Hà Nội

Người Anh hùng đất Mũi

20-07-2017 16:14 | Xã hội
google news

SKĐS - Nơi đây một con người ghi dấu ấn trong lịch sử về bài ca giữ đất, bảo vệ non sông Tổ quốc, mãi mãi bất tử. Đó là liệt sĩ Anh hùng Phan Ngọc Hiển.

Đất mũi Cà Mau luôn luôn xanh tươi với thời gian. Diện tích mỗi ngày một mở rộng. Rừng đước, rừng tràm mỗi ngày một ngát hương. Con sông Cửa Lớn ôm chặt lấy miền đất trẻ cuộn sóng ngày đêm chảy ra biển Đông. Và nơi đây một con người ghi dấu ấn trong lịch sử về bài ca giữ đất, bảo vệ non sông Tổ quốc, mãi mãi bất tử. Đó là liệt sĩ Anh hùng Phan Ngọc Hiển.

Âm vang chiến công Hòn Khoai

Cụm đảo Hòn Khoai cách đất liền chừng 14,50km, thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đó là một dấu mốc tiền tiêu cho mảnh đất non trẻ được hình thành theo thời gian. Hoang vu, mang nét đẹp thần tiên ẩn giấu với bãi cát vàng trải dài kỳ thú. Cùng với đó là những bãi đá trứng tròn sắp đặt tự nhiên yên hòa dưới làn nước xanh trong bất tận. Sóng vỗ hiền hòa. Ngọn núi điệp trùng rậm rạp và cô đơn giữa biển khơi. Hòn Khoai chỉ cao hơn 300m, với cây đèn biển cục mịch, cần mẫn ngày đêm chiếu sáng về phía chân trời. Ngày ấy còn u tịch hoang vu lắm. Khi thầy giáo Phan Ngọc Hiển ra mở trường dạy học, đảo chỉ có độ mươi người, chủ yếu là những nhân viên trông coi đèn biển trên đỉnh núi, dưới sự chỉ huy của tên sĩ quan Pháp, tên là Oliver. Đó là câu chuyện cách đây 77 năm...

Bia tưởng niệm nơi liệt sĩ Anh hùng Phan Ngọc Hiển bị xử bắn cùng đồng đội.

Bia tưởng niệm nơi liệt sĩ Anh hùng Phan Ngọc Hiển bị xử bắn cùng đồng đội.

Trước đó, thầy giáo trẻ Phan Ngọc Hiển (sinh năm 1910, tại Cần Thơ) bị thực dân Pháp đầy ra miền biên ải biển Đông, xứ sình lầy đất mũi, năm 1931. Bởi khi đang học trường sư phạm, sinh viên Phan Ngọc Hiển đã tỏ ra có tư tưởng kháng Pháp, tham gia các phong trào biểu tình khích lệ tinh thần yêu nước, độc lập tự do. Phan Ngọc Hiển bị kỷ luật nghỉ học mấy lần, nhưng cuối cùng vẫn tốt nghiệp với điểm tối ưu. Để triệt hạ tư tưởng cách mạng của tuổi trẻ, chúng đày ông ra tận Rạch Gốc, vùng đất mũi Cà Mau. Đây là mảnh đất ba bề bị biển Đông bao bọc và ngăn cách đất liền bởi con sông Cửa Lớn, rộng hàng trăm mét. Chúng nghĩ nơi đây toàn muỗi và đỉa, vắt cùng sình lầy, người dân thưa thớt, thầy giáo trẻ Phan Ngọc Hiển chẳng thể gây loạn. Mảnh đất mới khai sinh này đúng là muôn vàn khó khăn như câu ca dao đã từng nêu: “Xứ đâu hơn xứ canh điền. Muỗi kêu như sáo, đỉa lội lềnh như bánh canh”. Còn nữa, xứ cồn bị cô lập này ghê rợn với mọi người: “Đến đây lạ xứ, lạ làng. Con chim kêu cũng sợ, con cá vẫy vùng cũng kinh”. Ấy là còn chưa nói đến những hiểm nguy luôn rình rập: “Cà Mau khỉ khọt trên bưng. Dưới sông Sấu lội, trên rừng Cọp um”. Vậy mà thầy giáo trẻ Phan Ngọc Hiển đã đi vào từng gia đình vận động cho con em đi học. Đặc biệt, thầy còn tuyên truyền lòng yêu nước cho từng học trò. Không khí học tập luôn sôi nổi với những câu chuyện về anh hùng dân tộc, hay gương hy sinh vì Tổ quốc, giành độc lập tự do. Thầy giáo Phan Ngọc Hiển còn liên lạc với những đồng chí lãnh đạo Đảng và học tập đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương, theo đuổi lý tưởng giải phóng ách thống trị bằng sức mạnh toàn dân. Mấy năm trời, nơi mảnh đất hoang vu bỗng trở nên rạo rực sức sống, không khí khác lạ hồi sinh.

