Hà Nội

Người bác sĩ luôn hết lòng với y tế xã

03-04-2016 10:35 | Y tế
google news

SKĐS - Nhanh nhẹn, gần gũi, vững vàng trong chuyên môn, tận tâm với nghề nghiệp và nặng lòng với người bệnh, chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân...

Nhanh nhẹn, gần gũi, vững vàng trong chuyên môn, tận tâm với nghề nghiệp và nặng lòng với người bệnh, chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân... đó là ấn tượng sâu sắc của bác sĩ Mai Phú Cường - Trưởng trạm Y tế xã An Long, huyện Tam Nông, tỉnh Ðồng Tháp trong lòng mọi người.

Biến ước mơ làm bác sĩ trở thành sự thật

Mai Phú Cường sinh năm 1967, là con út trong một gia đình có 7 anh chị em. Cha anh là giáo viên, còn mẹ làm nghề nông; các anh chị không có ai làm nghề y. Ngay từ nhỏ, lúc đi học anh đã có ước mơ sau này sẽ làm bác sĩ. Anh Cường đã nỗ lực học tập rồi thi đậu vào lớp Y sĩ đa khoa, Trường trung học Y tế Đồng Tháp (nay là Trường cao đẳng Y tế Đồng Tháp).

Năm 1989, sau khi tốt nghiệp lớp y sĩ, Mai Phú Cường được nhận vào công tác tại Trạm Y tế xã An Hòa, huyện Tam Nông. Trong quá trình công tác, anh luôn thể hiện tốt trách nhiệm của người thầy thuốc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được lãnh đạo tin yêu, đồng nghiệp quý mến và nhân dân cảm phục. Y sĩ là nền tảng bước đầu để thực hiện ước mơ lúc nhỏ của anh nên trong thời gian công tác anh luôn nỗ lực học tập, trang bị thêm kiến thức chuyên môn, nâng cao tay nghề để có điều kiện phục vụ người bệnh được tốt hơn, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cao. Năm 1998, y sĩ Cường quyết định thi liên thông lên bác sĩ và đã thi đậu vào Trường đại học Y Dược Cần Thơ.

BS. Cường đang khám bệnh cho trẻ em.

Năm 2002, sau khi hoàn thành khóa học, bác sĩ Cường ra trường và được phân công làm việc tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa huyện Tam Nông. Công tác hơn 1 năm, thực hiện chủ trương đưa bác sĩ về phục vụ ở xã, tháng 3/2003, bác sĩ Cường được chuyển về công tác tại Trạm Y tế xã Tân Công Sính, đến năm 2005 chuyển công tác đến Trạm Y tế xã Phú Đức và năm 2006 đến Trạm Y tế xã Phú Thọ.

Lúc bấy giờ, địa bàn ở các xã nêu trên rất rộng, địa hình phức tạp, điều kiện sinh hoạt, công tác vô cùng khó khăn. Đời sống người dân nghèo khổ, trình độ học vấn hạn chế, giao thông đi lại còn nhiều trở ngại... Trong khi đó, các trạm y tế xã lại thiếu thốn mọi bề. Bác sĩ Cường chia sẻ: “Nhân lực, y cụ và thuốc men của trạm y tế thiếu nhiều; cơ sở vật chất, phương tiện đi lại rất khó khăn; đường đất, trời mưa là không đi lại bằng xe được, đến mùa nước, đường ngập sâu phải đi lại bằng xuồng đò, đi tiêm ngừa phải lội nước từng nhà... Những năm nước lớn, Trạm Y tế xã bị ngập sâu, phải kê kích nhiều lần, việc thực hiện Các Chương trình y tế quốc gia gặp không ít khó khăn. Nhưng vì niềm đam mê với nghề, thương bà con ở vùng sâu và nặng lòng với người bệnh nên tôi luôn nỗ lực khắc phục vượt qua mọi khó khăn”.

