Ngừng thở khi ngủ: Nguyên nhân, biểu hiện, điều trị và phòng bệnh

04-04-2024 09:42 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Ngừng thở khi ngủ là tình trạng luồng khí hít vào bị gián đoạn tạm thời hơn 10 giây, lặp đi lặp lại khi ngủ do tắc nghẽn đường thở hay do tổn thương thần kinh trung ương. Hội chứng ngưng thở là một rối loạn ngày càng phổ biến, có mối quan hệ đặc biệt mật thiết với bệnh béo phì.

Dấu hiệu của chứng ngừng thở khi ngủDấu hiệu của chứng ngừng thở khi ngủ

Ngừng thở khi ngủ là một rối loạn có thể rất nghiêm trọng với biểu hiện là nhịp thở bị ngừng nhiều lần trong giấc ngủ. Nếu người thân của bạn nói rằng khi ngủ bạn thường ngáy to;

Ngừng thở khi ngủ kéo dài nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có nguy cơ gây đột tử.

1. Nguyên nhân của ngừng thở khi ngủ

Nguyên nhân gây gián đoạn hô hấp khác nhau giữa ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn và ngừng thở khi ngủ trung ương.

  • Ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn

Ở những người bị ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn, các cơ ở phía sau cổ họng thư giãn trong khi ngủ, thu hẹp không gian cho luồng không khí đi qua.

Tình trạng ngáy xảy ra khi đường thở bị thu hẹp và tắc nghẽn, không nhận đủ oxy. Việc thiếu oxy dẫn đến sự thức tỉnh một phần hoặc toàn bộ của não để khôi phục luồng không khí. Những sự gián đoạn hô hấp này xảy ra lặp đi lặp lại trong khi ngủ.

  • Ngừng thở khi ngủ trung ương

Ngừng thở khi ngủ trung ương phát sinh do các vấn đề về cách não giao tiếp với các cơ chịu trách nhiệm hô hấp. Đối với những người bị CSA, một phần của bộ não được gọi là thân não không nhận biết đúng mức carbon dioxide trong cơ thể trong khi ngủ. Điều này dẫn đến các đợt thở lặp đi lặp lại chậm hơn và nông hơn mức cần thiết.

Ngừng thở khi ngủ: Nguyên nhân, biểu hiện, điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Ngừng thở khi ngủ là tình trạng luồng khí hít vào bị gián đoạn tạm thời hơn 10 giây.

2. Triệu chứng của ngừng thở khi ngủ

Ngủ ngáy: Là dấu hiệu phổ biến nhất. Bệnh nhân có những cơn ngừng thở về đêm, thở phì phò, hổn hển và cuối kỳ ngừng thở. Ngáy to nhất khi nằm ngửa, giảm khi nằm nghiêng.

Mệt mỏi cả ngày: Người bị ngừng thở khi ngủ thường mệt mỏi, khó tập trung trong công việc, suy giảm trí nhớ, thay đổi tính tình, dễ cáu gắt.

Buồn ngủ vào ban ngày: Bệnh nhân có thể ngủ trong khi đang làm việc, thậm chí khi đang lái xe.

Đau đầu khi thức dậy: Nguyên nhân do giảm nồng độ oxy não trong đêm.

Chẩn đoán hội chứng ngừng thở khi ngủ ngoài các biểu hiện trên thì các bác sĩ sẽ chỉ định đo đa ký giấc ngủ. Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ngừng thở khi ngủ. Máy ghi lại được tất cả những thay đổi sinh lý xảy ra trong giấc ngủ và hoàn toàn không gây đau đớn. Bệnh nhân có thể tự đo tại nhà với máy chuyên dụng.

Nội soi tai mũi họng giúp phát hiện các bệnh lý, cấu trúc gây hẹp tắc đường thở. Ngoài ra, nội soi ống mềm khi ngủ giúp chẩn đoán chính xác các vị trí hẹp tắc. Bệnh nhân sẽ được gây ngủ và theo dõi bởi bác sĩ gây mê. Sau đó bác sĩ Tai Mũi Họng sẽ tiến hành nội soi kiểm tra chính xác vùng tắc nghẽn và mức độ tắc nghẽn khi bệnh nhân ngủ để có thể tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân.

3. Ngừng thở khi ngủ có lây không?

Ngừng thở khi ngủ là hội chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến gây ra tình trạng ngừng thở thường xuyên trong khi ngủ, không phải là bệnh lây nhiễm nên không thể lây.

4. Phòng ngừa ngừng thở khi ngủ

Để phòng ngừa chứng ngưng thở khi ngủ, mỗi người cần điều chỉnh một số yếu tố sau đây:

Cần kiểm soát cân nặng: Giữ cân nặng ở mức tiêu chuẩn, cần giảm cân nếu cân nặng vượt mức khuyến nghị.

