Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh đó là giọng nói vừa nằng nặng, vừa ngòn ngọt của vùng đất Quảng Trị đầy nắng và gió. Nhưng xen lẫn trong giọng nói đó là những câu chuyện về sự nhiệt tình không bao giờ vơi cạn của người bác sĩ trẻ và một nỗi niềm đau đáu khi nói về những bệnh nhân.
Phẫu thuật cho bệnh nhân trong đợt khám tình nguyện
Sau rất nhiều cuộc điện thoại và sắp xếp lịch làm việc trên chuyến tàu ra Hà Nội nhận giải thưởng là một trong 10 gương mặt thầy thuốc trẻ tiêu biểu của cả nước, bác sĩ trẻ Nguyễn Xuân Dũng đã nhận lời gặp tôi. Chiều tháng 3, trời Hà Nội bỗng trở lạnh, cộng thêm những cơn mưa phùn rả rích càng làm cái rét như sâu thêm. Điều đầu tiên khi gặp tôi, BS. Dũng đã nói: “Em không có gì để viết đâu chị, mà em cũng không biết nói gì”. Đằng sau cái sự “không có gì” ấy là vô vàn những tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề của một chàng bác sĩ ngoại khoa.
Anh đã 4 lần báo cáo khoa học tại các hội nghị khoa học cấp tỉnh và khu vực miền Trung, hiện anh đang nghiên cứu đề tài “Holmium Laser trong tán sỏi niệu quản qua nội soi ngược dòng”.
Tháng 3/2014, BS. Nguyễn Xuân Dũng vinh dự trở thành một trong 10 gương mặt thầy thuốc trẻ tiêu biểu của cả nước.
Làm để thỏa đam mê
Nụ cười rạng rỡ hiện lên trên khuôn mặt đen sạm vì nắng gió miền Trung không phải là khi nói về những đề tài khoa học được báo cáo, những công việc bộn bề của một người làm công tác Đoàn, mà là khi nói về nghề, về niềm “đam mê suốt đời” của anh. Làm để thỏa đam mê, để sống với mơ ước của mình, được khám bệnh cứu người - đó là anh - BSCKI. Nguyễn Xuân Dũng. Tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc ánh lên trong đôi mắt của người bác sĩ ấy mỗi khi nhắc đến công việc ở bệnh viện. Anh Dũng cho biết: “Không gì sung sướng bằng khi sau một ca mổ thành công, những chỉ số sinh tồn của bệnh nhân ổn định và nhất là khi những bệnh nhân mình mổ tỉnh lại ở phòng hồi sức”.
Một ca mổ phẫu thuật nội soi ổ bụng với sự tham gia của bác sĩ Dũng.
Là người đầu tiên mang kỹ thuật phẫu thuật mở niệu quản lấy sỏi qua nội soi sau phúc mạc về với đất Quảng Trị, BS. Nguyễn Xuân Dũng, Chủ tịch hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Quảng Trị đã giúp rất nhiều bệnh nhân được áp dụng công nghệ hiện đại để chữa bệnh ngay tại địa phương mà không cần chuyển lên tuyến trên. Đến nay, kỹ thuật phẫu thuật nội soi này đã trở nên thường quy ở một bệnh viện tuyến tỉnh, thậm chí còn được mở rộng cho điều trị nhiều loại bệnh lý khác nhau của hệ tiết niệu. Anh còn mạnh dạn triển khai những kỹ thuật mới trong lĩnh vực mổ nội soi như khâu lỗ thủng dạ dày bằng nội soi, điều trị vỡ bàng quang trong phúc mạc do chấn thương bằng nội soi ổ bụng, điều trị biến chứng của ruột thừa viêm đến muộn qua nội soi, vỡ tạng rỗng bằng nội soi...
Cái khó trong công tác chăm sóc sức khỏe ở một bệnh viện tuyến tỉnh không chỉ là việc ứng dụng kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh cho người dân, mà còn ở trình độ của người bệnh. Ở Quảng Trị, nơi có nhiều vùng dân tộc, trình độ dân trí của bà con không cao, họ không coi trọng việc bảo vệ sức khỏe của mình, nên việc tiếp cận, điều trị bệnh rất khó khăn. Còn nhớ, có trường hợp một anh cán bộ xã người dân tộc, do gặp tai nạn bị vỡ ruột, nhưng nhất định xin bác sĩ cho về chữa thuốc Nam. Tiên lượng nếu bệnh nhân về, khả năng tử vong rất cao, BS. Nguyễn Xuân Dũng tìm đủ mọi cách thuyết phục người bệnh. Sau cuộc trò chuyện, anh mới vỡ lẽ, bệnh nhân không có tiền (mặc dù có bảo hiểm) để điều trị ở bệnh viện. BS. Dũng quả quyết, nếu không có tiền ăn, anh sẽ kêu gọi giúp, cứ mổ để sống đã. Thuyết phục một hồi, bệnh nhân cũng đồng ý mổ và trong quá trình hồi phục ở bệnh viện, bệnh nhân đã được các bác sĩ lo cho từng bữa ăn đến khi ra viện.
