Hà Nội

Ngứa và biện pháp khắc phục

14-03-2018 20:39 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Ngứa là một triệu chứng của nhiều bệnh, gây khó chịu và rắc rối trong cuộc sống, thậm chí gây biến chứng cho người bệnh. Cần làm gì để khắc phục tình trạng ngứa khi gặp phải?

Nguyên nhân gây ngứa

Ngứa là một cảm cảm giác ở da rất khó chịu, gặp ở mọi lứa tuổi và có thể dịu đi khi gãi, hay tái phát. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra ngứa, từ những bệnh ngoài da (viêm da, vảy nến, da khô, chàm, mề đay...). Bệnh ngứa do côn trùng đốt, ghẻ, rận, chấy hoặc dị ứng với lông chó, mèo. Ngứa có thể do mắc bệnh trong nội tạng (bệnh gan mật, suy thận), trong đó bệnh viêm tắc mật làm ứ đọng muối mật, tăng tỷ lệ muối mật trong máu gây ngứa. Ngứa có thể do rối loạn thần kinh (đa xơ cứng dây thần kinh bị chèn ép hoặc bệnh Zona có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh, làm kích thích da), hoặc ngứa do mắc bệnh virut gây ra (bệnh thủy đậu, sởi, Rubella...) hoặc do rối loạn nội tiết (đái tháo đường, bệnh tuyến giáp...), nguy hiểm hơn là ngứa do bệnh ung thư (bệnh bạch cầu và u lympho...). Ngoài ra, ngứa có thể do kích ứng hoặc các phản ứng dị ứng (ngứa do lạnh, thức ăn, hóa chất, xà phòng và các chất khác). Ngứa có thể do dị ứng thuốc (kháng sinh và một số thuốc khác) hoặc do thai kỳ (gặp ở một số phụ nữ đang mang thai, thường bị ngứa ở vùng bụng, đùi, ngực và cánh tay...) hoặc do dị ứng thức ăn (tôm, cua...). Ngứa còn có thể do cơ thể thiếu máu bởi thiếu chất sắt.

Trong các nguyên nhân gây ngứa phải kể đến ngứa do mắc các bệnh giun sán, đặc biệt là bệnh sán chó. Đây là một nguyên nhân khó nhận biết bằng những cách đơn thuần mà chỉ khi thực hiện xét nghiệm, tình trạng nhiễm giun sán mới có thể được phát hiện. Khi xâm nhập cơ thể người, giun sán không phát triển ngay thành những con giun nhỏ mà tiếp tục tồn tại dưới dạng ấu trùng, hình thành những khối u di chuyển được trong da và mô mềm, thường xuất hiện ở mặt, mu bàn tay, lưng, mông, bụng... và gây ngứa.

Khi có biểu hiện ngứa, cần đến cơ sở da liễu để được khám và tư vấn.

Khi có biểu hiện ngứa, cần đến cơ sở da liễu để được khám và tư vấn.

Một số triệu chứng kèm theo ngứa

Phát ban ở vùng ngứa, nổi mẩn, đốm hoặc mụn nước, da khô, nứt nẻ, da nhám hoặc có vảy là các biểu hiện thường gặp khi bị ngứa. Nếu xoa hay gãi vùng ngứa sẽ kích thích da và dẫn đến ngứa nặng hơn, vì vậy, càng gãi càng ngứa, thậm chí gãi chảy máu vẫn ngứa.

Hậu quả của ngứa

Ngứa và gãi nhiều gây xây xước da, nhiễm khuẩn, mưng mủ, hậu quả để lại là sẹo, thậm chí nhiễm khuẩn da nặng gây nhiễm khuẩn huyết - một căn bệnh hết sức nguy kịch, nhất là gặp phải các loại vi khuẩn có độc lực mạnh, đa kháng thuốc như tụ cầu vàng (S.aureus) hoặc trực khuẩn mủ xanh (P.aerruginasa)

Ngứa kéo dài, nhất là về đêm làm cho người bệnh rất mệt mỏi, sút cân, mất ngủ.  Mất ngủ trong một thời gian dài do ngứa không khