Ở đời có cơ duyên thì mới gặp nhau, em cũng thế. Chỉ còn 3 ngày nữa anh đã về hưu - người đàn anh thân yêu của đàn em, bác sĩ Nguyễn Đăng Phấn khoa Cấp cứu I bệnh viện Bình Dân, xin cho phép đàn em có vài dòng viết về anh.
Thật may mắn làm việc chung với anh, đối với em chỉ hơn một năm làm việc ở khoa cấp cứu với anh, em nhận ra còn rất nhiều điều em cần phải học hỏi trong quá trình hành nghề của mình. Cũng như cho tất cả bác sĩ trẻ khác, chúng em phần lớn mất phương hướng trong cuộc sống nghề nghiệp của mình thì may quá, được gặp anh.
Người đàn anh hết lòng tận tụy với bệnh nhân. Kể từ lúc bước vào bệnh viện cho tới khi ra về lúc nào anh cũng có mặt ở khoa, không bao giờ rời vị trí công tác, lúc thì đi khám bệnh, khi rảnh thì đọc sách chuyên môn, anh cứ quần quật cứ âm thầm mà làm việc. Chúng em học rất nhiều về cách khám bệnh của anh đối với bệnh nhân, thái độ rất ân cần, nhã nhặn, thông cảm, sẻ chia với bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Anh hay thường hỏi về kinh tế gia đình, nhà có khó khăn không, nhà bệnh nhân xa không để làm sao điều trị cho bệnh nhân với chi phí thấp nhất, tiện lợi nhất để bệnh nhân còn về với gia đình.
Anh thường dạy tụi em là mỗi khi tiếp xúc với bệnh nhân cũng như với người nhà lúc nào cũng phải có thái độ tôn trọng, làm sao phải tránh thái độ kẻ cả đối với người bệnh. Cho nên trong khoa bây giờ có một thói quen tốt là bất cứ ai, mỗi khi giải thích với người nhà hay bệnh nhân đều phải nhắc ghế mời họ ngồi rồi mới nói chuyện. Mỗi khi giải thích với người nhà trong những trường hợp bệnh nhân hay không còn khả năng điều trị tiếp, thái độ của anh thấy thương lắm, nhiều lần người nhà đã khóc khi nghe anh giải thích, sự đau đớn khi mất người thần của người nhà giảm hẳn. Thật là trong thời buổi hiện nay tụi em hiếm thấy người nào được như anh.
Cái đáng quý nhất ở anh là hầu như chỉ có anh mới có, đó là chính anh , duy nhất chỉ có anh là người xông pha mổ cho những bệnh nhân nhiễm HIV, bệnh nhân bệnh lao mà hầu như các bác sĩ khác rất ngại mổ. Có nhiều lần người ta đặt cho anh danh hiệu “Người bác sĩ mổ bệnh SIDA nhiều nhất Việt Nam”. Rất nhiều bệnh nhân HIV mà các bệnh viện khác hay bác sĩ khác từ chối mổ, họ điều tìm đến anh, anh không bao giờ từ chối họ. Họ thấy anh như là chỗ dựa tinh thần cho họ, niềm tin họ gửi cho anh. Đến nỗi có nhiều người nói “ Bác sĩ Phấn nghỉ phép thì thôi, chứ mỗi khi đi làm là có bệnh nhân SIDA tìm đến”. Về chuyện đó đây vẫn còn có tình trạng phân biệt đối xử với người lỡ không may nhiễm HIV, anh bức xúc lắm.
Không những học ở anh tinh thần thái độ tiếp xúc điều trị cho bệnh nhân mà chúng em còn học được ở anh tin thần hiếu học, cầu tiến lúc nào anh cũng khuyến khích các bác sĩ đàn em không ngừng đọc sách chuyên môn, học tiếng anh để cùng nhau tiến bộ. Anh hướng dẫn sinh viên rất tận tình, mỗi khi anh thấy sinh siên bơ vơ là anh kêu họ đến chỉ dạy điều gì đó, mà phần lớn sinh viên rất thích anh. Anh bảo chúng em là bác sĩ hãy làm như anh vậy, anh thấy sinh viên tội nghiệp lắm những người trẻ khát khao kiến thức mà mình là những người đi trước không chỉ cho họ là điều không phải.
Khi gặp bệnh nhân không có tiền điều trị, anh thường tìm cách giúp họ, anh vận động các tổ chức từ thiện trong tôn giáo cũng như ngoài đời đế cho tiền cho những bệnh nhân bất hạnh. Cho nên bệnh nhân rất cám ơn anh.
Anh đối với thầy của anh, anh cũng rất là tôn trọng, lúc nào cũng dạ thưa mặc dù anh đã đến tuổi về hưu. Chúng em chưa bao giờ nghe anh lớn tiếng với ai, hay chưa lần nào nghe anh nói xấu bất cứ đồng nghiệp nào. Mỗi khi đàn em có sai sót gì, anh thường mời vào phòng riêng mà nói chuyện tâm tình dạy bảo rất là tình cảm, phân tích có đầu có đuôi, cho nên hình như không có đàn em nào giận anh, đứa nào cũng quý anh. Ngay cả y tá hộ lý cũng vậy, em chưa bao giờ họ có than phiền về anh, à em quên, họ có than phiền anh là sao anh ham mổ bệnh HIV quá vậy, đặc biệt khi anh đi hội chẩn với bệnh viện khác anh thường rước bệnh B.20 (nhiễm HIV) về mổ không hà, họ thường nói vui như vậy.
Những ngày anh nghỉ phép, em cũng như các bác sĩ trẻ ở khoa thấy trống vắng vô cùng, thấy thiếu thiếu cái gì đó. Đến nỗi có lần bác sĩ trưởng khoa phải nói “Ông Phấn nghỉ phép, tinh thần học hành xuống hẳn!”
Anh về hưu, bệnh viện Bình Dân vắng anh, khoa HSCC 1 vắng bóng anh, đàn em chắc bơ vơ. Bệnh nhân HIV sẽ ngơ ngác hỏi anh đâu, họ tìm anh, đàn em biết trả lời sao đây.
Thật may mắn được làm việc chung với anh, được học hỏi những đức tính quý từ anh.
Cám ơn anh, người đàn anh thân yêu của tụi em!
BS. Phan Văn Hoàng