Trải bao mùa mưa nắng, BS. Võ Thanh Dũng giữ vững tâm niệm; lao vào nơi khó khăn nhất, cống hiến hết mình, tận tụy, hi sinh hết mình cho hàng vạn người dân chốn rừng sâu, núi thẳm đuổi được “con bệnh” ra khỏi người. Ý niệm ấy như liều “thần dược” giúp anh vượt qua những nhọc nhằn để khoác trên mình chiếc áo blouse trắng ngày cũng như đêm luồn rừng, băng suối cứu người suốt hơn 35 năm qua. Và quãng đời còn lại, anh bảo, còn sức là còn giúp bà con đến cùng.
Luôn cháy bỏng khát vọng về nơi gian khó
Đi qua những mùa rẫy, với bao biến cố về sức khỏe, ký ức có lúc lẫn lộn nhớ quên nhưng khi nhắc đến BS. Võ Thanh Dũng (hiện là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yang Reh, huyện KRông Bông, tỉnh Đăk Lăk), gương mặt những người già ở xã Ea Trul, xã Yang Yeh mà tôi từng gặp lại như bừng sáng lên. Họ bảo ông bác sĩ ấy được chúng tôi gọi là Ka Dũng đấy, là bác sĩ của những buôn làng mình. Cái bụng của ông ấy tốt lắm, như ngọn suối trong nơi đầu nguồn, như cây lim trụ cột che chắn những cuồng phong ấy. Ngày BS. Dũng triền miên khoác ba lô đến ăn ở cùng những người dân buôn tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, tình hình bệnh tật ai cũng ngỡ ngàng vì xưa nay bác sĩ nào về các buôn sâu ở huyện KRông Bông giỏi lắm cũng chỉ trụ được dăm năm.
BS. Võ Thanh Dũng.
Ít nói về mình, nặng lòng với nghề, khát khao cải tiến, sáng tạo, BS. Võ Thanh Dũng lành hiền như những tán rừng Tây Nguyên mùa im gió. Sinh năm 1962 trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học, gia đình luôn hướng Võ Thanh Dũng đến những nơi đô thị để phát triển nghề nghiệp tốt hơn bởi từ nhỏ anh đã nổi tiếng về thông minh, học giỏi. Thế nhưng ngay từ khi là học sinh cấp 2, mỗi lần về các buôn sâu, cứ mấy ngày lại thấy có người bị “thần chết” kéo đi vì dịch bệnh, nhất là bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, dịch tả mà các y, bác sĩ trẻ lại không dám về, trong lòng anh trỗi dậy khát vọng thành một bác sĩ giỏi để chữa trị và chặn đứng những thứ dịch bệnh quái ác kia. Năm 1981, sau khi tốt nghiệp y sĩ, Võ Thanh Dũng xin về công tác ở Bệnh viện huyện Lắc - một nơi còn chồng chất khó khăn.
Nhớ những ngày đầu gian khó đó, Võ Thanh Dũng tâm sự: Lúc ấy, Bệnh viện huyện Lắc quá đơn sơ, thiếu y sĩ trầm trọng, dịch bệnh lại liên tục bùng phát nên tôi quyết định tạm dừng ý định học lên bác sĩ đa khoa mà về Bệnh viện huyện Lắc công tác trước. Ngay khi bước chân về, với sức trẻ và khát vọng cứu người, Võ Thanh Dũng đã đưa ra phác đồ kết hợp điều trị trực tiếp tại các buôn với công tác thăm khám tại bệnh viện. Anh đề xuất bệnh viện hay các y tá thôn bản cũng phải kết hợp chặt chẽ với các già làng để công tác nắm tình hình bệnh tật được tốt hơn. Chính bản thân anh cũng xung phong đi thăm khám bệnh cơ động kết hợp với tuyên truyền. Anh bộc bạch, ngày ấy, đường vào các xã, các buôn toàn đường đất, trời mưa trơn như đổ mỡ, luôn phải kèm theo mình áo mưa, gậy chống cho khỏi ngã, ngày nào cũng nửa đêm về sáng mới về đến nhà.