Hớp miếng nước trà nóng thơm lừng, hướng đôi mắt nhìn vào nơi xa xăm, bác sĩ Cường nhớ lại: “Hôm đó, vào khoảng 22 giờ, tôi đang trực tại Trạm Y tế Tân Công Sính. Trời mưa, giông gió ầm ì..., có một thanh niên trạc 30-35 tuổi, mình ướt sũng, tay chân run rẩy, đôi môi lắp bắp..., đẩy cửa phòng trực, miệng nói không ra lời. Bằng chuyên môn của người thầy thuốc, tôi dìu anh nằm xuống giường khám bệnh và tiêm thuốc cho anh. Hồi sau, bệnh nhân thuyên giảm và xin được về nghỉ ở chòi lá dựng tạm trên bờ đê giữa đồng ruộng để sáng mai đi cắt lúa mướn. Thấy anh còn yếu nên tôi giữ anh ở lại trạm để tiện theo dõi và chăm sóc. Sáng sớm, tôi mua cháo cho anh ăn xong, khám bệnh, tiêm thuốc và đưa thêm vài ngày thuốc cho anh uống mà không thu tiền. Tôi đã xuất tiền cá nhân mình thanh toán toàn bộ chi phí thuốc thang, cháo nước của bệnh nhân này cho trạm y tế xã. Bởi, quê của bệnh nhân này ở tận tỉnh Vĩnh Long lên xã Tân Công Sính cắt lúa mướn, chẳng may bị sốt lại không có tiền chữa bệnh. Cầm những liều thuốc trị bệnh trên tay, bệnh nhân cảm ơn tôi rối rít và ra về... Những tưởng chuyện ấy qua đi theo thời gian thì khoảng một tháng sau, bất ngờ người bệnh nửa đêm khuya giông bão ấy trở lại Trạm Y tế xã, gặp tôi anh cười hiền lành và trao tặng hai con cá lóc to đùng. Tôi không nhận thì anh giận nên đành phải nhận cho anh vui... Kỷ niệm trong ngành y là vậy đó, đơn sơ mà ấm áp tình người và cũng là niềm động viên cho đội ngũ thầy thuốc chúng tôi”.

Tiếp tục học để nâng cao tay nghề

Năm 2010, bác sĩ Cường tiếp tục theo học chuyên khoa I về bác sĩ gia đình để chuẩn hóa cán bộ. Đến năm 2012, anh hoàn thành chương trình sau đại học và được phân công làm Trưởng trạm Y tế xã An Long cho tới nay. Một trong những điều bác sĩ Cường tâm niệm là thầy thuốc phải nặng lòng với người, nhất là bệnh nhân nghèo, những người thiệt thòi; người bệnh đã đến với Trạm Y tế xã là bác sĩ phải chăm lo chu đáo, tuyệt nhiên không được gây phiền hà, sách nhiễu, không được khám chữa bệnh qua loa dù biết họ chỉ mắc một bệnh bình thường và phải đảm bảo cho người bệnh thụ hưởng những dịch vụ y tế hiện đại... Anh đã triển khai thực hiện tốt công tác xã hội hóa mua sắm những máy móc, thiết bị cận lâm sàng cần thiết để hỗ trợ cho việc chẩn đoán và chữa bệnh. Bác sĩ Cường bày tỏ: “Cuối năm 2012, thông qua Công đoàn ngành Y tế, tôi đã kêu gọi tất cả công nhân viên Trạm Y tế xã tự nguyện đóng góp kinh phí, tùy khả năng từng người có thể đóng góp ít nhất 5 cổ phần, mỗi cổ phần là 1.000.000 đồng. Hình thức đóng góp là ai có tiền mặt đóng vào, ai không có trừ dần vào lương. Sau triển khai, đã có 15/15 người của Trạm Y tế tham gia trên 250 cổ phần, với hơn 250 triệu đồng. Trạm Y tế xã đã mua sắm nhiều thiết bị tiên tiến như: máy xét nghiệm sinh hóa và huyết học, máy siêu âm, đo điện tim, tổng phân tích nước tiểu và thuốc men tương đối đầy đủ để phục vụ tốt công tác khám - chữa bệnh cho nhân dân. Từ đó, đã thu hút nhiều người đến khám và chữa bệnh tại Trạm Y tế xã”. Bà Lê Thị Thoa ở xã Phú Ninh mắc nhiều chứng bệnh nên mỗi tháng phải đến Trạm Y tế xã An Long khám và điều trị bệnh từ 3 - 4 lần. Bà cho biết: “Hồi trước, Trạm Y tế ở đây không đủ trang thiết bị, tôi chỉ tới xin giấy giới thiệu của bảo hiểm y tế rồi lên tuyến trên khám - chữa bệnh. Sau này, nghe nói ở đây có xét nghiệm máu, máy siêu âm... tôi tới đây thấy bác sĩ Cường và y sĩ, y tá ở đây đều tận tình, thấy điều trị bệnh có hiệu quả... nên cả nhà tôi nếu ai mắc bệnh cũng tới đây chữa trị...”. Bà Lê Thị Thu Vân cũng bị đau cột sống, chia sẻ: “Trước giờ, tôi ít tới đây khám lắm vì ở đây chưa có đầy đủ thiết bị y tế. Bây giờ thì đầy đủ hết rồi, bác sĩ Cường và thầy thuốc ở đây cũng giỏi, tận tình, vui vẻ với bệnh nhân nên tôi tin tưởng tới đây khám chữa bệnh thường xuyên”.

