Dù đã gần 20 năm cảnh "gà trống nuôi con" một mình với ba đứa con nhỏ khi người vợ yêu quí của ông là bác sĩ Nguyễn Thị Kim Lê đã đột ngột ra đi vào năm 1990 do một cơn tăng huyết áp kịch phát, lúc bà đang là Trưởng khoa Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang, Anh hùng Lực lượng vũ trang Sơn Ton vẫn không nản chí. Ông đã quyết tâm chăm lo nuôi dạy các con ăn học nên người.
Anh hùng Sơn Ton sinh năm 1930 trong một gia đình nông dân Khmer nghèo ở xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Từ nhỏ, cậu bé Sơn Ton rất căm ghét giặc Pháp và tay sai, địa chủ đã giết hại và bóc lột đồng bào mình ngay tại quê hương. Hơn 10 tuổi, ông đã cùng gia đình về định cư ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Trà Vinh và xin tham gia du kích để được đánh Tây. Anh du kích trẻ Sơn Ton rất có tài gài bẫy lựu đạn nên đã được bà con ở Cù Lao Dung tặng cho danh hiệu "vua lựu đạn". Từ trái dừa tươi, cây mía, con gà... dưới bàn tay của anh du kích Sơn Ton đều trở thành những cái bẫy giết giặc rất hiệu quả.
Anh hùng Lực lượng vũ trang Sơn Ton. |
Tuổi trẻ anh hùng
Cách mạng tháng Tám thành công, lúc ấy Sơn Ton 15 tuổi, đang đi ở đợ. Với nhiệt tình hăng hái của tuổi trẻ, chàng thanh niên tuy vẫn phải làm việc quần quật suốt ngày hầu hạ nhà chủ, nhưng vẫn tích cực tham gia công tác xã hội. Anh làm người canh gác, phá đường ngăn cản địch. Trong một thời gian dài, Sơn Ton vừa chiến đấu, vừa tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức dân quân du kích chiến đấu trong vùng đồng bào Khmer. Trình độ có hạn, địch thường xuyên càn quét đánh phá, tuyên truyền gây hiềm khích chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, lúc bấy giờ cơ sở Đảng chưa có, nhưng Sơn Ton đã kiên trì vận động nhân dân, vạch rõ âm mưu giặc, tổ chức thanh niên người Khmer quyết tâm đứng lên cầm súng chống Pháp, bảo vệ xóm làng. Dần dần Sơn Ton đã xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng tốt, nhiều tổ đội du kích, duy trì và phát triển phong trào chiến tranh du kích trong vùng đồng bào dân tộc Khmer ngày một vững chắc. Một lần lãnh đạo xã đang họp, có cán bộ tỉnh về dự, địch bao vây và xông vào bắn phá, một mình Sơn Ton dũng cảm chiến đấu bắn chặn, cầm cự với giặc để hội nghị rút an toàn.
Đầu năm 1952, địch thường xuyên đưa quân vào xã càn quét, có máy bay và pháo tầm xa bắn phá yểm trợ, đội du kích của ông vẫn kiên cường chiến đấu. Cuối năm đó, địch tiếp tục kéo đến càn quét, ông tổ chức gài lựu đạn rồi dụ chúng vào, tiêu diệt nhiều tên, đồng bào vô cùng phấn khởi vì phong trào du kích xã mạnh lên. Thời kỳ này, ông đã tổ chức được 15 trung đội dân quân và 15 tiểu đội du kích thường xuyên tập luyện sẵn sàng đánh địch.
Năm 1953, ông được cử lên đội du kích tập trung của huyện Long Phú để xây dựng cơ sở và phát triển lực lượng. Chỉ trong vòng hơn 7 tháng, đơn vị của ông đã tiêu diệt 67 tên địch và bắt sống 100 tên, thu 43 súng, vận động được nhiều binh lính về với nhân dân và động viên được 50 thanh niên trong các phum sóc tòng quân đánh giặc. Trước tình hình giặc lùng sục khủng bố ác liệt, đội du kích của Sơn Ton có nguy cơ bị xóa sổ. Cả đội chỉ còn Sơn Ton và một cán bộ xã đội, nhưng suốt 2 năm liền, hai anh em vừa bảo vệ vũ khí, vừa tuyên truyền gây cơ sở, vừa chiến đấu chống giặc. Lúc này, ông là Tiểu đội trưởng đặc công thuộc Trung đoàn 3 bộ đội miền Tây Nam Bộ và vinh dự được kết nạp Đảng. Do tinh thần tích cực, dũng cảm, tác phong gương mẫu, khiêm tốn, giản dị, Sơn Ton rất có uy tín với đồng đội và nhân dân địa phương, ông đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 4 lần được huyện, tỉnh và miền khen, là Chiến sĩ thi đua giết giặc lập công của Phân liên khu miền Tây Nam Bộ, năm 1953 được tặng Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc.