Thấy không ngăn chặn được lý tưởng cách mạng và sức tuyên truyền sâu rộng của người thầy giáo trẻ, giặc Pháp đã ra lệnh cấm ông không được tiếp tục dạy học. Nhưng ý chí mãnh liệt của thầy giáo Phan Ngọc Hiển đã vượt qua mọi nhọc nhằn. Năm 1935, ông chuyển sang viết báo, tham gia hoạt động trực tiếp với tổ chức cách mạng và được kết nạp vào Chi bộ Đảng thị Cà Mau. Ông chuyên viết cho một tờ báo tiến bộ ở Sa Đéc, với những bút ký, phóng sự đặc biệt về giới cần lao. Ông còn sáng tác truyện ngắn và thể hiện thái độ sắc bén của mình qua những bài chính luận đầy thực tiễn. Chính vì tài năng xuất sắc của một cây bút trẻ, ông được Xứ ủy Nam Kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương điều về Sài Gòn làm báo “Liên đoàn lao động”, thuộc Công hội đỏ Nam Kỳ, vào năm 1937.

Không khí hoạt động cách mạng sục sôi, mỗi ngày một phát triển, tuy còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng sau khi thế chiến lần thứ 2 xảy ra, tình hình Đông Dương có nhiều thuận lợi, ánh sáng của cuộc cách mạng có thể bùng nổ. Tổ chức Xứ ủy Nam Kỳ ráo riết chuẩn bị cho thời cơ khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Bọn giặc Pháp cũng ra sức khủng bố vây bắt nhiều cán bộ lãnh đạo ở Bạc Liêu (gồm cả đất Cà Mau), hòng ngăn chặn cuộc khởi nghĩa có thể xảy ra. Nhưng lực lượng cách mạng vẫn âm thầm phát triển, với sức mạnh tiềm tàng ở khắp nơi. Chủ trương của Xứ ủy Nam Kỳ vẫn có kế hoạch chuẩn bị từng bước cho cuộc khởi dậy tiêu diệt chính quyền Pháp, vào năm 1940. Đúng vào thời điểm này, tháng 6/1940, nhà báo Phan Ngọc Hiển được cử về lại Rạch Gốc, đất Mũi để hoạt động cách mạng. Đặc biệt, ông còn được phân công cụ thể, cùng với hai đồng chí trực tiếp ra đảo Hòn Khoai để tuyên truyền và gây dựng lực lượng chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa.

Khi ra đảo, Phan Ngọc Hiển đã trực tiếp xin chúa đảo Oliver cho mở lớp dạy học, mà học trò không ai khác, chính là những nhân viên gác đèn biển. Đây là những thanh niên ít học đã được thầy giáo Phan Ngọc Hiển mở mang kiến thức, đồng thời cũng được tuyên truyền ý chí cách mạng giải phóng dân tộc. Với khả năng thuyết phục tài ba, trong một thời gian ngắn, tổ chức Đảng do thầy giáo Hiển lãnh đạo đã kết nạp được mấy người. Hầu hết các nhân viên đèn biển đều giác ngộ cách mạng và nung nấu ý chí chờ đợi thời cơ tham gia cuộc khởi nghĩa. Tháng 10/1940, đồng chí Phan Ngọc Hiển được phân công lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Hòn Khoai. Không khí mỗi lúc một hăng say. Kể cả nhân viên coi kho súng và lính gác cũng đồng lòng theo sự lãnh đạo của đồng chí Phan Ngọc Hiển. Đúng 23 giờ 15 phút, ngày 13/12/1940, anh em đã bắt và giết tên Oliver, đồng thời phá kho thu toàn bộ vũ khí và đạn dược. Đây là thắng lợi đầu tiên của một cuộc chiến đấu đã được chuẩn bị chu đáo suốt hơn 6 tháng của đồng chí Phan Ngọc Hiển. Sáng hôm sau, 12 chiến sĩ vượt biển trở về Rạch Gốc và giương cao ngọn cờ đỏ búa liềm với khẩu hiệu: “Mặt trận dân tộc phản đế muôn năm” và “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”.

Chân dung Anh hùng liệt sĩ Phan Ngọc Hiển.

Chân dung Anh hùng liệt sĩ Phan Ngọc Hiển.

