Ngay lập tức, bệnh nhân T được kíp trực cấp cứu khẩn trương tiến hành hồi sức tim phổi: ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng oxy qua mask, đặt nội khí quản, sốc điện, dùng thuốc vận mạch như adrenalin, noradrenalin, dobutamin, natribicacbonat... thở máy.
Sau khoảng hơn 25 phút hồi sức, bệnh nhân T có mạch, huyết áp trở lại, đồng tử co nhỏ, da niêm mạc hồng, được thở máy.
Tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết như công thức máu, khí máu động mạch, X Quang phổi tại giường… Bệnh nhân được chuyên khoa Hồi sức tích cực theo dõi và điều trị tiếp, được rút nội khí quản sau một ngày. Hiện tại, bệnh nhân T tỉnh táo, Glasgow 15đ, có thể sinh hoạt như người bình thường.
Anh T. hiện đã ngồi dậy và hoàn toàn tỉnh táo
Theo các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân được cứu sống nhờ cấp cứu ban đầu kịp thời và chính xác không để lại di chứng tổn thương các phủ tạng như: não, tim, thận...
Hồi sức tim phổi nhằm giữ cho máu cung cấp oxy được đưa đến não và các cơ quan quan trọng khác cho đến khi điều trị chuyên sâu có thể tạo nhịp tim bình thường. Khi tim ngừng đập, việc thiếu oxy có thể tổn thương não vĩnh viễn từ phút thứ 8 đến thứ 10.
Chính vì vậy, việc cấp cứu ngừng tim, ngừng thở cần tiến hành tại chỗ, khẩn trương kiên trì và đúng kỹ thuật. Khi gặp nạn nhân bị tai nạn như điện giật, đuối nước, sốc phản vệ, đa chấn thương… ngưới tiếp xúc với nạn nhân cần phát hiện người bệnh có bị ngừng tuần hoàn không.
Đối với bệnh nhân nặng, Bệnh viện Trung ương Huế đã và đang áp dụng kỹ thuật cao như: lọc máu liên tục để điều trị toan chuyển hóa nặng, suy thận cấp do tiêu cơ vân.Tim phổi nhân tạo (ECMO) nhằm sử dụng một hệ tuần hoàn để thực hiện quá trình trao đổi oxy ở bên ngoài của cơ thể để hỗ trợ và duy trì chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng.