Ngừa và xử trí cảm lạnh

25-12-2015 10:41 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Mùa đông nhiệt độ giảm và khả năng miễn dịch của cơ thể cũng giảm đi, nhiều người dễ bị cảm lạnh. Theo ước tính, cho đến ngày sinh nhật lần thứ 75, bạn có thể đã trải qua 200 lần bị cảm. Vậy cảm lạnh là gì? Làm gì để phòng ngừa?

Cảm lạnh là gì?

Cảm lạnh thông thường (còn được gọi là viêm mũi họng, sổ mũi cấp hoặc cảm lạnh), là một bệnh truyền nhiễm do virut gây ra ở đường hô hấp trên nhưng chủ yếu ảnh hưởng mũi. Các triệu chứng gồm ho, đau họng, sổ mũi, hắt hơi và sốt thường tự hết trong vòng 7 - 10 ngày. Hơn 200 chủng virut có liên can đến nguyên nhân gây cảm lạnh; các chủng Rhinovirus là nguyên nhân thường gặp nhất. Cảm lạnh thông thường là căn bệnh truyền nhiễm thường gặp nhất ở người, nó đồng hành cùng nhân loại từ những thời đại cổ xưa.

Bổ sung thực phẩm giàu vitamin giúp phòng ngừa cảm lạnh.

Làm gì khi bị cảm lạnh?

Cách tốt nhất để trị cảm lạnh không phải là uống thuốc mà là vận động để ra mồ hôi và dùng những biện pháp tự nhiên sau đây:

Uống nhiều nước: Khi thời tiết lạnh, sự trao đổi chất trong cơ thể  nhanh hơn khiến bạn thở ra độ ẩm nhiều hơn bình thường làm cho cơ thể mất nước. Hơn nữa, trời lạnh mọi người cũng ngại uống nước khiến cơ thể mất nước, màng nhầy mũi họng bị khô và dễ nhiễm cảm lạnh. Do vậy, mặc dù bạn không khát nước nhưng cơ thể vẫn cần nước. Tăng lượng nước uống có thể giúp chất nhầy trong mũi nhiều hơn và giảm nghẹt mũi. Bạn có thể uống nước lọc, nước sinh tố rau quả...

Thường xuyên hoạt động ngoài trời, ăn uống đủ chất... giúp phòng ngừa cảm lạnh.          Ảnh: Trần Minh

Tắm nước nóng: Virut cảm lạnh phát triển mạnh khi mũi khô. Chính vì vậy vào mùa đông, không khí ngoài trời và trong nhà đều khô hanh, tạo điều kiện bệnh cảm lạnh gia tăng. Khi tắm nước nóng, hơi nước nóng như một loại thuốc giúp thông mũi và giữ độ ẩm cho mũi.

Hít hơi nước muối nóng: Theo các nhà nghiên cứu, virut gây cảm cúm có khả năng chịu được lạnh nhưng không chịu được nóng. Hơi nóng nước muối không chỉ dưỡng ẩm cho mũi mà còn giúp làm sạch khoang mũi và tiêu diệt vi khuẩn bám trong khoang mũi. Bạn hãy rót nước sôi pha muối vào chiếc cốc, sau đó đưa mũi gần thành cốc và hít hơi nóng bốc lên. Bạn nên hít cho đến khi nước bay hết hơi nóng và mỗi ngày làm như vậy khoảng 3-5 lần. Hoặc bạn có thể dùng nồi nước xông của Đông y gồm một số lá cây có tinh dầu như sả, bạc hà, lá bưởi, hương nhu... thì càng tốt

Uống mật ong pha nóng: Mật ong rất hiệu quả trong việc giảm ho, giúp kháng khuẩn và chống ôxy hóa, làm dịu cổ họng khi bị kích thích. Mật ong có thể pha với trà nóng có tác dụng thông mũi.

Ăn cháo giải cảm: Các nhà khoa học khẳng định, súp gà rất tốt cho người bị cảm lạnh. Một bát súp gà nóng với: khoai tây, hành tây, thịt gà, cà rốt, củ cải, rau mùi chính là phương thuốc hữu hiệu nhất đánh bại chứng cảm lạnh. Nước dùng gà có tác dụng giảm tắc nghẽn mũi, tăng lượng chất nhầy. Nếu không chế biến được súp gà, bạn có thể lấy nước luộc gà nấu cháo hay miến cũng rất hiệu quả. Hoặc đơn giản nhất là một tô cháo trắng nấu loãng, thêm một ít rau thơm như tía tô, kinh giới, quế hoặc vài lát gừng tươi. Có khi chỉ cần xắt vài lát hành ta, thêm ít hạt tiêu là đã thành một tô cháo giải cảm.

Hoạt động ngoài trời là cách đơn giản nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh.             Ảnh: TM

Phòng bệnh vẫn là cách tốt nhất

Năng tập thể dục. Bạn có thể đi bộ nhanh 30 phút/ngày, 4-5 buổi/ mỗi tuần. Hoặc tập thái cực quyền cũng giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Điều then chốt trong luyện tập thái cực quyền là động tác chậm rãi và điều hòa hô hấp. Chính hai đặc điểm này giúp loại bỏ vi khuẩn bệnh; Tích cực tiếp xúc với không khí ngoài trời. Mùa lạnh mọi người thường lười tham gia hoạt động ngoài trời. Trong khi đó hoạt động ngoài trời là cách đơn giản để giảm nguy cơ mắc bệnh. Hoạt động ngoài trời còn giúp cơ thể tăng hấp thụ vitamin D mà vitamin D giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật, trong đó có cảm lạnh. Ngoài ra, cần ngủ đủ. Nếu bạn ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi đêm có thể tăng gấp 3 lần khả năng bị cảm lạnh. Đặc biệt, cần tránh căng thẳng vì căng thẳng ảnh hưởng đến hệ miễn dịch làm giảm sức đề kháng; tránh thức khuya, tránh uống nhiều rượu, cà phê, hay nước soda bởi những đồ uống này làm cho vi khuẩn ở mũi phát triển dẫn đến viêm mũi xoang. Chú ý ăn các loại thực phẩm giàu vitamin và dưỡng chất có lợi cho sức khỏe và hệ miễn dịch. Cuối cùng, cần mặc đủ ấm.


BS. Nguyễn Văn Thịnh
Ý kiến của bạn