Người bác sĩ giàu lòng nhân ái và sáng tạo

28-01-2011 13:16 | Xã hội
google news

Tuổi thơ của Phan Xuân Khôi thiếu vắng tình cảm của người mẹ, một tai biến sản khoa đã khiến cậu bé Khôi 2 tuổi vĩnh viễn mất mẹ. Nỗi đau ấy càng thôi thúc Khôi phấn đấu trở thành một bác sĩ. Tốt nghiệp Ðại học Y khoa Huế với tấm bằng giỏi nhưng anh từ chối ở lại trường, xin về quê hương để cống hiến...

Bác sĩ Phan Xuân Khôi sinh ra trên quê hương đất lửa Quảng Bình, nơi có dòng sông Gianh chảy qua. Hình ảnh quê hương có dòng sông thơ mộng và danh thắng nổi tiếng có một không hai của thế giới là động Phong Nha luôn ghi đậm trong tâm trí vị bác sĩ giàu lòng nhân ái. Năm 2 tuổi, Phan Xuân Khôi đã mồ côi mẹ do mẹ sinh em bé không may gặp tai biến sản khoa. Nỗi đau mất mẹ cùng người em khiến Phan Xuân Khôi trưởng thành sớm hơn bạn bè cùng trang lứa. Ngay từ nhỏ, cậu bé Khôi đã mong ước được làm bác sĩ chữa bệnh cho mọi người, nhất là phụ nữ. Ước muốn và quyết tâm khiến Khôi miệt mài học tập, cuối cùng cũng được đền đáp. Cậu học trò chân đất tỉnh Quảng Bình đã thi đỗ Đại học Y khoa Huế với số điểm khá cao. Học xong cơ bản, không chần chừ, anh đã xin học chuyên ngành sản phụ khoa để thực hiện ước nguyện của mình. Năm 1984, tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế với tấm bằng giỏi, bác sĩ Phan Xuân Khôi được giữ ở lại trường làm cán bộ giảng dạy nhưng anh xin được về quê hương Quảng Bình phục vụ.

Trong một phiên trực tại bệnh viện, có bệnh nhân băng huyết nặng từ tuyến dưới chuyển lên, hội chẩn toàn khoa, lãnh đạo bệnh viện tiên lượng: bệnh nhân có nguy cơ tử vong vì mất máu nặng do vỡ mạch máu lớn không có phương pháp nào cứu sống được. BS. Phan Xuân Khôi khi đó còn rất trẻ (ở thập niên 90) đã mạnh dạn đề nghị lãnh đạo Bệnh viện được phẫu thuật cho bệnh nhân. Anh áp dụng “Kỹ thuật mổ thắt động mạch hạ vị cầm máu”, một kỹ thuật rất khó, chưa có bệnh viện tuyến tỉnh nào áp dụng được. Đây cũng là kỹ thuật mà anh đã rất say mê tìm tòi nghiên cứu trên lý thuyết, hôm nay được áp dụng vào thực tế. Thật bất ngờ ca phẫu thuật thành công ngoài sức tưởng tượng, bệnh nhân được cứu sống. BS. Phan Xuân Khôi đã phải nhỏ lệ trước thành công không thể ngờ tới của mình. Từ đó, kỹ thuật này đã được bệnh viện Việt Nam Cuba Đồng Hới Quảng Bình áp dụng để cứu sống người bệnh bị chảy máu trong sản phụ khoa và ngoại khoa cấp cứu, đã cứu sống những sản phụ bị băng huyết đờ tử cung mà trước đây phải cắt bỏ tử cung khiến họ vĩnh viễn không thể sinh con. Phương pháp vừa cứu sống người bệnh, vừa bảo tồn được tử cung, để người phụ nữ có khả năng sinh sản bình thường sau phẫu thuật, là phương pháp mang tính nhân văn trong y học. Năm 1999, đề tài khoa học này đã được hoàn thành và báo cáo tại Hội nghị sản phụ khoa toàn quốc, được các giáo sư đầu ngành khen ngợi là đề tài có ý nghĩa khoa học cao, đồng nghiệp đến chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm. Cho đến bây giờ, kỹ thuật này trên toàn quốc cũng rất ít bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện được.

