Cuộc đời của ông dường như gắn bó với giai đoạn khắc nghiệt, khốn khổ nhất của bệnh nhân phong. Ngày đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân, ông đã định quay đầu bỏ chạy. Ngày cuối cùng công tác ở trại phong, ông lại cảm giác như mình vẫn còn nợ họ nhiều, món nợ mà cả đời ông vẫn canh cánh trong lòng. Cuộc chuyện trò với bác sĩ Bùi Huy Thiện, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn (Thái Bình) như một thước phim quay chậm với đầy đủ những nước mắt, nụ cười, những xúc cảm bị dồn nén với sự kính phục tấm lòng của một người bác sĩ.
BS. Thiện thăm hỏi, trò chuyện với bệnh nhân.
Bán quần áo theo học nghề y...
Ông đến với nghề y bằng ý nghĩ rất đơn giản, ông muốn tự chăm sóc, chữa bệnh cho người thân của mình, chỉ khi nào ốm nặng quá mới phải vào viện. Bởi ông vẫn nhớ như in những ngày vào chăm sóc mẹ trong bệnh viện. Nhà thì nghèo, tiền thuốc thang điều trị không có, nói gì đến ăn uống bồi bổ. Trong khi giường bên cạnh thì bệnh nhân được tầm bổ hết thức này đến quả kia. Họ tốt bụng mời mẹ của ông ăn thì lại ngại vì gia đình ông chưa bao giờ mời họ được một miếng nước nào. Cũng chỉ vì ngại quá mà từ đấy, mỗi khi thấy giường bên có khách là mẹ của bác sĩ Thiện lại phải giả vờ đi ra hành lang cho thoáng, kỳ thực là trốn, để họ không mời mình ăn nữa.
Những ngày nhập ngũ, chàng trai Huy Thiện vẫn không quên những ám ảnh đói nghèo trong bệnh viện. Anh học mỗi khi có thể, bất kể ngày đêm. Cứ lúc nào có thời gian là Huy Thiện lại đi vòng quanh nơi đóng quân để mượn sách của những học sinh trong làng, tự ôn luyện. Đến lúc ra quân, được chuyển ngành về làm việc ở Nhà máy tinh chế gỗ Thái Bình, Thiện cũng vừa làm thợ mộc vừa tiếp tục ôn thi vào đại học. Năm 1978, Huy Thiện thi đỗ cả 2 trường: Đại học Y Hà Nội và Đại học Y Thái Bình. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, Thiện đã quyết định học tại Trường đại học Y Thái Bình.
Thời kỳ học tập thực sự khó khăn với Thiện, đến mức anh đã phải bán tất cả số quần áo, mũ, giầy bộ đội đã cất giữ được từ thời kỳ vào sinh ra tử ở chiến trường ác liệt nhất để lấy tiền theo học. Ngoài giờ học, Thiện còn tranh thủ làm thêm chạn bát, tủ gỗ để kiếm tiền trang trải học hành. Khi không có việc để làm, anh lại đi đánh giậm để kiếm con tôm, con cá về bán... Bác sĩ Thiện còn kể, ngày ấy đi học chỉ có duy nhất 1 bộ quần áo, cứ đi học về là thay ra để giặt cho sạch, ngày mai mặc tiếp. Nhưng một lần đi kéo xe mùn cưa về đun, vì mệt quá nên Huy Thiện không để ý, chiếc áo bị rơi lúc nào không biết. Về đến nhà, Thiện tiếc đứt ruột, khóc liền 3 ngày, 3 đêm. Anh bảo với mẹ “không biết đời con có mua được cái áo như thế không”? Lúc đó Thiện tủi thân lắm, chỉ vì nhà nghèo mà khổ sở, vất vả thế. Sự khó khăn này càng hun đúc quyết tâm học hành của chàng trai nghèo khó. Anh học chỉ với một mục tiêu duy nhất “trở thành bác sĩ giỏi và giúp đỡ được nhiều người nghèo khổ như mình”.
Cả xóm có mỗi mình Thiện theo học đại học nên cả nhà đợi chờ ngày Thiện ra trường, chính thức được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng. Không ngờ, vừa ra trường là Thiện đi biền biệt, không cho gia đình biết mình công tác ở đâu hoặc khi bị hỏi gắt quá, anh bịa ra một trạm y tế nào đó xa xa nhà mình để người nhà khỏi nghi ngờ... Có ai biết anh đã âm thầm đi... tiền trạm ở Trại phong Văn Môn và quyết định gắn bó cuộc đời mình với những người khốn khổ ấy dù anh thuộc lòng những giai thoại kinh khủng nhất về người bị phong.
