Hà Nội

Ngừng tuần hoàn 80 phút, cụ ông vẫn sống sót ngoạn mục

06-01-2019 11:56 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa kích hoạt Báo động đỏ khẩn cấp toàn viện cứu sống cụ ông ngừng tuần hoàn sau gần 80 phút ngay trong những ngày đầu năm mới 2019.

Đây là minh chứng rõ rệt cho hiệu quả của việc triển khai hệ thống báo động đỏ, sự phối hợp cấp cứu và chất lượng hồi sức cấp cứu trong toàn bệnh viện.

Bệnh nhân là ông Nguyễn Văn Vĩnh (66 tuổi), đang điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ bỗng đột ngột lên cơn khó thở cấp tính và ngừng tuần hoàn.

Ngay lập tức hệ thống báo động đỏ của bệnh viện đã được phát đi. Một ekip các bác sĩ giỏi đến từ các khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực – Chống độc, Nội tổng hợp đã nhanh chóng tập trung và tiến hành cấp cứu, hồi sức.

Sau 80 phút kiên trì tiến hành các biện pháp cấp cứu ngừng tuần hoàn như: sốc điện, ép tim ngoài lồng ngực, các biện pháp hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn…, tim bệnh nhân đã đập trở lại. Bệnh nhân được chuyển về khoa Hồi sức tích cực – Chống độc tiếp tục các biện pháp hồi sức tích cực.

Nhờ sự phối hợp cấp cứu tích cực, bệnh nhân ngừng tuần hoàn 80 phút đã được cứu sống.

Bác sĩ Bùi Xuân Khánh - Khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: Khi tiếp nhận bệnh nhân tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân trong trạng thái hôn mê sâu, suy tuần hoàn, hô hấp, toan chuyển hóa nặng.

“Khả năng sống sót và hồi phục của người bệnh rất thấp, bởi vì thời gian của các đợt ngừng tuần hoàn liên tiếp diễn biến quá lâu gần 80 phút”- Bác sĩ Khánh nói.

Tuy nhiên với quyết tâm chiến đấu cùng người bệnh đến giây phút cuối cùng, các thầy thuốc khoa Hồi sức tích cực – Chống độc – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã lập nên những điều kỳ tích.

Chỉ sau 4 ngày điều trị bằng các phương tiện cấp cứu hiện đại như: siêu lọc máu, sử dụng thuốc vận mạch, hô hấp nhân tạo, cân bằng kiềm toan, bồi phụ nước và điện giải, chăm sóc toàn diện… bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn và không để lại di chứng.

Người nhà vui mừng vì bệnh nhân vừa từ "cõi chết" trở về.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân.

Nhìn nụ cười của bệnh nhân và người nhà, cùng họ trải qua những giờ phút sinh tử, giành giật sự sống từ tay tử thần, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực – Chống độc không giấu nổi niềm vui và hạnh phúc khi vừa giúp hồi sinh một sự sống.

Theo các bác sĩ, ngừng tuần hoàn là trạng thái tim ngừng cung cấp máu cho cơ thể, đặc biệt là các cơ quan quan trọng như não, tuần hoàn vành, phổi...

Nó có thể xảy ra đột ngột trên một quả tim hoàn toàn khoẻ mạnh như trong các tai nạn do điện giật, đuối nước, sốc phản vệ, đa chấn thương... Nhưng cũng có thể là hậu quả cuối cùng của một bệnh lý mạn tính giai đoạn cuối như ung thư, xơ gan, suy tim, suy thận...

Để xử trí bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngoài viện, người chứng kiến cần phát hiện nhanh tình trạng ngừng tuần hoàn với 3 dấu hiệu: Mất ý thức, ngừng thở và mất mạch cảnh. Ngay lập tức phải gọi cấp cứu 115, đặt bệnh nhân lên nền cứng, có thể dưới sàn nhà, đồng thời tiến hành ép ngực bệnh nhân: Đặt tay lên giữa ngực ép mạnh xuống, tần số nhanh khoảng 120 lần/phút, thả tay hết cỡ để ngực nở tối đa.

Nếu có thể thì phối hợp ép ngực 30 lần- thổi ngạt 2 lần. Ép ngực liên tục cho đến khi đội cấp cứu 115 đến. Không nên vận chuyển bệnh nhân rời khỏi hiện trường khi tuần hoàn chưa tái lập (chưa có mạch cảnh).

Dương Hải
Ý kiến của bạn