Nên thay đổi tư thế ngủ: Nếu một tư thế ngủ nào đó khiến bạn cảm thấy khó thở hoặc phát ra tiếng ngáy, hãy thử thay đổi để cải thiện tình trạng này.

Cần bỏ thuốc lá: Các nghiên cứu đã chỉ ra thuốc lá là một trong các yếu tố nguy cơ của chứng ngừng thở khi ngủ. Do vậy, không hút thuốc lá có thể giúp giảm nguy cơ gây bệnh này.

Ngoài ra, nên khám sức khỏe định kỳ: Những người có các yếu tố nguy cơ phát triển hội chứng ngưng thở khi ngủ như: Tiền sử gia đình mắc chứng ngưng thở khi ngủ, độ tuổi từ 65, gặp các bệnh lý mũi họng… thì nên đi khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 2 lần để phòng ngừa bệnh.

Ngừng thở khi ngủ: Nguyên nhân, biểu hiện, điều trị và phòng bệnh- Ảnh 3.

Ngừng thở khi ngủ kéo dài nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có nguy cơ gây đột tử.

5. Điều trị ngừng thở khi ngủ

Ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn là nguyên nhân hàng đầu gây buồn ngủ ban ngày, dẫn đến làm tăng nguy cơ tai nạn ô tô, khó khăn trong công việc và rối loạn chức năng tình dục. Mối quan hệ với người thân xung quanh có thể bị ảnh hưởng xấu vì tiếng ồn khi ngủ, trằn trọc của bệnh nhân.

Những bệnh nhân bị ngừng thở khi ngủ không được điều trị nếu có huyết áp bình thường thì nhiều khả năng sẽ bị tăng huyết áp trong vòng 5 năm tiếp theo. Tình trạng thiếu oxy về đêm lặp đi lặp lại và gián đoạn giấc ngủ có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch: Suy tim, rung nhĩ và các rối loạn nhịp tim khác, gan nhiễm mỡ và đột quỵ. Nguy cơ đột quỵ và tử vong tăng lên ngay cả khi kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác (ví dụ như tăng huyết áp, tiểu đường…). Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn đối với những rối loạn phổ biến này hiện chưa được đánh giá đúng mức.

Điều trị những bệnh nhân mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ ở mức độ nhẹ: Giảm cân, dùng gối tránh ngáy, ngủ nghiêng, thay đổi lối sống như giảm bia rượu, thuốc lá…

Ngoài ra, có thể dùng dụng cụ hỗ trợ gắn miệng đẩy hàm, điều trị viêm mũi dị ứng, bệnh lý Tai Mũi Họng gây hẹp tắc đường thở nếu có.

Với những bệnh nhân ở mức độ trung bình hoặc nặng: Đeo máy thở áp lực dương liên tục CPAP khi ngủ hoặc phẫu thuật chỉnh hình màn hầu - lưỡi gà (UPPP).

Lưu ý cho bệnh nhân bị ngừng thở khi ngủ

Để hạn chế những triệu chứng khó chịu của chứng ngừng thở khi ngủ và phòng bệnh tiến triển, người bệnh cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ trong quá trình điều trị. Cần tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng hoặc chuyên gia về giấc ngủ. Người bệnh cần ghi lại bất kỳ triệu chứng nào đang diễn ra, những khó khăn gặp phải trong quá trình điều trị, các mối lo ngại khác… để thông báo với bác sĩ.

Người bị ngưng thở khi ngủ có nguy cơ buồn ngủ vào ban ngày, vì thế nên tránh các hoạt động như lái xe hoặc vận hành máy móc hạng nặng khi buồn ngủ.

Ngoài ra, cần hạn chế uống rượu, bia có thể sẽ góp phần hỗ trợ điều trị chứng ngưng thở khi ngủ. Ở những người mắc chứng OSA không được điều trị, ngay cả việc uống rượu vào ban ngày cũng có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về hô hấp vào ban đêm.

Những hậu quả khi không điều trị ngừng thở khi ngủNhững hậu quả khi không điều trị ngừng thở khi ngủ

SKĐS - Ngừng thở khi ngủ là một trong những tình trạng sức khỏe khá nguy hiểm. Có nhiều người không ý thức được tình trạng bệnh của mình và cũng có nhiều người biết về rối loạn giấc ngủ này nhưng không được thông báo về những hậu quả nghiêm trọng của ngưng thở khi ngủ khi không điều trị.


BS. Nguyễn Văn Thanh
Ý kiến của bạn