Bác sĩ Thiện cười hiền, chia sẻ: “Ngày ấy tôi nghĩ đơn giản lắm, họ khổ cũng giống như mình khổ vì đói nghèo ngày xưa. Mình sẽ phải cố gắng chịu đựng để giúp đỡ họ, nếu nhỡ bị lây bệnh sẽ không về quê nữa, sẽ ở hẳn nơi đó sống cùng người bệnh phong”. Dù đã chuẩn bị tinh thần trước cho mình nhưng chàng thanh niên Huy Thiện vẫn rợn tóc gáy vì sợ hãi khi bước chân vào làng phong. Bởi bệnh nhân, người thì méo mồm, người thì tay chân cụt hết, toàn thân lở loét, bôi thuốc xanh, thuốc đỏ, vi trùng tràn ngập cơ thể... “Cảm giác đầu tiên là tôi quá sợ hãi, tưởng như có thể quay chân bỏ chạy” - bác sĩ Thiện nói mà ánh mắt hướng ra xa, có lẽ ông đang hồi tưởng những cảm giác kinh khủng ngày xưa. Nhưng rồi nghĩ về những ngày gian khổ chiến đấu ở chiến trường, đối mặt với sinh tử còn không sợ, tại sao phải sợ những người bệnh khốn khổ, chỉ biết ngồi chờ chết như thế... Dần dần anh trấn tĩnh lại, nhìn họ bằng ánh mắt ấm áp hơn. Lúc đấy, anh lại thấy họ thật đáng thương.
Bác sĩ Thiện nhận Giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc.
Thấy bác sĩ như thấy người hủi...
Sau một tháng “làm thử” ở trại phong Văn Môn, bác sĩ Thiện mới chính thức nhận quyết định về làm việc tại khu điều trị này. Giấu bặt quyết định công tác, bác sĩ Thiện cứ âm thầm làm việc, tiếp xúc và chăm sóc bệnh nhân phong. Sau 4 năm công tác tại trại phong, năm 1986, khi cơn bão làm đổ nhà ở, đồng nghiệp ở cơ quan đến thăm, bố mẹ, vợ con ông mới biết ông làm việc tại Khu điều trị phong Văn Môn. Mẹ bác sĩ Thiện gần như ngã quỵ, bởi thằng con trai ngoan ngoãn, là niềm tự hào của bà lại làm việc ở cái nơi “không ai muốn đến”. Bà khóc ròng rã vài tháng, luôn bắt con trai mình phải bỏ trại phong, về làm ruộng, bắt cá cũng được. Vợ bác sĩ Thiện còn buồn đến mức không thèm chuyện trò với chồng. Rồi tất cả xóm làng, bạn bè cũng biết và nhìn ông với con mắt khinh thường. Thậm chí, đi ăn cỗ không ai dám ngồi gần những người trong gia đình ông khiến không khí gia đình ông ngày càng nặng nề hơn. Ông tâm sự: “Tôi đau lắm chứ, bao nhiêu năm sống với láng giềng, hàng xóm, giờ họ coi tôi, coi cả nhà tôi như những người bị bệnh hủi”.
Mặc kệ người đời xa lánh, bố mẹ vợ con buồn tủi, bác sĩ Thiện vẫn quyết gắn bó với trại phong. Ông học thêm, đọc sách mỗi khi có thời gian rỗi. Tay nghề dần dần lên, có tiếng với bà con trong khu vực nên dù biết ông làm ở trại phong, người ta vẫn “mượn” ông chữa bệnh. Ông kể, mỗi khi ông đến nhà bệnh nhân để khám bệnh, họ có mời uống nước ông cũng không dám uống vì biết người ta sẽ vứt bỏ cái chén mình vừa uống. Hoặc cũng không dám ngồi dù rất mỏi vì họ cũng sẽ vứt cái ghế mà ông đã ngồi. Khi có người thấy ông khổ quá, đi chữa bệnh cho họ mà chỉ đứng, không ngồi, không dám uống nước, họ lên tiếng thắc mắc. Lúc đấy, ông mới dám chia sẻ rằng, ông sẽ rất buồn nếu uống xong nước gia đình vứt chén đi, ngồi xuống ghế, gia đình sẽ lại mất tiền mua ghế khác. Thà ông chịu đựng một chút, còn hơn để bệnh nhân của mình lại tốn kém mua đồ mới bởi ông thông cảm được với cái nhìn kỳ thị của người đời.
Ông bảo, đến bây giờ, ông vẫn nhớ những ngày đầu về trại phong, ông đã đói lả đến thế nào vì không dám ăn trưa ở đấy, phải nhịn đến tối về nhà mới ăn hoặc những lúc đi tiểu, đại tiện, ông phải ra tận ngoài bờ đê để tìm chỗ giải tỏa vì sợ bị lây bệnh. Nhưng vì đã quyết định gắn bó với trại phong, ông phải dần tự thay đổi mình. Ông mạnh dạn gần gũi với bệnh nhân hơn, bắt đầu ăn với họ từng bắp ngô, củ khoai luộc, thậm chí ăn cơm với gia đình ở làng phong.
