Vậy là Hiệp định Minsk, biên bản thỏa thuận về ngừng bắn ở miền Đông Ukraine đã được ký kết tại Minsk giữa đại diện Ukraine và đại diện Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk. Tuy nhiên, người ta đặt câu hỏi: Đây có thực sự là một tin vui cho Kiev?
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa đề xuất kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine bao gồm bảy điểm, chủ yếu là thỏa thuận ngừng bắn, rút quân đội Ukraine ra khỏi các khu vực dân cư ở Đông Nam Ukraine, lập hành lang nhân đạo cho người tị nạn và giám sát quốc tế việc thực hiện các thỏa thuận này. Chính quyền Kiev, đặc biệt là Thủ tướng Yatsenyuk đòi ký thỏa thuận dựa trên cơ sở “kế hoạch Poroshenko”. Hiệp định này có hiệu lực lúc 18.00 ngày 5/9. Tổng cộng trong thỏa thuận có 12 điểm, trong đó có việc giải quyết vấn đề quốc tế kiểm soát chế độ ngừng bắn và trao đổi tù binh.
Từ tháng 4 năm nay, chính quyền Kiev đã thực hiện chiến dịch quân sự ở miền Đông Ukraine chống những người dân trong khu vực không tán thành cuộc đảo chính được tổ chức tại Kiev hồi tháng 2. Theo Liên hợp quốc, từ giữa tháng 4 đến 27/8, ở Ukraine có hơn 2.500 thường dân thiệt mạng và khoảng 6.000 người bị thương. Moskva đã nhiều lần kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện tất cả mọi biện pháp có thể để ngăn chặn chiến sự.
Hiệp định tại Minsk là bước đầu tiên để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Một số chuyên gia đã gọi nó là “ánh sáng ở cuối đường hầm”. Đại diện Cộng hòa Nhân dân Donetsk khẳng định rằng thỏa thuận sẽ được thực hiện. Nhưng thỏa thuận sẽ không có giá trị nếu nghe thấy dù chỉ một phát đạn từ phía Kiev. Ngoài ra, đại diện Đông Nam cho biết: “Thỏa thuận ngừng bắn không có nghĩa là CHND Donetsk và CHND Lugansk từ bỏ chính sách độc lập của họ. Tổng thống Petro Poroshenko nói lệnh ngừng bắn là một phần của kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm, trong đó bao gồm việc trao đổi tù binh. Điều quan trọng là lệnh ngừng bắn được kéo dài, tạo điều kiện cho đối thoại chính trị nhằm tái thiết hòa bình và ổn định”.
Các nhà phân tích nhận định, không phải ngẫu nhiên mà Mátxcơva đề nghị đàm phán cho thỏa thuận hưu chiến vào đúng thời điểm trước thềm Thượng đỉnh NATO tại xứ Wales, lúc mà phương Tây đang dự định các biện pháp trừng phạt mới đánh vào nền kinh tế Nga. Mục tiêu của Tổng thống Putin là xoa dịu phương Tây để tránh bị trả đũa bằng cách thể hiện thái độ hòa giải và gieo mối bất hòa giữa các nước phương Tây, bởi các quốc gia này luôn bị chia rẽ trong chiến lược đối phó với sự lấn lướt của Mátxcơva. Nhiều quốc gia châu Âu mong đợi thỏa thuận hưu chiến giữa Kiev và phe ly khai nhằm chấm dứt khủng hoảng mà hậu quả của nó vô cùng nặng nề đối với nền kinh tế của các nước.
Cuối cùng thì hòa bình cũng lập lại tại miền Đông Ukraine. Người dân hớn hở vì thoát khỏi cảnh di tản, tránh đầu rơi máu chảy. Tuy nhiên, nhận định một cách thận trọng đây là lệnh ngừng bắn “khá bấp bênh”, hay “mơ hồ”, bởi vì trên thực tế, thỏa thuận này có nguy cơ gây chia cắt đất nước Ukraine.
Trong một diễn biến khác, NATO đã đồng ý thiết lập một lực lượng “mũi nhọn” đa quốc gia có khả năng triển khai trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Phát biểu trong lễ bế mạc hội nghị kéo dài hai ngày tại Wales, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói, hành động của Nga tại Ukraine là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với các nước trong liên minh và dẫn đến việc thiết lập một lực lượng phản ứng nhanh.
Ông cũng hoan nghênh lệnh ngừng bắn và nói ông hy vọng đây sẽ là “khởi đầu cho một tiến trình chính trị mang tính xây dựng”. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga đã phản ứng giận dữ trước tuyên bố của NATO. “Giọng điệu trong tuyên bố của Nato về tình hình tại Ukraine cũng như kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận chung giữa Nato với Kiev trên lãnh thổ của nước này trước cuối năm 2014 sẽ chỉ làm căng thẳng gia tăng”, thông cáo từ cơ quan này cho biết.
(Theo CNN, RT)
Quỳnh Diệp
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso nói trong một thông cáo hôm 5/9 rằng, EU đã bổ sung thêm nhiều cá nhân vào danh sách đóng băng tài sản và cấm đi lại, trong đó có các thủ lĩnh của phe ly khai ở miền Đông Ukraine, chính quyền Crimea và các chính trị gia của Nga. Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao nói các biện pháp này có thể được tạm hoãn thực thi nếu lệnh ngừng bắn được tuân thủ và Moscow rút quân ra khỏi Ukraine. Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói lệnh ngừng bắn đạt được là nhờ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Các biện pháp này sẽ được xem xét lại tùy thuộc vào việc thực thi lệnh ngừng bắn, điều mà ông Obama cho rằng sẽ là một quy trình tốn nhiều thời gian.