Không thoả mãn trước những thành công, BS. Phan Xuân Khôi tiếp tục theo học sau đại học, 2 năm học chuyên khoa cấp I tại Trường đại học Y Huế và 3 năm học chuyên khoa cấp II tại Trường đại học Y Hà Nội. Mục tiêu với anh lúc này không chỉ hoàn thành luận văn tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa mà phải học được những kỹ thuật hiện đại về ứng dụng vào thực tiễn ở bệnh viện quê nhà. Anh tự soát xét lại những gì mà cơ sở mình còn thiếu, còn yếu và đã nhìn thấy “kỹ thuật phẫu thuật nội soi”, một kỹ thuật tiêu biểu của nền y học thế kỷ 21. Anh đã quyết định theo học để ứng dụng kỹ thuật tiên tiến này tại tỉnh nhà. Sự nỗ lực miệt mài học tập nghiên cứu và lòng quyết tâm của BS. Phan Xuân Khôi đã đưa anh đến gặt hái nhiều thành công. Ca phẫu thuật nội soi đầu tiên được áp dụng điều trị cho một bệnh nhân bị khối u buồng trứng tại Bệnh viện Việt Nam Cuba Đồng Hới Quảng Bình thành công mỹ mãn, được Ban giám đốc bệnh viện đánh giá rất cao; góp phần đưa Bệnh viện Việt Nam Cuba Đồng Hới Quảng Bình trở thành một trong những bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên tiếp cận ứng dụng kỹ thuật cao của thế kỷ 21 vào công tác điều trị. Kỹ thuật phẫu thuật nội soi sau đó không chỉ ứng dụng điều trị ở khoa phụ sản, mà còn được phát triển phẫu thuật nội soi ở khoa ngoại trong thực hiện cắt túi mật và viêm ruột thừa tại bệnh viện.

Những tháng ngày công tác tại Khoa phụ sản Bệnh viện Việt Nam Cuba Đồng Hới Quảng Bình, ngoài tận tâm, tận lực chữa bệnh cứu người, trong tâm trí BS. Phan Xuân Khôi luôn đau đáu ý tưởng làm thế nào để người phụ nữ được hưởng những thành tựu tốt nhất của khoa học và y học hiện đại. Trong hoàn cảnh bệnh viện tuyến tỉnh, người phụ nữ không được chữa trị phẫu thuật bằng phương pháp nội soi - phương pháp chữa bệnh tiên tiến của thế giới chỉ bởi lý do không có tiền mua dụng cụ chuyên dụng phục vụ phẫu thuật. BS. Phan Xuân Khôi đặt ra câu hỏi: Liệu có giải pháp nào thay thế? Và rồi anh lao vào nghiên cứu để tìm câu trả lời. Với kinh nghiệm của một bác sĩ sản khoa lâu năm; với kiến thức khi học chuyên khoa cấp 1 ở Trường đại học Y khoa Huế và chuyên khoa cấp 2 ở Trường đại học Y Hà Nội, BS. Phan Xuân Khôi đã nghiên cứu và đưa ra giải pháp: Dùng Pozzi là dụng cụ y tế thông thường, thay thế cho thiết bị cao cấp chuyên dụng phẫu thuật nội soi chữa các bệnh của phụ nữ. Ứng dụng giải pháp này, bệnh nhân nữ được phẫu thuật bằng phương pháp nội soi, giảm bớt đau đớn, giảm thời gian nằm viện. Phương pháp lại tôn trọng sinh lý, giải phẫu của phụ nữ, không làm tổn thương niêm mạc, bệnh nhân có thể mang thai lần sau bình thường. Dụng cụ y tế thông thường này giá chỉ 30.000đ, phù hợp với khả năng đầu tư của các bệnh viện tuyến tỉnh; trong khi giá thành thiết bị chuyên dụng là cần nâng và máy nghiền bệnh phẩm phải nhập ngoại tới 400 triệu đồng. Giải pháp hoàn thành với đề tài “Phương pháp cố định tử cung mới ứng dụng trong phẫu thuật nội soi bóc nhân xơ và cắt tử cung bán phần” báo cáo tại Hội nghị sản phụ khoa châu Á Thái Bình Dương lần thứ 7 năm 2007 đã được GS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản TP. Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ nhận xét: “Đây thực sự là một thành tựu của trí tuệ, một phát minh có giá trị phù hợp hoàn cảnh khó khăn của Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng. Phương pháp này cần được đưa vào áp dụng rộng rãi, ngay cả ở tuyến trung ương cũng cần xem xét ứng dụng để giảm bớt kinh phí phải mua trang thiết bị của nước ngoài”. BSCK cấp II Phạm Việt Thanh, Vụ phó Vụ Sức khoẻ sinh sản Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh đánh giá: “Với sáng tạo này, chúng tôi nghĩ rằng sự thiếu trang thiết bị chuyên dụng không làm cản bước ứng dụng kỹ thuật vào phẫu thuật nội soi…”. Giải pháp đã đoạt giải Nhất hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Bình và đoạt giải Nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2007. Với sáng tạo dùng Pozzi dụng cụ y tế thông thường thay thế cho thiết bị cao cấp chuyên dụng phẫu thuật nội soi chữa các bệnh của phụ nữ, BS. Phan Xuân Khôi đã thực hiện được ước nguyện: đưa khoa học hiện đại phục vụ chữa bệnh cho phụ nữ để bệnh nhân nữ ở khắp mọi miền đất nước được hưởng những thành tựu tốt nhất của khoa học y học. Từ năm 2006 đến nay, tại Bệnh viện Việt Nam Cuba Đồng Hới Quảng Bình, hàng trăm bệnh nhân nữ mắc bệnh u xơ tử cung đều được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nội soi mới này.