Trong một lần chuyện trò với Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Hóa, Giám đốc Khu điều trị phong Quỳnh Lập (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) ông được khuyên, nếu muốn giúp cho bệnh nhân phong đỡ khổ, giúp bệnh nhân xóa được rào cản phân biệt đối xử thì ông phải đi học thêm về nghề cho thật tốt. Không ngần ngại, ông lại quyết tâm đi học mặc dù ở đó không ai nghĩ đến chuyện nâng cao tay nghề, vì quá nghèo và khó khăn. Đến bây giờ ông vẫn ám ảnh về những cơn phản ứng phong làm bệnh nhân quằn quại đau đớn, sốt và gây nhiều di chứng ngũ quan tứ chi. Rồi hình ảnh những bệnh nhân bị người nhà cho vào quan tài, kéo đến cổng trại phong để ở đó rồi trốn luôn, mặc kệ sự sống chết của người thân... Rồi cả những người mon men đến gần trại phong là quay đầu chạy như ma đuổi vì sợ con virut chạm đến người mình... Tất cả những ký ức đau buồn ấy càng làm ông thương hơn những người bệnh của mình, càng làm ông nung nấu ý định đưa bệnh nhân hòa nhập cộng đồng, để họ được đối xử công bằng như bao nhiêu người khác.
Ông giám đốc nông dân...
Không ngừng rèn luyện chuyên môn, đối xử với người bệnh như người thân, ông được đánh giá cao và được đề bạt làm Trạm trưởng, rồi Giám đốc Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn khi trại phong được nâng cấp thành bệnh viện.
Ý thức được sứ mệnh của mình và với mong muốn cải thiện đời sống bệnh nhân, giúp họ hòa nhập với cộng đồng, ông đã động viên cán bộ trong cơ quan chịu khó học hành, tăng cường quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế, để tạo kinh phí xây dựng cơ sở vật chất ngày càng khang trang. Ngoài ra, ông còn đôn đốc, tăng cường đào tạo chuyên môn, xây dựng thương hiệu bệnh viện để thu hút mọi người đến khám, chữa bệnh về chuyên ngành da liễu và cấp cứu cho bệnh nhân vùng lân cận.
Chính bằng cách này, ông đã từng bước nâng tầm bệnh viện, góp phần xóa rào cản, giúp bệnh nhân phong hòa nhập cộng đồng. Tiếng lành đồn xa, các đoàn từ thiện, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước dần dần tìm về Văn Môn để sẻ chia với người bệnh. Bệnh viện có kinh phí để xây dựng nhà chùa, giúp bệnh nhân có nơi tụng kinh niệm Phật hoặc được an ủi mỗi khi phiền lòng. Điều khiến ông tâm đắc nhất chính là việc bây giờ con em bệnh nhân phong được thoải mái học hành, đỗ đạt thành tài. Bởi ngày ông mới về trại, để bọn trẻ con trong trại muốn được đi học, ông phải đi vận động bà con trong xã Vũ Vân nhận chúng làm con nuôi mới có thể đến trường.
Không chỉ khám chữa bệnh, ông còn trăn trở, suy nghĩ tìm cách nào đó giúp đỡ người bệnh thuận lợi hơn trong sinh hoạt hàng ngày như chế tạo dụng cụ trợ giúp bàn tay, bàn chân cho bệnh nhân phong trong sinh hoạt hay nghiên cứu, thiết kế chân giả cho người bệnh phong, lắp đặt hệ thống báo chuông điện cho người bệnh không đi lại được để thông tin cho thầy thuốc khi cần sự trợ giúp... Ông chú trọng đến việc nâng cao đời sống tinh thần cho người bệnh như thành lập câu lạc bộ thơ, ca, hò, vè; liên hệ với các hội khuyết tật, câu lạc bộ văn hóa văn nghệ đua xe lắc, xe lăn để giao lưu, sáng tác tiểu phẩm, hát chèo, ca nhạc để bệnh nhân hát tặng các hội từ thiện, giúp họ hòa nhập cộng đồng tốt hơn, đồng thời giảm mặc cảm cho người bệnh. Đặc biệt, công trình vệ sinh giúp người bệnh tàn tật của ông đã đạt được Giải thưởng Vifotec. Ông bảo, có những bệnh nhân phải đi hai chân giả, không có bàn tay, không có tiền mua giấy vệ sinh nên họ rất khốn khổ, ông chỉ muốn giúp họ đỡ vất vả hơn trong mỗi hoạt động cá nhân, không nghĩ đến chuyện thi thố, giải thưởng.
Nhìn cách ông tiếp xúc, chuyện trò với người bệnh mới thấy hết được cái chất nông dân khắc khổ trong con người ông. Tận tình hỏi han từng thứ một, xuýt xoa trước mỗi một biến đổi tích cực ở người bệnh... Đến bây giờ, khi đã về hưu, ông vẫn thấy lo lắng cho bệnh nhân phong, không biết trong xu hướng phát triển hiện nay, đời sống của họ có được cải thiện không? Mỗi khi có dịp về lại khu điều trị, ông lại mượn xe máy của cán bộ trong viện, dành cả ngày đi thăm những bệnh nhân thân thiết, những người dường như đã trở thành ruột thịt của ông sau 32 năm gắn bó...
Lê Ngọc Tú