Khi đã thông tư tưởng của người dân các buôn sâu ở huyện Lắc xong, tình cờ xem tivi thấy các đơn vị bộ đội về các buôn làng giúp dân và hướng dẫn chống dịch. Với các kiến thức mình đã tích lũy được từ thực tiễn và trường học, cuối năm 1983, y sĩ Võ Thanh Dũng xin vào bộ đội, đến bản làng nào anh cũng tỉ mẩn hướng dẫn người dân cách phòng chống bệnh sốt rét vì thời điểm ấy sốt rét là nỗi ám ảnh nơi rừng thiêng nước độc này. Đơn vị đến buôn làng nào, cứ thấy người dân có biểu hiện rét run - sốt nóng - sau đó vã mồ hôi là anh hướng dẫn ngay người dân đi xét nghiệm, buổi tối khi đi canh rẫy, canh rừng thì phải mặc quần dài, áo dài tay.
Mấy năm sau, Võ Thanh Dũng xuất ngũ, được Bệnh viện huyện Lắc gọi về để phát triển nguồn cán bộ quản lý nhưng thấy cơ sở vật chất Bệnh viện huyện Lắc đã tạm ổn trong khi xã Ea Trul (huyện KRông Bông - huyện tiếp giáp huyện Lắc) ánh điện vẫn chưa về, phần lớn người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, quanh năm chỉ biết nương rẫy, khi bệnh trầm trọng mới cáng bộ hoặc dùng xe trâu di chuyển vài chục ki-lô-mét đến bệnh viện huyện nên Võ Thanh Dũng lại xung phong về xã Ea Trul trước sự ngơ ngác của nhiều đồng nghiệp và cấp trên. Võ Thanh Dũng thổ lộ: “Với các cải tiến và đề xuất của mình, Bệnh viện huyện Lắc muốn giữ tôi nhưng ở đó là trung tâm huyện, có thể nhiều người muốn, nhiều người làm được còn mang tất cả hiểu biết của mình lăn lộn xuống các buôn làng khó khăn nhất thì mình xung phong ngay. Bởi mình đã mòn vẹt hàng ngàn đôi dép vì chạy bộ đến các buôn nên hiểu rõ cách tuyên truyền làm sao, cách cho người tiêu chảy uống thuốc gì, dịch sốt xuất huyết uống thuốc gì, khi nào. Đau bụng thế nào là thai nghịch, thế nào là thai thuận. Cách lý giải làm sao cho người đồng bào hiểu”.
Những cuộc “cân não” trong nhà tạm
Ấn tượng đầu tiên khi về xã đặc biệt khó khăn Ea Trul là những ca phẫu thuật ung nhọt. Hàng ngàn người dân vùng sâu này ngã bệnh, bị ung nhọt chỉ biết tin vào thầy cúng. Nằm vật trên lán nhà tạm, quằn quại trong đau đớn nhưng Y Linh, Y Chung, Ma Diên… lại được thầy cúng phán bị Yàng (trời) hành nên chỉ được cúng, không được uống thuốc, không được đưa kim tiêm để tiêm thứ thuốc xa lạ có màu trắng nhờn nhợn của người Kinh vào người. Cứ cúng rồi ung nhọt sẽ khỏi, tiêu chảy sẽ hết. Thế nhưng Võ Thanh Dũng lao vào phẫu thuật, tiêm thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng, nạo hết những phần thịt đã bị mưng mủ và hoại tử. Người dân các buôn làng ngơ ngác nhìn. Bởi việc quá gấp, hoại tử lan rộng, tất cả mọi thao tác y sĩ Dũng thực hiện dưới ánh sáng lửa củi bập bùng. Hàng trăm người trong buôn đổ xô đến xem, họ bảo ông y sĩ này chán sống rồi sao mà dám làm ngược lại thần linh, làm ngược lại thầy cúng. Quyết không nản, những đêm sau đó, bất kể sấm chớp, bão bùng, y sĩ Dũng cũng mang dụng cụ, thuốc thang vào chữa cho dân. Bệnh nhân nào chỉ nhờ vào thầy cúng không thôi thì bệnh đổ nặng thêm, bệnh nhân nào được y sĩ Dũng phẫu thuật chữa trị thì khỏi hẳn. Kết quả ấy đã xua tan nỗi lo âu, lấn bấn của đồng bào bản địa và họ bắt đầu tin vào khoa học, vào y khoa, vào thứ thuốc “xa lạ” của Tây y mà y sĩ Dũng mang đến.