BS. Nguyễn Xuân Dũng là người đầu tiên mang kỹ thuật phẫu thuật mở niệu quản lấy sỏi qua nội soi sau phúc mạc về với đất Quảng Trị.
Giọng trầm trầm anh kể, nhờ có trực giác của một bác sĩ, đã có lần anh cứu sống được một mạng người. Đó là trường hợp một bệnh nhân khi mới đến bệnh viện khám, các chỉ số xét nghiệm đều không có gì đặc biệt, nhưng đến khi thăm khám, thấy bệnh nhân có những dấu hiệu bất thường, tay chân lạnh ngắt, mồ hôi vã ra, BS. Dũng quyết định giữ bệnh nhân lại theo dõi. Và chỉ ít thời gian sau, anh đã phát hiện bệnh nhân bị viêm ruột thừa. Nhờ có nhạy cảm nghề nghiệp cộng với một tấm lòng với người bệnh, người bác sĩ trẻ ấy đã cứu sống được rất nhiều những trường hợp như vậy. Anh tâm sự: “Bác sĩ không nên chỉ chăm chăm với các xét nghiệm mà phải còn trực tiếp thăm khám, sờ, nhìn vào bệnh nhân của mình, có như vậy với chẩn đoán chính xác bệnh cho bệnh nhân”. Đối với anh, bác sĩ ngoài giỏi nghề cần nhất là phải quan tâm tới bệnh nhân. Trong mỗi ca trực, với khoảng 70 giường bệnh luôn kín chỗ, nếu không có niềm đam mê với công việc, anh và các đồng nghiệp của mình sẽ không thể vượt qua những khó khăn của công việc để cứu giúp được nhiều bệnh nhân như ngày hôm nay.
Cứ đi là đến
“Kẻ lãng tử” là biệt danh mà lãnh đạo bệnh viện đã đặt cho BS. Nguyễn Xuân Dũng khi đề cử anh làm Bí thư Đoàn bệnh viện, bởi ngoài công việc anh còn nhiều đam mê khác trong cuộc sống như câu cá, đi phượt... Đối với BS. Nguyễn Xuân Dũng, những hoạt động đó giúp anh cân bằng cuộc sống bởi công việc của một bác sĩ khoa ngoại, với khoảng 300 ca mổ mỗi năm, cực kỳ căng thẳng và bận rộn.
BS. Dũng khám bệnh tình nguyện cho bà con ở Lào
Lãng tử là vậy, nhưng trong công tác, anh là người cực kỳ nghiêm túc và cẩn thận. Anh bảo, làm nghề này không cẩn thận, tỉ mỉ là chết người như chơi. Ở bệnh viện anh, đồng nghiệp hỗ trợ nhau tuyệt đối trong công việc, không kể cùng khoa hay không. Có lần tình cờ đi ngang qua một khoa đang cấp cứu cho bệnh nhân nặng, thấy cần giúp là anh cũng xắn tay vào làm cùng để cứu bệnh nhân.
Niềm tự hào nhất của người bác sĩ ở bệnh viện tuyến tỉnh ấy là trong hành trình 10 năm cầm dao mổ, chưa một ca bệnh nào mà anh thất bại hay gặp tai biến. Dòng câu chuyện đầy tâm huyết về nghề nghiệp đã đưa đẩy chúng tôi đến với Diễn đàn “Tai biến y khoa” trên báo Sức khỏe&Đời sống. Anh nói: “Không bác sĩ nào muốn tai biến xảy ra với bệnh nhân của mình bởi không ít thì nhiều, chúng ta đều là những con người, nhất là những người cùng máu đỏ da vàng”. Tôi hiểu ý bác sĩ muốn nói về những trăn trở, khó khăn của đồng nghiệp mình khi gặp những việc không mong muốn. Tâm sự về nghề nghiệp đầy rủi ro nhưng cũng đầy vinh quang này làm anh đúc rút ra kinh nghiệm cứ đi là đến, cứ có nhiệt tâm, nhiệt huyết và một suy nghĩ luôn sẵn sàng học hỏi cả đời vì người bệnh, sẽ có lúc mình làm cho người bệnh tin vào màu áo trắng của người thầy thuốc.
