Vốn được sinh ra từ một làng quê nghèo xứ Nghệ, tuổi thơ của Võ Thị Hảo gắn liền với nắng và gió Lào cùng những chú mèo mướp nằm bếp tro của mẹ. Một thế giới hiện hữu mà tựa hồ như cổ tích của cô gái với thân hình bé nhỏ này. Chạy nhảy, chơi trốn tìm, chui vào rơm rạ, trồng cây chuối và làm bạn với những chú mèo là sở thích của phần đông các cô bé như Hảo sống ở những vùng quê.
Khởi nghiệp
Năm 1973, Võ Thị Hảo ra Hà Nội học Đại học Tổng hợp Văn, chuyên ngành Hán - Nôm. Thế nhưng Võ Thị Hảo lại chọn văn chương làm nơi "ẩn náu" cho mình.
Năm 1993, với sự xuất hiện lần đầu tập truyện ngắn Biển cứu rỗi, Võ Thị Hảo như muốn đoạn tuyệt cuộc chiến súng đạn, đầu rơi máu chảy, chết chóc hy sinh, anh hùng và chiến thắng đã qua. Chị quyết định khai chiến với hòa bình, một thứ hòa bình bắt đầu bằng con số không, ngoài sự chói lóa của những hào quang quá khứ còn ánh xạ lại, ru cho không ít người cam chịu ngủ yên trong nghèo đói. Một số người khác thì quẫy cựa tìm lối thoát, nhưng không dễ tìm ra ngay một sớm một chiều. Số còn lại quay lưng chửi đổng, cạnh khóe những điều mà một thời chính họ đã tôn thờ, theo đuổi, nhưng hôm nay họ cảm thấy hình như mình bị một ai đó lừa dẫn độ vào chốn đói nghèo, lạc hậu. Vậy là cuộc chiến dưới bầu trời xanh hòa bình giữa "quân ta" và "quân mình" xem ra cũng cam go không kém. Các giá trị về lối sống, nhân cách và đạo đức bị đảo lộn, quan niệm về chủ nghĩa anh hùng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cũng dần bị đổi thay...
Nhà văn Võ Thị Hảo. |
Nợ văn chương phải trả bằng... cười
Thời thân gái dặm trường đã qua, sức vóc nữ nhi không mấy, Võ Thị Hảo chọn cho mình con đường đòi "lợi quyền" bằng tiếng cười văn chương. Âu đấy cũng là thuận duyên, hợp với tính cách của một cô gái như Hảo. Nhưng có lẽ ít ai miêu tả nhiều, tỉ mỉ các cung bậc, sắc thái khác nhau của cái cười trong văn chương đến như Hảo:
"Đôi mắt biểu lộ một nỗi đau khổ bất thường như đã đông cứng. Còn cái miệng thì trớ trêu làm sao, luôn mỉm một nụ cười bất biến [...] Nụ cười ấy giữa khuôn mặt ấy, thật là một nghịch lý, như là đang khóc với nỗi đau xé ruột mà có kẻ tàn ác nào đó cứ nhất định cù vào nách cho ta phải cười rũ ra mới thôi" (Người gánh nước thuê). Đến nụ cười lạnh như thép của người chinh phu không biết cười: "Người chồng cố hết sức để mỉm cười. Đã lâu lắm rồi anh không làm cử chỉ đó nên bây giờ anh không biết bắt đầu một nụ cười như thế nào. Khó nhọc lắm, anh mới nhớ ra rằng, khi cười, người ta phải để lộ ít nhất là một hàm răng. Anh nhếch môi, để lộ hai hàm răng chắc khỏe. Nhưng anh quên rằng, khi người ta cười, chính đôi mắt cười trước, cái miệng cười sau, thậm chí chỉ cười bằng mắt cũng đủ. Mà đôi mắt muốn cười, trước hết tâm hồn phải cười đã, cho nên, cố gắng để mỉm cười, trông anh lại thêm vẻ dữ dằn đe dọa của một con sói" (Hồn trinh nữ).
Dường như Võ Thị Hảo bước lên văn đàn để cười, cười đến rũ người ra, cười xé gan, nát ruột, cười để cho thiên hạ thấy rằng thế hệ cô không còn muốn khóc nữa, vì còn đâu nước mắt. Nước mắt đã bị vắt kiệt cho bom đạn chiến tranh, những cuộc chia ly và những lần đoàn tụ... rồi. Đến khi hòa bình, lấy đâu nước mắt mà khóc nữa, đành cười vậy thôi. Nhưng ô hay, cười mà có khi còn chảy nhiều nước mắt hơn là khóc mới lạ chứ. Nhưng nếu không biết cười, thiên hạ sẽ cho rằng mình là người vô duyên, cái gì cũng cười. Người ta khóc ba năm không sao, nhưng chẳng ai cười được ba ngày. Cái cười của Võ Thị Hảo trong các trang văn có vị đắng chát, ngặt nghèo pha lẫn sự uất nghẹn. Cười được đến như thế hẳn chẳng mấy ai.
Trong truyện ngắn Rừng cười, Võ Thị Hảo mô tả những cái cười méo mó man dại của chiến tranh, của những cô gái Trường Sơn mà "những dòng nước khe màu đen xanh thớ lợ đã dần dà vặt trụi tóc họ". Ở đây không có liệt oanh, anh hùng và chiến thắng, chỉ có rừng với người vượn lõa thể, vừa cười vừa khóc, tay dứt tóc xé quần xé áo. Ở đây chỉ có những nụ cười sằng sặc quánh đặc lá cây của "những người đàn bà vác cày, cầm súng, đi lấp hố bom", "bị buộc phải trở thành đàn ông". Và người con gái duy nhất may mắn sót lại trong "rừng cười" sẽ mãn kiếp bị loại khỏi vòng tình ái, chỉ sống với những giấc mơ triền miên về mái tóc đã bị rừng già cướp giật..
Cái cười của Võ Thị Hảo dường như đoạn tuyệt với những cái cười không thực bụng. Cô gái xứ Nghệ này sinh ra như là để được cười, nhưng không biết Võ Thị Hảo thấy cuộc đời này có nhiều cái để cười thế hay là chính cái cười đã dẫn dụ cô đến chỗ "ẩn náu" an toàn trong văn chương? Chắc chỉ có Chúa mới biết!
Thụy Miên