Tình trạng đau mỏi xương khớp, đau nhức chân tay nhẹ thoáng qua là biểu hiện thông thường hay gặp ở trẻ em tuổi học đường sau một ngày chạy nhảy nhiều. Nếu trẻ bị đau sau vận động quá nhiều hoặc do va chạm với các vật cứng thì không có vấn đề gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu tình trạng trẻ bị đau xương khớp tái diễn, dai dẳng gây hạn chế vận động thì cha mẹ cần cho con đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Đi tìm nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới viêm khớp trẻ em như đau mỏi xương khớp tuổi phát triển, viêm khớp cấp tính do vi khuẩn, do lao, viêm sau chấn thương... cho đến những bệnh khớp mạn tính do một số rối loạn miễn dịch hoặc giai đoạn đầu của bệnh bạch cầu cấp. Một trong những bệnh khớp mạn tính thường gặp ở tuổi học đường là bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên.
Bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên thuộc nhóm bệnh tự miễn, là tình trạng viêm khớp mạn tính kéo dài ít nhất 6 tuần, bệnh nhân bị bệnh trước 16 tuổi. Bệnh thường khởi phát sau khi nhiễm virut hoặc nhiễm khuẩn (Chlamydia mycoplasma, Streptococcus, Salmonella, Shigella).
Bệnh này không hiếm gặp nhưng rất ít cha mẹ hiểu biết rõ nên đa số trẻ thường được đưa đến chuyên khoa khám muộn. Một số trẻ em trước khi đến bệnh viện đã đi khám, chữa hàng năm trời ở nhiều nơi nhưng không phát hiện bệnh, dẫn tới bệnh tiến triển nặng, biến dạng khớp và nhiều biến chứng khác.
Điều trị viêm khớp háng ở trẻ em.
Dấu hiệu cảnh báo viêm khớp
Dấu hiệu đầu tiên là đau khớp, trẻ thường kêu đau các khớp nhất là bị đau khi vận động và hết đau khi nghỉ ngơi. Tình trạng này thường là do bệnh viêm khớp đang âm thầm tiến triển có thể gây đau không ngớt.
Các biểu hiện khác có thể chẩn đoán là biểu hiện cứng khớp, bệnh nhân cảm thấy các khớp bị cứng, đặc biệt tồi tệ vào buổi sáng. Đó là triệu chứng thông thường của bệnh viêm khớp mạn tính. Kèm theo các khớp bị sưng hoặc biến dạng khớp. Khớp phát ra tiếng động với các biểu hiện kêu “lắc rắc” phát ra từ các khớp xương trong khi vận động.
Các triệu chứng của viêm khớp mạn tính gồm: sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ toàn thân và các triệu chứng này không giảm khi dùng thuốc kháng sinh aspirin liều thông thường. Trẻ có thể bị nổi ban đỏ ở thân mình và các gốc chi, nhưng các mẩn đỏ này mất rất nhanh. Triệu chứng viêm khớp có thể xảy ra ngay từ đầu hay sau vài ngày, trẻ có thể bị sưng đau một vài hoặc nhiều khớp như khớp cổ tay, khớp gối, khớp háng, mắt cá chân...
Ở trẻ lớn thường là thể viêm ít khớp, chủ yếu ở một vài khớp to như khớp gối, khuỷu tay, khớp háng, nhưng cũng có thể gặp ở khớp thái dương hàm và khớp cổ. Nơi khớp sưng thấy phù nề, sờ ấm nhưng không đỏ và ít đau. Khi sụn khớp đã bị dính và xơ thì khớp trở nên cứng và hạn chế sự vận động kèm theo các cơ ở chi đó bị teo. Ngoài các triệu chứng ở khớp ra, trẻ có thể sốt cao, phát ban, hạch to, viêm thanh mạc, viêm màng phổi...
Bệnh có khả năng gây tàn phế không?
Viêm khớp dạng thấp thanh thiếu niên là viêm khớp khá phổ biến tồn tại khoảng vài tháng đến vài năm còn gọi là viêm khớp mạn tính thanh thiếu niên. Có 3 thể lâm sàng hay gặp:
Thể viêm ít khớp: chỉ gây tổn thương dưới 5 khớp chủ yếu là những khớp lớn: khớp vai, khuỷu, gối.
Thể viêm đa khớp có tổn thương từ 5 khớp trở lên, thường gặp ở những khớp nhỏ bàn tay, bàn chân nhưng cũng có thể gặp ở những khớp lớn.
Thể viêm khớp hệ thống gây tổn thương nhiều hệ cơ quan trong cơ thể (còn gọi là bệnh Still). Viêm khớp Still là một trong 3 thể lâm sàng của bệnh viêm khớp mạn tính ở trẻ em. Sốt dao động, mệt mỏi, đau nhức cơ toàn thân và các triệu chứng này không giảm khi dùng aspirin liều thông thường. Trẻ có thể bị nổi mẩn đỏ ở thân mình và các gốc chi nhưng các mẩn đỏ này mất đi rất nhanh.
Bệnh viêm khớp dạng thấp thanh thiếu niên rất nguy hiểm cho trẻ, nếu phát hiện quá muộn, gây tổn thương khớp nghiêm trọng sẽ dẫn đến tàn phế. Vì vậy, khi thấy có những biểu hiện bất thường về khớp như sưng, đỏ, nóng, đau phải đưa trẻ đến khám ở các chuyên khoa khớp.
Chẩn đoán bệnh có khó?
Trên lâm sàng, nếu dấu hiệu sưng khớp khó xác định thì có thể dùng siêu âm để chẩn đoán. Khi có tràn dịch, cần chọc dò để làm xét nghiệm dịch khớp trong trường hợp nghi ngờ có nhiễm trùng. Xquang thường không có giá trị nhiều trong giai đoạn sớm vì chưa thấy các tổn thương như hẹp khe khớp, hủy khớp hay khuyết ổ khớp. Chụp cộng hưởng từ có thể được chỉ định đối với các trường hợp tràn dịch khớp khó xác định như khớp háng. Xét nghiệm miễn dịch, tìm sự hiện diện của yếu tố thấp và kháng thể kháng nhân...
Cần phải loại trừ một số bệnh lý khác có thể gây ra một bệnh cảnh tương tự như: thấp khớp cấp, nhiễm trùng khớp, tổn thương khớp trong các bệnh hệ thống và bệnh lý về máu...
Chữa trị viêm khớp ở trẻ em
Viêm khớp mạn tính ở trẻ em được điều trị bằng các thuốc giảm đau, kháng viêm, corticoid, ức chế miễn dịch, vật lý trị liệu... Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, trẻ có thể bảo tồn được các khớp và hạn chế đến mức tối đa sự biến dạng khớp gây tàn phế. Tuy nhiên, các bệnh khớp tự miễn sau khi điều trị ổn định trẻ vẫn cần được khám khớp và theo dõi định kỳ theo chuyên khoa để tránh trường hợp bị lại.