Xuất phát từ những lần thực tế khám chữa bệnh và cấp cứu tại bệnh viện, người Bí thư Đoàn năng nổ ấy nhận thấy nhu cầu truyền máu của bệnh nhân là rất lớn, ngân hàng máu luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Anh đã đứng ra vận động thành lập và là Chủ nhiệm CLB Hiến máu tình nguyện “ngân hàng máu sống” tại bệnh viện. CLB đã thu hút sự tham gia của 43 đoàn viên thanh niên bệnh viện, những người luôn sẵn sàng trực tiếp cho những giọt máu đào của mình bất cứ lúc nào người bệnh cần. Đã có 13 bệnh nhân may mắn được những người bác sĩ áo trắng cứu sống nhờ những giọt máu nghĩa tình ấy. Bản thân anh Dũng đã 7 lần tham gia hiến máu nhân đạo, trong đó có trường hợp một bệnh nhân bị cắt một phần dạ dày. Sau khi phẫu thuật cho bệnh nhân, thấy bệnh nhân bị mất máu nhiều cần phải được truyền máu, không ngần ngại, BS. Dũng đích thân truyền 400ml máu của mình để cứu sống người bệnh.
Còn nhớ chuyến công tác đặc biệt khám chữa bệnh cho bà con ở tỉnh Atsaphangthong, Lào năm ngoái, BS. Dũng tự hào kể, đoàn mình đã khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho 3.000 bà con chỉ vẻn vẹn có 3 ngày, một kỷ lục đi khám tình nguyện của anh. Trong đó, anh vẫn nhớ mãi trường hợp một bệnh nhân nam đến khám trong tình trạng khối u lớn che gần nửa mặt, bệnh nhân đã nhiều lần đến viện và được chỉ định phẫu thuật nhưng vì không có tiền ra bệnh viện Trung ương, nên bệnh nhân đều ra về và chấp nhận sống chung với khối u đó suốt 40 năm qua. Thấy đây là trường hợp mà mình có thể can thiệp giúp đỡ được, BS. Dũng quyết định mổ ngay. Phòng học lập tức biến thành phòng mổ, bàn học trở thành bàn mổ cho bệnh nhân. Thật kỳ diệu, chỉ sau ca mổ đó, bệnh nhân như được giải thoát khỏi một gánh nặng đeo bám suốt 40 năm qua. Trên đường đoàn bác sĩ quay về Việt Nam, BS. Subbpham, Giám đốc Bệnh viện Atsaphangthong điện thoại cho BS. Dũng nói bệnh nhân được anh mổ u muốn biếu... một con dê để cảm ơn các bác sĩ Việt Nam.
Khi nhắc đến gia đình nhỏ của anh, BS. Nguyễn Xuân Dũng tâm sự, cô gái anh mới lấy làm vợ đã nên duyên từ chính những hoạt động Đoàn, hoạt động tình nguyện ở bệnh viện. Vợ anh là một điều dưỡng ở bệnh viện, một đoàn viên thanh niên nơi anh công tác. Cùng làm trong nghề, khó khăn vất vả về thời gian lại nhân lên bội phần khi sắp tới gia đình anh sẽ đón chào thêm một thành viên nữa.
Dự định sắp tới của BS. Nguyễn Xuân Dũng là sẽ đưa được phương pháp mổ nội soi tán sỏi qua da về Quảng Trị. Anh rất hào hứng với ý tưởng này, bởi đây là một phương pháp chỉ áp dụng ở những bệnh viện, trung tâm tiết niệu lớn trên cả nước. Nếu ứng dụng thành công ở Quảng Trị, bệnh nhân sẽ không phải lên tuyến trên, họ sẽ được điều trị bệnh bằng những tiến bộ y khoa tiên tiến nhất ngay tại tỉnh nhà.
Mới đây, BS. Nguyễn Xuân Dũng còn được cử đi học thêm về ung bướu để đáp ứng nhu cầu điều trị chuyên khoa ung thư của bệnh nhân. Người bác sĩ trẻ tuổi đời, trẻ tuổi nghề ấy luôn xác định đã mang lấy nghiệp vào thân, đặc biệt là cái nghề liên quan đến sức khỏe của con người, thì không lúc nào, không ở đâu được phép quên việc trau dồi tri thức. Bởi đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm đam mê của anh vì đồng bào ở quê hương Quảng Trị đã thấm đủ đau thương này.