“Ngày ấy, cơ sở vật chất ở đây chỉ lán tạm, thiết bị và máy móc chẳng có gì. Tất cả đều phải dựa vào kinh nghiệm hết. Cả Trạm y tế Ea Trul do tôi làm trạm trưởng tổng cộng chỉ có 4 người trong khi người dân trong xã mấy ngàn người, dịch bệnh liên tục bùng phát, nhà nọ ở cách nhà kia mấy trăm mét mà họ lại chưa hình thành được ý thức tìm đến trạm y tế, viên thuốc Tây giảm đau cũng còn là thứ xa lạ với họ kia mà. Vậy nên, ngày thì điều trị, thăm khám, bốc thuốc cho các buôn gần trạm, đêm đến thì luồn rừng đến các buôn xa để tuyên truyền, để phát thuốc. Có khi cả tháng chỉ về nhà ngủ được mấy ngày còn lại mệt quá ngủ lại các buôn luôn đấy”, Võ Thanh Dũng tâm sự.
Nhiều ca phẫu thuật có một không hai khi toàn bộ quy trình do một mình y sĩ Dũng khi ấy thực hiện. Đó là vào những năm 1992-1993, người dân Ea Trul gần 100% làm rừng, làm rẫy bị cây đâm, đá chọc rách thân thể diễn ra thường xuyên. Giữa một đêm mưa gió bời bời ngày áp Tết năm 1992, nhận được tin có người trong xã lên cơn co giật vì sốt cao giữa rừng, bắp chân có vết thương dài gần 10cm, sưng phồng, đỏ tấy, mủ rỉ ra... Nghe xong thông tin, y sĩ Dũng chẩn đoán ngay nhiễm trùng nặng ở vết thương, có dấu hiệu hoại tử. Anh lập tức mang dụng cụ vào rừng tiến hành sơ cứu, cắt mở vết thương, dùng dung dịch tẩy rửa sau đó tiến hành các thủ thuật cắt bỏ hoại tử và đưa bệnh nhân về theo dõi tiếp. Anh bảo: Những ca phẫu thuật mà ê-kíp độc nhất một người như vậy là thường xuyên, làm riết rồi thành phải xạ tự nhiên luôn. Hầu như ngày nào cũng chạy đôn đáo khắp nơi đi phát thuốc, phẫu thuật cho người dân hết. Bệnh hoại tử và dịch tả cần xử lý nhanh, để nặng thì sinh biến chứng nguy hiểm, có khi phải cưa chân ngay. Mà từ rừng sâu đến bệnh viện huyện đi cả ngày đường.
