Ngực, cổ lở loét kinh hãi vì đắp lá chữa đái tháo đường; xem cận cảnh bác sĩ cắt lọc vết loét hoại tử

03-02-2019 10:11 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - BV Nội tiết Trung ương vừa tiếp nhận ca bệnh loét diện rộng vùng ngực, cổ do biến chứng đái tháo đường. Trước đó, bệnh nhân đã tự ý đắp lá, dùng kháng sinh, đến khi nhập viện thì tổn thương đã rất nghiêm trọng.

Bệnh nhân K.V.V, (66 tuổi, quê Phúc Thọ, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng vùng mang tai xuất hiện vết thương hở lan rộng dưới cằm, cổ, sưng tấy đỏ, nhiều vị trí hở lớn, chảy mủ.

Bệnh nhân có tổn thương sâu vùng mang tai, cổ do tự ý đắp lá và dùng thuốc kháng sinh không rõ nguồn gốc.

Theo thông tin khai thác, bệnh nhân K.V.V được chẩn đoán ĐTĐ typ 2 cách đây 10 năm, đang điều trị insulin hàng ngày tại Bệnh viện Sơn Tây. Trước nhập viện gần 20 ngày bệnh nhân xuất hiện sưng đau vùng cổ, mang tai phải, ăn uống kém, nuốt đau tức.

Tuy nhiên do chủ quan, nghĩ bị lên quai bị nên người nhà bệnh nhân đã không đưa đi khám mà tự ý ở nhà dùng lá đắp vào vùng bị tổn thương đồng thời tự mua kháng sinh không rõ loại uống tại nhà trong vòng 10 ngày nhưng không đỡ, vết thương vẫn tấy đỏ và lan dần khắp toàn ngực.

Sau khi được trích lấy mủ và dẫn lưu  vùng áp xe tại Bệnh viện Răng – Hàm – Mặt Trung ương, người bệnh đã được chuyển tới Bệnh viện Nội tiết Trung ương để tiếp tục tìm nguyên nhân và điều trị tiếp.

Tổn thương nghiêm trọng ở bệnh nhân đái tháo đường.


Khi đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh nhân trong tình trạng đường huyết tăng cao lên tới 22mmol/l. Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được nhiệt độ cơ thể trên 37 độ. Tim đều, huyết áp 100/60, thở đều, bụng mềm, không chướng, không đau. Vùng mang tai xuất hiện vết thương hở lan rộng dưới cằm, cổ, phát nề đỏ, chảy mủ.

Hiện tại bệnh nhân đã được xử trí bằng việc cắt lọc vết loét hoại tử, bơm rửa liên tục hàng ngày đồng thời kiểm soát đường huyết, kháng sinh toàn thân tích cực.

Tự ý chữa bệnh, lãnh đủ hậu quả

Nhận định về ca bệnh này, ThS.BS Nguyễn Ngọc Thiện – Phó Trưởng khoa Chăm sóc bàn chân cho biết: Đây là một trong những trường hợp điển hình do sự chủ quan của người bệnh. Đối với những trường hợp mắc ĐTĐ nhiều năm xuất hiện vết xước ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, đặc biệt là ở vùng chân người bệnh cũng tuyệt đối không được tự ý đắp lá và dùng thuốc kháng sinh khi không có chỉ định của bác sỹ mà cần phải đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.

Cũng theo thông tin từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trong thời gian vừa qua, Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những trường hợp tự ý chữa ĐTĐ bằng các bài thuốc dân gian, sản phẩm quảng cáo trôi nổi trên thị trường. Những sản phẩm này không những không cải thiện được tình trạng viêm loét mà còn dẫn đến nguy cơ dị ứng khiến vết loét lan rộng khó chữa trị, nhiều trường hợp phải cắt cụt chi, thậm chí đã có không ít ca bệnh tử vong.

Dịp Tết là thời điểm người dân thường ăn uống quá đà. Đối với người bệnh đái tháo đường cần hết sức lưu ý chế độ dinh dưỡng để tránh biến chứng do căn bệnh này gây ra.

BS. Nguyễn Trọng Hưng, BV Nội tiết Trung ương cho biết, dinh dưỡng hợp lý là một trong ba phương pháp cơ bản để điều trị bệnh đái tháo đường, bên cạnh việc thay đổi lối sống và sử dụng thuốc. Chính vì vậy, nhằm ổn định đường huyết thì người bệnh đái tháo đường nên tuân thủ các nguyên tắc sau:

1. Nên ăn ổn định số lượng glucid (chất bột đường) trong các bữa ăn phù hợp với mình, biết thay thế thức ăn giàu tinh bột.

2. Lựa chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (<55%), cần phối hợp các thực phẩm có nhiều chất xơ. Các thực phẩm có nhiều chất xơ như gạo lứt, bánh mỳ đen, rau, củ,… mỗi ngày ăn từ 300g - 500g rau.

3. Tránh những bữa ăn lớn, có thể chia thành nhiều bữa nhỏ nếu đường huyết kiểm soát không tốt, nên ăn ba bữa chính và có thêm ít nhất một bữa phụ.

4. Giữ đúng giờ ăn theo lịch. Không bỏ bữa ăn ngay cả khi ốm hoặc cảm thấy mệt mỏi và không muốn ăn, nên thay thế bằng thức ăn phù hợp.

5. Tránh ăn và/hoặc uống các thực phẩm nhiều đường, đường hấp thu nhanh như đường kính, đường mật, mật ong, các loại mứt, quả chín khô, kẹo, socola, nước ngọt đóng chai.

6. Ăn hạn chế các thực phẩm nguồn gốc động vật có nhiều mỡ, cholesterol (thịt mỡ, mỡ, bơ, phủ tạng động vật…). Nên ăn các thực phẩm có chứa chất béo tốt cho sức khỏe như đậu phụ, vừng lạc, cá…
Ăn dầu thực vật thay cho mỡ động vật và ở dạng trộn nộm, salad. Hạn chế các món xào nhiều dầu hoặc mỡ, các món rán, nướng…

7. Cố gắng ăn giảm lượng muối, gia vị chứa muối đến mức có thể chấp nhận, đặc biệt khi bị tăng huyết áp, suy thận.

8. Cố gắng hạn chế sử dụng các thức uống có cồn như rượu, bia.

9. Nên duy trì cân nặng “nên có”.

10. Nên đi khám sức khỏe định kỳ hoặc theo hẹn của bác sĩ.


Dương Hải
Ý kiến của bạn