Từ những kinh nghiệm trước đây, bác sĩ Cường đã vận dụng linh hoạt vào thực tế tại địa phương nên chỉ sau 5 năm quản lý, điều hành Trạm Y tế xã An Long đã vượt qua khó khăn, hoạt động ngày càng khởi sắc, tạo được niềm tin trong nhân dân, vươn lên nằm trong tốp đầu trong toàn huyện. Số người đến Trạm Y tế xã khám chữa bệnh ngày càng đông, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Hiện nay, trung bình mỗi ngày Trạm Y tế xã An Long tiếp nhận trên dưới 100 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh, tăng hơn gấp đôi so với trước khi thực hiện xã hội hóa. Chỉ tính riêng năm 2015, Trạm Y tế xã An Long đã khám và điều trị cho trên 23.200 lượt người bệnh, tăng 74,5% so năm 2014. Công tác tiêm chủng mở rộng của xã An Long hằng  năm đều đạt 100%; các cặp vợ chồng tự nguyện áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đều đạt chỉ tiêu trên giao; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đến năm 2015 đã tăng lên trên 87,5%; tỷ lệ sử dụng hố xí hợp vệ sinh trên 75%... Các chương trình y tế quốc gia khác hoạt động tốt theo kế hoạch đề ra như: bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng ở mức thấp, kiểm soát tốt, không để dịch bệnh lớn xảy ra, không có ngộ độc thực phẩm trong nhiều năm liền... Trạm Y tế xã An Long đã đạt Chuẩn quốc gia. Lãnh đạo UBND xã An Long cho biết: “Bác sĩ Phú Cường - Trưởng trạm Y tế xã đã tích cực tham mưu với Đảng ủy, UBND xã và ngành y tế cấp trên nên đã trang bị cơ bản đầy đủ các trang thiết bị y cụ, thuốc men. Chúng tôi đánh giá cao năng lực của bác sĩ Cường. Với 5 năm làm Trưởng trạm Y tế xã An Long, bác sĩ Cường rất linh hoạt và tâm huyết với công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân nên đã đưa xã An Long vươn lên là điểm sáng về Các Chương trình y tế quốc gia của huyện Tam Nông”.

Để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn ngày càng có hiệu quả cao, bác sĩ Cường đã tích cực cùng với đồng nghiệp tìm hiểu và tham gia nghiên cứu khoa học. Anh đã có 2 đề tài nghiên cứu khoa học được hội đồng tỉnh đánh giá cao và ứng dụng có hiệu quả thiết thực tại cơ sở. Thầy thuốc ưu tú - Bác sĩ CKII Trần Hữu Trí - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Nông nhận xét: “Bác sĩ Mai Phú Cường là một trong những chiến sĩ thầm lặng của ngành y tế địa phương. Trong những năm 1990, mới ra trường anh từng được điều động đến các trạm y tế xã trong huyện. Là một con người nhiệt tình, có trách nhiệm trong công việc, luôn đặt y đức lên hàng đầu, xem người bệnh như người thân của mình. Anh làm việc quên mình, âm thầm hy sinh vì công việc chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân và hết lòng vì sự nghiệp phát triển ngành y tế địa phương. Sau khi tu nghiệp nâng cao trình độ chuyên môn, anh về đảm nhiệm công tác tại tuyến cơ sở, do trong những năm này đội ngũ bác sĩ còn ít mà phải đảm bảo 100% các trạm y tế đều có bác sĩ. Trên 25 năm trong ngành y tế, nơi nào anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Anh là người có tâm huyết trong nghiên cứu khoa học, cũng như có ý kiến sáng tạo mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh, cho cán bộ - viên chức và góp phần vào sự nghiệp phát triển ngành y tế địa phương. Anh thật xứng đáng là tấm gương “Lương y như từ mẫu”.

Bác sĩ Cường đã vinh dự nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen và các danh hiệu cao quý của UBND và ngành y tế các các cấp trao tặng. Hiện anh đang sống đầm ấm, hạnh phúc cùng với vợ và các con tại xã An Long, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Dù bận nhiều công việc, nhưng anh Cường vẫn sắp xếp thời gian thật khoa học, hợp lý; vừa hoàn thành nhiệm vụ của người thầy thuốc - vừa chăm sóc, dạy dỗ con học hành chu đáo. Con của bác sĩ Cường đang học năm thứ nhất Trường đại học Y Dược Cần Thơ.

Bài, ảnh: TRẦN TRỌNG TRUNG
Ý kiến của bạn