Phẫu thuật, thăm khám bệnh dưới ánh đèn dầu được một thời gian thì trụ sở đơn sơ của Trạm y tế Ea Trul bị thiên tai phá hỏng, Võ Thanh Dũng cùng các y tá, y sĩ trong trạm lại kéo nhau lên mượn chiếc chòi canh hồ thủy lợi của xã làm trụ sở. Hàng trăm ca đỡ đẻ thai nghịch, cho đến hàng loạt ca đau tim, đau ruột thừa lại được y sĩ Dũng xử lý dưới ánh đèn dầu trong căn chòi tạm quanh năm gió lùa thốc thác. Thế nhưng, thật kỳ diệu, tất cả các ca ấy đều không xảy ra sự cố đáng tiếc nào. Khả năng và kinh nghiệm độc đáo của anh vang xa. Võ Thanh Dũng kể, điều quan trọng nhất là mình phải nắm thật vững thao tác, xử lý bằng tất cả trách nhiệm, nỗi lo và cái tâm của mình. Người đồng bào dân tộc thiểu số có đặc tính đẻ nhiều và còn hạn chế rất nhiều về nhận thức. Thời ấy, vài nhà khá giả mới có dầu mà thắp thôi. Rất hiếm hoi có trường hợp sinh nở tìm đến các y sĩ hay trạm y tế mà họ lặng lẽ đưa nhau vào rừng hoặc đẻ ngay tại nhà nên rủi ro rất cao, nhiều cái chết thương tâm của trẻ sơ sinh diễn ra liên tục. Chúng tôi quyết định phải xoay chuyển được ý thức người dân, phải làm bằng được cuộc “cách mạng” tư tưởng là đau đẻ phải gọi y tá, y sĩ hoặc đến trạm y tế. Cùng với tuyên truyền, y sĩ Dũng nắm vững các kiểu mang thai nghịch như: Kiểu mông, kiểu đầu gối (thai nhi quỳ trong buồng tử cung), kiểu bàn chân... để có cách xử lý tốt nhất. Có đêm 5 người cùng lúc đau đẻ, dụng cụ không có, phải thăm khám chay như là áp sát nghe cử động thai, chẩn đoán từ triệu trứng căng cơ, đau hạ sườn... từ đó hướng dẫn bệnh nhân tư thế nằm sản khoa, cách rặn đẻ...
Tất cả các kiến thức thực tiễn và bí quyết rút ra y sĩ Dũng đều truyền đạt, hướng dẫn tỉ mỉ lại cho các y tá trong trạm y tế của mình. Cuộc phẫu thuật lôi cả nắm đá sạn gim vào ống chân của một người dân đi rừng ngày ấy cũng là dấu ấn đáng nhớ của Võ Thanh Dũng. Đó là bệnh nhân Ka Tung. Tung đi rừng, ngã sấp, bị cây đổ đè ngang chân, phía dưới là đá sạn. Giữa hoang vắng, muốn sống chỉ còn cách nghiến răng lôi ống chân nhích ra từng chút một. Lôi được chân ra, máu chảy lênh láng, đá sạn ghim đầy xương ống chân, nạn nhân kiệt sức và tím tái. Người nhà kêu khóc, đinh ninh Tung sẽ chết nhưng y sĩ Dũng lập tức sát trùng, tiến hành tiêm thuốc chống nhiễm, gắp từng mẩu đá nhỏ ra sau đó theo dõi sát sao, cứ 1 hoặc 2 ngày thay băng cho bệnh nhân 1 lần. Cuối cùng, Tung đã khỏi hẳn và đi lại bình thường. Y sĩ Dũng bộc bạch, vì là phẫu thuật và tiến hành các thao tác bằng thủ công là chính nên phải theo dõi sát, có biểu hiện lạ như nóng, sốt, mưng mủ... là có hướng xử lí kịp thời ngay.
BS. Võ Thanh Dũng luôn tận tình, hết mình vì người bệnh.
Ngày cũng như đêm, luôn trong trạng thái sẵn sàng
Một trong những bí quyết để những đêm khuya BS. Võ Thanh Dũng có thể bật dậy đến các buôn sâu cứu chữa bệnh cho người dân nhanh nhất từ khi bước vào ngành y là anh đến từng nhà dặn từng người nếu người thân có bệnh dù bất kể thời gian nào hãy tìm đến anh ngay. Bất luận ngày đêm, cổng nhà bác sĩ Dũng luôn mở toang, túi dụng cụ phẫu thuật, các loại thuốc anh luôn chuẩn bị sẵn sàng để ở đầu giường ngủ của mình. Khi ấy chẳng dám mơ có ngày được dùng điện thoại di động, chỉ mong nhanh có điện là tốt lắm rồi. Thế nên gọi nhau, phải đến gọi trực tiếp. Gần như 100% người dân xã Ea Trul không xa lạ gì ngõ nhà BS. Dũng. Anh Dũng tâm tình, ngày ấy nhà nào có cái xe cày tự chế là oách lắm rồi. Người bệnh mà nặng chở trên xe cày ấy, nó cứ xốc lên như tang bóng đến bệnh viện huyện có khi... nguy kịch. Nếu buôn xa nhất xã mà cáng chạy bộ thì hàng chục tiếng mới đến bệnh viện huyện. Với hoàn cảnh như vậy, mình là y sĩ, bác sĩ mà không thường trực tư thế sẵn sàng thì thấy có lỗi với người dân lắm.