Ngay sau đó, đồng chí Phan Ngọc Hiển liên lạc với Ban chỉ huy khu vực 1 để cùng hợp tác tấn công giải phóng Năm Căn trong đêm 14/12/1940 theo đúng Nghị quyết của Tỉnh ủy, nhưng không được. Không ngờ, lệnh cuộc khởi nghĩa đã bị đình chỉ, bởi thời cơ bất lợi, nhưng đã không đến nơi. Đồng chí Phan Ngọc Hiển cùng các chiến sĩ đơn phương chủ động tấn công đồn thủ Tam Giang, thu được nhiều vũ khí các loại, rồi rút vào rừng phòng thủ. Quả nhiên, bọn giặc Pháp huy động quân tiến công vào Rạch Gốc, giết hại dân chúng, truy tìm quân khởi nghĩa Hòn Khoai. Sau ba ngày chiến đấu, lực lượng khởi nghĩa đã hết lương thực và đạn dược. Cuộc sống trong rừng sác vô cùng nguy hiểm. Có những phần tử dao động, nhưng đồng chí Phan Ngọc Hiển kiên quyết giữ vững tinh thần, cầm cự kéo dài cuộc chiến và hy vọng lực lượng cách mạng chi viện. Cuối cùng, đến ngày 22/12/1940, toàn bộ lực lượng còn lại cùng đồng chí Phan Ngọc Hiển đã bị địch bắt ở đầm bãi Khai Long.

Chiến công Hòn Khoai tựa tiếng sét đánh vào quân đội Pháp. Đó là sự cảnh báo, một đế chế xâm lược đến ngày tàn lụi, bởi ý chí cách mạng ngày càng lớn mạnh. Cho dù cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ gặp khó khăn, nhưng gương sáng của chiến sĩ cách mạng Phan Ngọc Hiển cùng với các đồng đội bị giặc Pháp xử bắn, đã trở thành bản hùng ca sáng chói cho dân tộc Việt Nam. Trước khi bị hành hình, đồng chí Phan Ngọc Hiển đã dõng dạc tuyên bố: “Những người cộng sản coi cái chết rất bình thường. Chúng tôi sẵn sàng chết để tranh đấu cho đồng bào được ấm no. Nhất định những người kế tục chúng tôi sẽ tiêu diệt được thực dân Pháp! Nhất định Việt Nam sẽ được độc lập”. Liệt sĩ, Anh hùng Phan Ngọc Hiển đã hy sinh cho cách mạng, khi vừa tròn 31 tuổi đời. Chính vì thế ngày 13/12 hàng năm, xuất phát từ ngày chiến thắng khởi nghĩa Hòn Khoai (13/12/1940), đã trở thành Ngày Truyền thống cách mạng của tỉnh Cà Mau. Và mảnh đất kiên cường, nơi đầu sóng ngọn gió Cà Mau đã được đặt tên ông, huyện Ngọc Hiển.

Hát mãi bài ca đất Mũi

Mới đây, chiếc cầu vượt sông Cửa Lớn từ Năm Căn nối liền đường Hồ Chí Minh tới tận xóm mũi Cà Mau, đã làm thay đổi diện mạo của mảnh đất Ngọc Hiển. Con đường mới đã xóa đi cái cảnh những cô gái: “Theo chồng về chốn bưng biền. Thấy bông điên điển nghiêng mình nhớ quê. Lấy chồng xa rất khó về. Hết mùa điên điển, đường quê còn dài”. Bãi biển Khai Long, nơi người anh hùng Phan Ngọc Hiển cùng đồng đội đã bị địch bắt, giờ đã được cải tạo thành địa chỉ du lịch mới,  nước biển xanh trong hiền hòa đón khách. Bãi cát vàng nơi đây thật kỳ lạ, cứ mỗi ngày lại rộng thêm lan ra biển. Ngỡ như nó đang bò dần ra cụm đảo Hòn Khoai.

Một miền đất mới sẽ được khai sinh trong tương lai đúng như cái tên của nó Khai Long. Hình ảnh tháp hải đăng Hòn Khoai thấp thoáng gọi mời nhìn về đất mũi Cà Mau. Đêm đêm, ánh sáng đèn biển chiếu rọi tới miền khơi xa, như ánh mắt gửi về đất liền. Bởi nơi đó là mảnh đất mang tên anh hùng Phan Ngọc Hiển và cũng là nơi mà nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Đước đã mọc thành rừng gỗ cứng. Gió càng lay càng vững thành đồng”. Bài ca về đất Mũi trẻ trung bất tận cùng sóng biển dào dạt ngày đêm. Con sông Cửa Lớn mỗi ngày một vạm vỡ, như mảnh đất mũi Cà Mau anh hùng, kiên trung trước biển Đông dậy sóng.


Bài và ảnh: Tào Phong
Ý kiến của bạn