triệu đồng của cuộc phẫu thuật, đến giai đoạn xạ trị bổ trợ thì trong nhà không còn gì có giá trị để bán nên cứ chần chừ, trì hoãn nhiều tuần liền. Người bệnh ở Hương Thủy của tỉnh Thừa Thiên-Huế phải vay nóng sáu mươi triệu đồng với lãi suất năm phần trăm mỗi tháng để trả tiền phẫu thuật, tiền xạ trị, thuốc men. Người bệnh ở huyện miền núi Hướng Hóa thuộc tỉnh Quảng Trị bị ung thư thực quản giai đoạn muộn đành “xin về nhà uống nước lá” khi được thông báo số tiền phải đóng… Trong trí nhớ của Tường, tên tuổi, địa chỉ, tình trạng bệnh lý, hoàn cảnh của người bệnh thật bộn bề và anh đau đáu, bị ám ảnh không nguôi bởi những giọt nước mắt lưng tròng, những dòng nước mắt “không thể tuôn trào mà như chỉ dấm rứt rịn ra trên những khuôn mặt nhợt nhạt xanh xao hèn mọn; những giọt nước mắt co rúm lại, tủi phận như người” của những người bệnh ung thư “không thể nào tiếp tục điều trị cho đúng, cho đủ liệu trình cần thiết vì đã cạn sạch tiền và trong nhà ngoài ngõ không còn cái gì đáng giá có thể quy ra tiền được nữa”. Dẫu rằng khi mới đến Trung tâm Ung bướu, người bệnh nào cũng được bác sỹ tư vấn về liệu trình, phác đồ, phương pháp điều trị, những độc tính và biến chứng có thể gặp phải cùng khoản viện phí nếu người bệnh có tham gia bảo hiểm y tế hoặc nếu người bệnh không có bảo hiểm y tế phải đóng. Là bác sỹ, tiến sĩ y học thuộc lĩnh vực chuyên môn xạ trị ung thư và chăm sóc làm dịu, Tường hiểu rõ giá trị hữu dụng của máy xạ trị gia tốc tuyến tính trong việc cải thiện chất lượng và hiệu quả điều trị ung thư nhưng anh cũng thực sự ái ngại, lo lắng cho những người bệnh nghèo của mình vì chi phí điều trị bằng thiết bị kỹ thuật hiện đại này rất cao. Cho dù Bệnh viện đã bàn bạc, tính toán, cân nhắc rất nhiều trước khi quyết định mức giá điều trị ung thư có xạ trị gia tốc tuyến tính phù hợp nhất và không thể thấp hơn được nữa, kể cả chấp nhận chậm thu hồi vốn để người bệnh nghèo có thể gánh được mức đóng tăng thêm ngoài tấm thẻ bảo hiểm y tế, nhưng Tường vẫn thấy nước mắt của nhiều người bệnh ung thư vẫn chảy.

Công dụng của giếng là ai cũng đến giếng để lấy nước, kẻ qua người lại, ai cũng nhờ giếng mà có nước. Giếng giúp mọi người mà như vô tâm”, lĩnh hội và tương ngộ với cái đạo của người quân tử là giúp ích đời như giếng nước, tiến sĩ-bác sỹ Phạm Nguyên Tường miệt mài, tận tụy với người bệnh suốt thời tuổi trẻ của mình, từ cập nhật và thông tin về các bệnh lý ung thư, tư vấn về phòng và điều trị ung thư, nắm bắt các tiến bộ trong đa thức đến học hỏi từ các đồng nghiệp và các chuyên gia trong chẩn đoán và điều trị chuyên khoa lẫn điều trị đa chuyên khoa để áp dụng đối với từng người bệnh cụ thể. Đến nỗi, những ưu tư trước bệnh tật, trước thân phận và nỗi đau của người bệnh đã thôi thúc Tường viết những câu thơ thấm đẫm suy niệm:

“Không có bông hoa nào thả trôi để cứu vớt linh hồn

Chỉ đôi bờ ngàn lau phơ phất

Quanh những nấm mộ mọc lên từng ngày

Trên thân thể bạc màu

Trên thân thể người giờ đây hoang vu

Gã tìm thấy những vết chàm khổng lồ

Của Socrate, của Darwin, của Nietzsche

Gã vớt xác mình trên những dòng sông minh triết

Gã ngồi tẩm liệm

Những ngón tay lật từng trang sách

Rồi gửi lời khấn nguyện

Cho những ngón tay yên ổn về trời”…

Bất chợt, những dòng thơ day dứt này nhắc tôi nhớ, với người bệnh của mình, bác sỹ Phạm Nguyên Tường còn có một bệnh án rất đặc biệt, đó là những ghi chép của anh về những câu chuyện của người bệnh ung thư đã được Nhà Xuất bản Thuận Hóa-Huế in thành tập sách Chết như thế nào trong năm 2009, và mỗi khi lật giở từng trang sách ấy là người đọc sẽ gặp mối thiện cảm nồng nàn cùng sự ủng hộ tích cực của Tường với những thái độ, việc làm nhân đạo đối với người bệnh ung thư. Cũng trên những trang viết của mình, bác sỹ Phạm Nguyên Tường khẳng định: “Cuộc đời hành nghề của tôi đã gắn với những giọt nước mắt của biết bao phận đời, phận người” và Tường cũng đã mượn một câu của nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường để nói về lựa chọn của mình: “Tôi đứng về phe nước mắt!”.

Bút ký Nguyễn Bội Nhiên

Quảng Trị, 27/2/2014

 

 

 

 


Ý kiến của bạn