Hà Nội

Người bác sĩ gắn bó với ruộng đồng

11-09-2015 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sắp bước vào tuổi 50 nhưng đã có gần 30 năm phục vụ trong ngành y tế, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Đức Phước (Trảng Bom, Đồng Nai) không nhớ nổi bàn chân mình đã đi bao nhiêu bản làng...

Bám địa bàn chiến đấu với bệnh dịch

Sắp bước vào tuổi 50 nhưng đã có gần 30 năm phục vụ trong ngành y tế, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Đức Phước (Trảng Bom, Đồng Nai) không nhớ nổi bàn chân mình đã đi bao nhiêu bản làng, ấp ở vùng nông thôn của Đồng Nai. Cùng với đó là những đêm trăn trở tìm ra cách khống chế các bệnh dịch cho người dân vùng sâu, vùng xa.

Quê gốc ở Hải Lăng (Quảng Trị), từ nhỏ Nguyễn Đức Phước đã có khát vọng trở thành người hoạt động trong ngành y. Ông bộc bạch; “Xưa ở quê Quảng Trị nghèo, nhất là các vùng nông thôn, vùng sâu thiếu thốn về y tế lắm, có nhiều người dính bệnh, nhất là các bệnh lây lan và truyền nhiễm nhưng thiếu kiến thức nên bị nặng hơn, có người trầm trọng. Ngay từ khi là sinh viên trường y, trong những lần nghỉ hè về tôi đều tuyên truyền cho bà con ở những vùng nông thôn ấy. Thế rồi cũng yêu các bản làng nông thôn từ đó. Hơn đâu hết, ở đó chính là nơi cần sự có mặt của những bác sĩ nhiệt tâm nhất”. Sau khi tốt nghiệp, quê nhà chưa có nhu cầu thêm y sĩ nên Nguyễn Đức Phước về xã Hố Nai 4 (huyện Thống Nhất cũ) của tỉnh Đồng Nai công tác. Ông nghiệm ra ở vùng này cũng khó khăn như quê hương mình vậy. Người người đều cấp thiết cần sự có mặt của y bác sĩ. Mà tận tụy làm việc thì ở vùng đất nào cũng như nhau cả, thế là tôi bén dễ với các vùng nông thôn của Đồng Nai từ đó.

Bác sĩ Nguyễn Đức Phước (bên trái) kể về những lần bám nông thôn dập dịch bệnh.

Ngày ấy, bệnh sốt rét và sốt xuất huyết vẫn là bài toán nan giải trong các ấp, làng ở Hố Nai. Lần đầu tiên những phác đồ điều trị trong giáo trình được y sĩ Phước vận dụng hiệu quả! Có được kết quả đó, nhiều đêm trắng Nguyễn Đức Phước đã phải nghiền ngẫm cả về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, môi trường... để sinh sôi ra các căn bệnh ấy. Từ đó mới tìm ra hướng khống chế. Nhiều người dân trong các ấp xa xôi không còn đối mặt với nỗi lo bị “thần chết” kéo đi nữa. Món quà khích lệ lớn nhất cho chàng y sĩ trẻ Nguyễn Đức Phước khi ấy là có nhiều người già cầm tay anh bảo: “Đó, bác sĩ của ấp, của dân nghèo có khác”. Rồi những ca sốt rét tái phát lần lượt được y sĩ Phước chữa trị. Tiếng tăm của anh được nhiều người biết đến và yêu mến. Vì thế, khi nghe anh cùng nhiều cán bộ y tế khác trong trạm y tế xã vận động đừng sinh nở ở nhà, phải ra trạm thăm khám thai, nhiều phụ nữ tin theo. Gần 100% dân số vùng nông thôn của Hố Nai đã biết ngủ mùng, biết rửa tay trước khi ăn... Nạn sốt rét, sốt xuất huyết bị đẩy lùi.

Với niềm tâm huyết ấy chẳng bấy lâu Nguyễn Đức Phước được giao trọng trách Trạm trưởng Trạm y tế Hố Nai. Trên cương vị mới, hàng ngày Nguyễn Đức Phước vẫn miệt mài tới các ấp để thăm khám bệnh cho từng hộ dân. Nhận thấy có nhiều căn bệnh truyền nhiễm ở vùng nông thôn cần phải nghiên cứu ra các phác đồ điều trị chuyên sâu hơn nên y sĩ Nguyễn Đức Phước quyết định đi học lên bác sĩ chuyên khoa I ở Trường ĐH Y- Dược thành phố Hồ Chí Minh.