Miệt mài cống hiến với tinh thần “lương y như từ mẫu” cho đến năm 2003, thấy trình độ dân trí dần được nâng cao, Trạm y tế Ea Trul được xây dựng tốt, người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc khám chữa bệnh nên Võ Thanh Dũng lên Đại học Y Tây Nguyên học thêm và lấy bằng tốt nghiệp bác sĩ đa khoa. Trước khi đi, anh tằn tiện sắm được chiếc điện thoại di động “cùi bắp” và dặn mọi già làng hễ ai có bệnh hệ trọng hãy gọi cho anh, dù là giữa khuya anh vẫn tức tốc về để hỗ trợ các y tá, y sĩ khác cứu chữa.
Sau khi tốt nghiệp, bác sĩ đa khoa Võ Thanh Dũng được nhiều phòng khám ở TP. Buôn Ma Thuột mời gọi ở lại công tác, nhất là các phòng khám sản khoa vì anh như một “kho tàng” kinh nghiệm quý báu. Cảnh tượng phố thị phồn hoa hoàn toàn đối ngược với cảnh những căn nhà lụp sụp chìm trong tĩnh mịch khi chiều kéo ánh sáng vào đêm cũng có lúc làm cho BS. Dũng có chút xao lòng. Nhưng rồi nỗi đau đáu trước thông tin Trạm Y tế xã đặc biệt khó khăn Yang Reh đang thiếu bác sĩ, mấy ngàn người dân chủ yếu là dân tộc thiểu số liên tục đổ bệnh tiêu chảy, sốt xuất huyết, bác sĩ lại xung phong về làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yang Reh. Ngay khi bước chân về, BS. Dũng dùng tất cả kiến thức mình đã tích lũy xuyên ngày đêm đi thăm khám, chữa trị bệnh cho người dân. BS. Dũng còn nhanh chóng phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng huyện thực hiện các biện pháp tích cực để khống chế dịch kết hợp với việc chăm lo công tác vệ sinh, khoanh vùng, phòng ngừa và chấm dứt dịch bệnh. Nỗi hoang mang của mấy ngàn người dân được BS. Dũng trấn an trở lại.
Biết năng lực chuyên môn lẫn khả năng quản lý của BS. Võ Thanh Dũng, ngành y tế Đăk Lăk cho người xuống bàn bạc để đưa BS. Dũng lên làm lãnh đạo Bệnh viện huyện KRông Bông. Biết thông tin này, người dân từ các buôn sâu ùa đến vây quanh BS. Dũng, với ánh mắt ừng ực nỗi niềm và thốt lên: Ka Dũng ơi đừng đi, Ka Dũng là bác sĩ của buôn làng, là ruột thịt của các buôn làng mình mà. Cái bụng của chúng mình không muốn cho Dũng đi đâu cả”. Cảm kích trước nghĩa tình này, lại một lần nữa BS. Dũng từ chối thăng chức, từ chối về trung tâm huyện mà bám trụ ở Trạm Y tế xã Yang Reh cho đến tận bây giờ.
Nhiều người dân ở buôn Trok Ắt (xã Yang Reh) cảm kích, bộc bạch những lời như rút sâu từ gan ruột của mình rằng, có nhiều đêm giữa cơn mưa dông dữ dội và đang lên cơn sốt, BS. Dũng vẫn đội mưa gió mang thuốc đến cứu người. Có khi BS. Dũng còn cho thêm quà nữa. Ai ai cũng thương và kính trọng BS. Dũng lắm.