Năm 1954, ông được phân công theo đoàn 12 chiến sĩ thi đua của miền Nam tập kết ra Bắc. Ông được điều động lên Sơn Tây học tập đội hình duyệt binh để chuẩn bị đón Trung ương Đảng về Thủ đô Hà Nội.
Tháng 8/1955, khi đang học tại Trường Lục quân ở miền Bắc, ông được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau thời gian học tập tại Trường Lục quân, ông được điều động về Sư đoàn 338 đóng tại Xuân Mai (Hà Đông) với cấp bậc Thiếu úy, giữ chức Trung đội phó thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 3, có nhiệm vụ xây dựng lực lượng quân đội chính quy, rồi chuyển sang làm công tác huấn luyện bộ đội đi B phục vụ chiến trường miền Nam.
Bác Hồ với anh hùng chiến sĩ miền Nam |
Niềm vinh dự 7 lần được gặp Bác
Nhưng có lẽ niềm vinh dự và tự hào nhất đối với Sơn Ton là trong cuộc đời, ông đã 7 lần được gặp Bác. Nhân dịp tham dự Đại hội Thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1955, ông được gặp Bác Hồ trong buổi thảo luận tổ, trong tổ còn có Anh hùng Núp là người dân tộc Bahnar, Tây Nguyên. Ông xúc động kể lại: "Khi nghe Bác hỏi, trong đợt tuyên dương Anh hùng vừa rồi có một cháu là người Khmer Nam Bộ thì tôi đứng nghiêm và nói: "Dạ thưa Bác, chính cháu là người dân tộc Khmer ở Nam Bộ". Bác hỏi thăm từ cái ăn, cái mặc cho đến sinh hoạt học tập, rồi quay sang hỏi các anh em dân tộc thiểu số trong tổ có hiểu hết từ ngữ của những vấn đề đang thảo luận không... Khi được Bác hỏi: "Thế cháu có biết chữ Pali không?". Ông thành thật trả lời: "Thưa Bác, cháu chưa được học chữ Pali!". Ngay sau đấy, Bác cười và nói bằng tiếng Khmer rằng nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia đoàn kết đánh đuổi thực dân Pháp. Sơn Ton quá bất ngờ khi nghe Bác nói tiếng Khmer và trả lời với Bác là hiểu được. Sau đó Bác dặn dò ông phải học chữ Khmer để dùng làm phương tiện kêu gọi đồng bào Khmer đồng lòng đánh đuổi giặc thù, cứu nước. Dù chỉ được gặp Bác trong khoảng thời gian rất ngắn, nhưng ông cảm thấy rất hạnh phúc, cảm thấy rất gần gũi với vị Cha già kính yêu của dân tộc.
Đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, Anh hùng Sơn Ton được điều về Quân khu 9 phụ trách Phó ban Chính sách của Tỉnh đội Hậu Giang. Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông được phân công làm trợ lý chính sách cho Đoàn 978 của Quân khu 9 tình nguyện sang Campuchia giúp nước bạn chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot.
Cuối năm 1980, ông trở về đơn vị cũ thuộc Tỉnh đội Hậu Giang, ba năm sau, ông về hưu với cấp bậc Trung tá. Tại nơi cư trú, có thời gian ông là Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh Khu vực 3, phường An Hội, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Ông là người rất nhiệt tình giúp đỡ các hội viên cựu chiến binh và bà con chòm xóm phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Dù nay đã thuộc lớp người ở vào tuổi "cổ lai hy", Anh hùng Sơn Ton ngồi nhớ lại những năm tháng chiến tranh ác liệt cùng thời khó khăn của kinh tế bao cấp. Ông không cầm nổi nước mắt khi nghĩ về người bạn đời thân yêu đã cùng ông chia sẻ và vượt qua những năm tháng ấy.
Thạch Định