Bác sĩ Phan Xuân Khôi.

Cũng như nhiều thầy thuốc có lương tâm và trách nhiệm với nghề, BSCK cấp II Phan Xuân Khôi rất đau lòng mỗi khi chứng kiến những cái chết thương tâm của bệnh nhân tại bệnh viện tuyến tỉnh do khi đang cấp cứu điều trị bị sự cố mất điện; vì máy hút thông thường khi bị mất điện sẽ không có khả năng hút cấp cứu cho bệnh nhân. Không thể đổ lỗi cho khách quan, BS. Khôi nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ cải tiến máy hút thông thường này thành máy mới có nhiều tính năng nổi trội: ổn định áp lực hơn nên lúc sử dụng máy sẽ an toàn hơn; Không làm tràn dịch hút vào máy, vừa tăng tuổi thọ cho máy vừa an toàn khi vận hành; Khi bị mất điện đột xuất, máy vẫn có khả năng hút dịch trong một thời gian nhất định đảm bảo tính cấp cứu cho người bệnh. Giải pháp đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế giải pháp hữu ích năm 2008, được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cấp bằng sáng tạo lần thứ 2.

Trong chuyên ngành ngoại khoa, nếu bệnh nhân có vết mổ cũ ổ bụng dính thì phẫu thuật nội soi coi như bị chống chỉ định vì nếu tiến hành phẫu thuật có thể sẽ xảy ra nhiều tai biến. Như vậy, phẫu thuật nội soi phải dừng chân bởi thực tế này. Không khuất phục, BS. Khôi suy nghĩ liệu có thể lấy công nghệ cao để chinh phục rào cản này và anh đã đưa ra giải pháp: sử dụng siêu âm - một thiết bị y tế hiện đại tìm lối vào trong ổ bụng để phẫu thuật nội soi. Ý tưởng của anh đã hình thành một đề tài nghiên cứu cấp bệnh viện: “Kỹ thuật đặt Trocar đầu tiên có sự hướng dẫn của siêu âm ứng dụng trong phẫu thuật nội soi trên bệnh nhân có vết mổ cũ”. Kết quả đề tài được ứng dụng vào thực tế thành công tại Bệnh viện Việt Nam Cuba Đồng Hới Quảng Bình. Đề tài được báo cáo tại Hội nghị sản phụ khoa châu Á Thái Bình Dương lần thứ 9 năm 2009, được các giáo sư đánh giá rất cao. Giải pháp này đoạt giải Nhì tại hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Bình. BS. Phan Xuân Khôi được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cấp bằng lao động sáng tạo lần thứ 3.

Quê anh còn nghèo, người dân sống lam lũ, bệnh lý thường gặp ở tuổi tiền mãn kinh của phụ nữ, đó là bệnh lý sa sinh dục. Thương xót người dân khi điều trị bệnh lý này theo phương pháp cổ điển phải chịu nhiều đau đớn, chi phí cao, thậm chí có người phải âm thầm chịu dựng với bệnh tật suốt cuộc đời, lương tâm người thầy thuốc khiến BS. Phan Xuân Khôi day dứt, anh đã nghiên cứu nhiều tài liệu trong và ngoài nước để tìm phương pháp mới điều trị bệnh lý này và đề tài khoa học “Kỹ thuật phẫu thuật nội soi treo tử cung trực tiếp vào thành bụng trong điều trị sa sinh dục” của anh cũng đã hoàn thành. Đây là kỹ thuật lần đầu tiên nghiên cứu và ứng dụng tại Việt Nam. Đề tài được báo cáo tại Hội nghị sản phụ khoa châu Á Thái Bình Dương lần thứ 10, hội nghị chỉ đạo tuyến ngành và hội nghị phụ sản miền Trung mở rộng; đã được các chuyên gia đánh giá cao. GS.TS. Phan Trường Duyệt đánh giá: phương pháp cổ điển mổ mở bất lợi là dễ nhiễm khuẩn. Ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi treo tử cung trực tiếp vào thành bụng trong điều trị sa sinh dục là một sáng tạo của BS. Phan Xuân Khôi, nó hoàn toàn loại trừ được những bất lợi, thỏa mãn được những ước mong của bệnh nhân, phương pháp còn được cải tiến dễ thực thi... GS.TS. Nguyễn Đức Vy - nguyên Giám đốc Bệnh viện phụ sản Trung ương, Chủ tịch Hội Sản phụ khoa Việt Nam đánh giá: Đây là một thành công có giá trị thực tiễn, thời gian phẫu thuật nhanh, chưa có tai biến nên cũng được coi là một nghiên cứu bước đầu thành công.