“Có những thứ quý hơn vàng bạc”
Câu nói buột miệng của BS. Dũng cũng là lời tâm tình anh đúc rút ra sau hơn 35 năm lăn lộn, gắn bó với các buôn làng nơi rừng sâu, núi thẳm ở miền cao nguyên này. Anh bảo, cuộc sống ở đây giờ tạm ổn thôi chứ cũng còn nhiều khó khăn lắm nhưng mỗi khi ai đó đau ốm, hoạn nạn hoặc nhà nào có chuyện như cưới hỏi, đám tang, họ lại tìm đến nhau bằng sự sẻ chia, trợ giúp mà chẳng hề có một toan tính gì. Nếp sống ấy như mạch nước mát ngấm sâu vào tiềm thức mỗi người. Đằng đẵng bấy nhiêu năm gắn bó, món quà bằng vật chất lớn nhất mà BS. Dũng nhận được từ bệnh nhân chỉ là vài ki-lô-gam măng rừng hay vài chục bắp ngô từ chính những bàn tay tần tảo của người dân trong các buôn đi kiếm được hoặc làm ra. Nhà văn Nguyễn Hoàng Thu đôi lần còn tâm sự với tôi: Làm đại diện báo Thanh Niên mấy chục năm trên cao nguyên này, trước đây cứ nghe nhắc đến Ea Trul, Yang Reh... là tôi nghĩ ngay đến nơi đói nghèo, lạc hậu và dịch bệnh lan tràn. Nhưng biết BS. Dũng, biết những việc làm trong suốt hơn 3 thập niên qua của anh thì ý nghĩ của tôi dần thay đổi đấy.
Khi đã cơ bản xoay chuyển được quan niệm, thói quen lạc hậu của người dân, BS. Dũng lại miệt mài nghiên cứu đưa ra các mô hình kết nối y tế thôn bản đầy sáng tạo. Anh cho biết, đến nay, cơ sở vật chất ổn định, điện đã về các buôn. Trạm y tế đã có máy điện tim, máy siêu âm, xét nghiệm. Sự kết nối của từng người dân với trạm y tế rất chặt chẽ. Tỷ lệ tiêm chủng hằng năm cho trẻ em dưới 5 tuổi tại xã đạt trên 98%, phụ nữ mang thai tiêm uốn ván, uống viên sắt đạt gần 100%, bà mẹ sinh con tại trạm và sinh tại nhà do cán bộ y tế đỡ cũng đạt trên 90%. Để đạt được những chùm quả ngọt đó, BS. Dũng đã tiên phong tự nguyện làm thêm giờ, tiên phong lặn lội các buôn sâu tuyên truyền để làm gương và vận động các y tá, y sĩ trong trạm cùng làm theo. BS. Dũng còn sáng tạo lồng ghép truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân trong các buổi khám chữa bệnh đồng thời quán triệt tất cả y tá, y sĩ thực hiện tốt 12 điều y đức, Quy tắc ứng xử của cán bộ y tế với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Với những nỗ lực không mệt mỏi ấy, đến nay, Trạm Y tế xã Yang Reh được công nhận đạt Tiêu chí Quốc gia về Y tế xã giai đoạn 2001-2010, phấn đấu tiếp tục đạt chuẩn giai đoạn 2011-2020. Bản thân BS. Dũng được tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân, Bằng khen của Bộ Y tế, nhiều bằng khen của ngành y tế tỉnh Đăk Lăk... Nhưng như BS. Dũng thổ lộ, phần thưởng quý giá nhất là tình cảm của những bệnh nhân, người dân. Đó là thứ hơn mọi bạc vàng. Còn 5 năm nữa mới đến tuổi về hưu nhưng anh bảo, dẫu có về hưu rồi, người dân đau bệnh anh vẫn đi thăm khám miễn phí cho họ và coi đó như là niềm hạnh phúc của mình.
Chia tay BS. Dũng, chia tay Yang Reh khi chiều kéo mặt trời xuống chân núi Chư Yang Shin. Những ánh đèn điện bật lên. Những buôn làng dọc dài mảnh đất Tây Nguyên, nơi tôi đã từng đi qua lại hiện về như một cuốn phim quay chậm đầy cảm xúc. Ước rằng, vùng đất nào cũng giàu nghĩa tình, cũng có nhiều những vị lương y như BS. Võ Thanh Dũng vậy.