Cương vị mới nhưng khát khao vẫn cũ

Sau khi học xong, bác sĩ (BS) Phước tiếp tục vùi mình vào nghiên cứu “Đặc điểm dịch tễ học và các yếu tố có liên quan đến sốt xuất huyết”. Đề án hướng đến các vùng nông thôn. Bởi tính khả thi của đề án, BS.Phước được điều về Trung tâm y tế huyện Trảng Bom để tiện nghiên cứu. Sau này ông lên làm giám đốc trung tâm này. BS.Nguyễn Đức Phước tâm sự: Dẫu ở vị trí nào thì khát khao của tôi vẫn là khống chế các bệnh liên quan đến sốt rét và sốt xuất huyết. Các bệnh này chủ yếu lại chỉ xuất hiện ở khu vực nông thôn mà thôi. Chính bởi vậy nên rất ít khi thấy BS.Phước ngồi ở trung tâm y tế huyện mà ông lại thường miệt mài ở các ấp xa xôi trong huyện Trảng Bom. Có nhiều xã xa xôi nhất của huyện Trảng Bom người dân coi BS.Phước như người thân trong nhà vậy. Nhiều người dân ở xã Bàu Hàm cho biết: Xưa nay hiếm có ông giám đốc trung tâm y tế huyện mà miệt mài về xã hướng dẫn cho các y tá xã tận tình thăm khám bệnh cho bà con vùng sâu, lại có lúc trực tiếp thăm bệnh cho người dân nữa. Thế nên nhiều người rất cảm động. Mỗi lần Bàu Hàm có người bị bệnh lây nhiễm, bệnh liên quan đến sốt xuất huyết là lại có mặt BS.Phước ngay.  BS.Phước bộc bạch: Dù ở vị trí nào nhưng nếu đã là bác sĩ khi cần phải vác túi vào các làng chống dịch bệnh cho người dân.

Nhiều người dân ở xã Cây Gáo cũng có ấn tượng sâu đậm với một giám đốc trung tâm y tế huyện nhưng lại cứ thích lăn lộn tìm hiểu dịch bệnh ở các ấp vùng sâu, không ngại bất cứ điều gì. Mấy năm gần đây, do biến đổi khí hậu nên kéo theo dịch bệnh diễn biến phức tạp, bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng bùng phát. Trên cương vị giám đốc trung tâm y tế, bác sĩ Phước vừa đưa ra phác đồ ngăn chặn ở khắp thị trấn và các vùng nông thôn đồng thời tham mưu cho chính quyền địa phương hỗ trợ nên đã nhanh chóng khống chế được bệnh. Nhờ đó đến nay 17/17 xã, thị trấn tại Trảng Bom đạt chuẩn Quốc gia về y tế; các trạm y tế được đầu tư nhiều thiết bị hiện đại để chăm sóc người bệnh tốt hơn. Riêng Trung tâm y tế huyện từ chỗ chắp vá, mượn cơ sở của huyện đến nay cũng đã được xây mới, với cơ sở vật chất ngày càng hiện đại phục vụ tốt nhất cho nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Sau những danh hiệu

Miệt mài bám trụ với vùng sâu, vùng xa, càng nghiên cứu khoa học càng thấy thiếu hụt nên bác sĩ Phước tiếp tục đi học lên bác sĩ chuyên khoa II. Với gần 30 năm gắn bó miệt mài đó, bác sĩ Nguyễn Đức Phước đã được tặng nhiều danh hiệu; Thầy thuốc ưu tú, Huân chương Lao động hạng Ba, hàng loạt bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và UBND tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, ông vẫn tâm niệm; phần thưởng lớn nhất đối với mỗi bác sĩ là sự hài lòng của bệnh nhân. Với ý nghĩa này, học xong bác sĩ chuyên khoa II, bác sĩ Phước tiếp tục miệt mài nghiên cứu cách giảm áp lực và tạo ra sự thuận tiện nhất trong công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Cách đây không lâu, ông lại được điều sang làm Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Trảng Bom. Ngay khi về làm giám đốc bệnh viện, ông đã đưa ra và áp dụng cải tiến Quy trình khám chữa bệnh một chiều. Cải tiến này giảm thời gian khám chữa bệnh của người dân từ 1-1,5 giờ. “Với vai trò bác sĩ thì tận tụy, sâu sát, còn trên cương vị quản lý điều quan trọng nhất là đưa ra những cải tiến vì người dân, tạo sự đoàn kết trong toàn thể cán bộ, công nhân viên của đơn vị mình. Đó là điều lúc nào tôi cũng đau đáu hướng đến” - Bác sĩ Phước giãi bày.

HÀ VĂN ĐẠO

 


Ý kiến của bạn