Thành tựu khoa học luôn đổi mới, sự chuyển mình ở một số bệnh viện đầu ngành đã áp dụng phương pháp điều trị u xơ tử cung bằng nguyên lý nghẽn mạch với những trang thiết bị hiện đại và kinh phí rất cao. BS. Phan Xuân Khôi lại trăn trở, đến lúc nào người dân nghèo được thừa hưởng thành tựu y học này? Qua nghiên cứu, phân tích và trải nghiệm thực tiễn, BS. Phan Xuân Khôi đưa ra phương án: “Kỹ thuật thắt động mạch tử cung bằng nội soi trong điều trị u xơ tử cung”. Phương pháp này dựa trên nguyên lý cắt nguồn máu đến nuôi dưỡng tử cung, như vậy tử cung sẽ thiếu máu, teo dần lại và u xơ cũng nhỏ dần và biến mất sau một thời gian. Đề cương nghiên cứu khoa học này được thông qua với nhiều ý kiến phân tích phản biện, thống nhất về tính hiệu quả, khoa học của phương án và đề tài đã được thực thi bước đầu có hiệu quả. Đây cũng là đề tài lần đầu tiên nghiên cứu, áp dụng thành công tại Bệnh viện Việt Nam Cuba Đồng Hới Quảng Bình, đã hạn chế tai biến, đảm bảo tính thẩm mỹ, giảm kinh phí trong điều trị, bệnh nhân phục hồi sức khỏe nhanh chóng, ít đau đớn. Tiếng lành đồn xa, nhiều bệnh nhân ở các tỉnh bạn đã đến xin được điều trị theo phương pháp mới ở Bệnh viện Việt Nam Cuba Đồng Hới Quảng Bình.

Được sự động viên khích lệ, tạo điều kiện của lãnh đạo bệnh viện, BS. Phan Xuân Khôi cùng đồng nghiệp còn say sưa tìm tòi nghiên cứu, đưa ra hàng chục sáng tạo khác, từng bước đưa khoa học y học hiện đại vào điều trị cho bệnh nhân ở Bệnh viện Việt Nam Cuba Đồng Hới, Quảng Bình. Bệnh nhân nơi đây đã được thừa hưởng thành tựu của y học hiện đại trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Với những đóng góp cho ngành y tế từ năm 1986 đến nay, BS. Phan Xuân Khôi được Bộ Y tế, UBND tỉnh tặng 16 bằng khen, Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, đạt danh hiệu Lao động giỏi, lao động sáng tạo ngành y tế giai đoạn 2002 - 2006. Đoạt giải Nhì Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc VIFOTEC năm 2007, được Trung ương Hội tặng bằng khen. Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và công nghệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng 3 Bằng lao động sáng tạo…

Lòng nhân ái, thông minh, sáng tạo, nhiệt huyết hết lòng vì người bệnh, bác sĩ chuyên khoa cấp II Phan Xuân Khôi thành công từ sáng tạo này đến sáng tạo khác. Anh cùng đồng nghiệp đã ứng dụng và làm chủ hoàn toàn những máy móc hiện đại, đáp ứng trong chẩn đoán và điều trị có hiệu quả, đã làm thay đổi về chất trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học ở khoa phụ sản nói riêng, ở Bệnh viện Việt Nam Cuba Đồng Hới, Quảng Bình nói chung. Ngành sản phụ khoa cả nước biết đến người bác sĩ giàu lòng nhân ái và sáng tạo Phan Xuân Khôi bởi nhiều ý tưởng sáng tạo mới của anh.    

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Thường


Ý kiến của bạn