Chiều ngày 17/4/2014: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định ngừng việc tổ chức ASIAD 18 tại Hà Nội vào năm 2019. Đây là một quyết định đúng đắn, sáng suốt, hợp lòng dân.
Nhỡn tiền là các quốc gia có các điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ tổ chức và quản lý, cũng như những thành tựu thể thao của họ hơn hẳn nước ta, nhưng họ đã từ chối đăng cai, hoặc đều thua lỗ trong việc tổ chức các thế vận hội tầm khu vực và quốc tế. Nóng hổi và điển hình nhất là Olympic Mùa đông lần thứ XXII, tổ chức tại Sochi của Liên bang Nga, tháng 2/2014, hấp dẫn, độc đáo, hoành tráng, vĩ đại, tốn kém chưa từng có trong lịch sử nhân loại, thế mà sau thế vận hội, nước Nga thu lại được những gì? Ngoài thành tích thể thao đứng đầu thế giới rất đáng tự hào (điều này là đương nhiên và tất yếu- vì Nga có lực lượng thể thao hùng mạnh nhất nhì thế giới), nhưng các vấn đề an sinh xã hội thì chẳng “thu” về được gì! Các công trình thi đấu đồ sộ, nguy nga, những con đường và các khách sạn tráng lệ, cùng các thiết bị thi đấu hiện đại, bây giờ bỏ đấy, trơ gan cùng tuế nguyệt; trong khi đời sống người Nga chưa phải vào loại cao trên thế giới và đất nước họ đang cần phải có những khoản ngân sách khổng lồ cho các vấn đề quốc phòng và quốc kế dân sinh.
Tôi không hiểu sao ban lãnh đạo Bộ VH-TT-DL và Ủy ban Olympic quốc gia- trong khi chưa hề có đề án tổ chức ASIAD (dù là phác thảo!), nhất là chưa xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép - mà đã hấp tấp, vội vàng đến mức quá cẩu thả và thiếu tư duy khoa học, đã tự tiện và cố nài nỉ xin quốc tế cho quyền đăng cai ASIAD 18. Thật là kỳ! Lối làm việc thật quan liêu! “Tiền trảm hậu tấu” một vấn đề vào loại cực lớn của quốc gia và trước thế giới như thế này, là không thể chấp nhận được! Vì thế, khi được chấp thuận cho đăng cai, các quan chức ngành VH-TT-DL lấy làm mừng rỡ và tuyên truyền khuếch đại về “thành tích” và công trạng” của mình. Nhưng, ngay lập tức, bên cạnh một số ít ý kiến tung hê chủ trương của Bộ VH-TT-DL (thường là của quan chức trong ngành), còn phần lớn ý kiến của các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học và đông đảo nhân dân là không đồng tình với việc Việt Nam đăng cai ASIAD 18.
Một quan chức ở Ủy ban Olympic quốc gia đã ngụy biện: Đây không phải là vấn đề tiền nong, mà là vấn đề “danh dự”, vấn đề “uy tín”, tức là vì “chữ ký” của Bộ VH-TT-DL và của lãnh đạo TP đối với Ủy ban Olympics quốc tế (?!). Cũng không thể tù lờ mờ mà cho rằng ASIAD 18 chỉ cần 150 triệu USD (tức hơn 3.000 tỷ đồng VN). Có một số quan chức còn nói: số tiền này một phần nhờ ngân sách, một phần trông chờ vào các “nhà đầu tư”, các doanh nghiệp - họ rất …sẵn lòng ủng hộ vì họ cũng thấy nhiều cái lợi cho họ (?!), và mặt khác là sự giúp đỡ của quốc tế! Rồi lại thêm một sự ngụy biện hùng hồn: Các cơ sở thi đấu trước đây đã xây dựng, còn …tốt, chỉ cần sửa sang lại và xây thêm một số công trình thi đấu, không quá tốn kém (?!). v. v…. Nói tóm lại là, khi người ta đã quá …hứng khởi, thì người ta vẽ ra, tưởng tượng ra rất nhiều thứ, để “bảo vệ” cho quan điểm, ý thích của mình! Thật là một thứ tư duy không khoa học. Nói cách khác, đó là cách “tính cua trong lỗ”!
Một số nhà kinh tế tính toán rằng: chi phí cho ASIAD 18 không thể dưới 300 triệu USD. Cổ nhân dạy rằng: “Làm ruộng thì ra, làm nhà thì tốn”, liệu 300 triệu USD mà đã xong? Trong khi điều kiện kinh tế- xã hội của ta còn rất thiếu thốn, nghèo nàn và yếu kém, như: bội chi hàng năm hàng nghìn tỷ đồng (năm 2012 mới kiểm toán bội chi ngân sách 154.000 tỷ đồng; năm 2013 chắc chắn nhiều hơn); nhà nước đã phải vay nợ nước ngoài khá nhiều, đang kêu gọi quốc tế đầu tư, cấp vốn ODA; kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu. Bên cạnh đó, là hiện trạng đường sá quá xấu; văn hóa đô thị và văn hóa giao thông quá yếu kém; tầm vóc các công trình, các cơ sở thi đấu vừa thiếu thốn, lạc hậu, vừa bé nhỏ, tuềnh toàng; ít khách sạn loại tốt, loại sang; trình độ và khả năng thi đấu các môn thể thao của ta còn thua xa nhiều nước trong khu vực; tinh thần thi đấu của các VĐV chưa tốt: còn nhiều chuyện “mua trọng tài”, “cá độ”, đôping, “ăn vạ” để vòi điểm, thi đấu kém thì đổ lỗi cho trọng tài nước ngoài “xử oan”, v. v…. Thế mà, Bộ VH-TT-DL lại cố “khéo léo ngoại giao”, nài nỉ để đăng cai ASIAD 18, thì thật là “coi trời bằng vung”! Nói cách khác, đó thật là một sự “ngộ nhận”, một lối tư duy chủ quan cảm tính, một sự ảo tưởng, một cách suy nghĩ viển vông.
Tôi không mở rộng vấn đề: Hiện nay nước ta, từ trung ương đến các địa phương, đang “loạn” các loại dự án, trong đó có nhiều dự án tầm phào, đẻ ra từ những suy nghĩ chủ quan của nhiều quan chức và nhà đầu tư, không được nhân dân đồng tình, chỉ mang lại “danh vọng”, tiền bạc cho các nhóm lợi ích, mà gây khó khăn cho đất nước, gây khổ và bất bình cho nhân dân. Chỉ tập trung nói về cái … dự- án- chưa- có- soạn- thảo là dự án ASIAD 18, đã thấy…thất kinh! ASIAD 18 đâu phải là cái “ao làng”, cái “ao nhà” mà người ta đã quá … quen thuộc. Nó là khoa học thể thao hiện đại, văn minh, đầy tinh thần “thượng võ” và mang tầm cỡ quốc tế. Cho nên, hãy đừng sĩ diện, phi thực tế! Vì thế, quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho dừng tổ chức ASIAD 18 tại Hà Nội là hết sức đúng đắn, sáng suốt. Đấy là tinh thần thận trọng, suy nghĩ thấu đáo, đầy lòng tự trọng với quốc tế và thể hiện ý thức trách nhiệm cao đối với đất nước, nhân dân.
Đào Ngọc Đệ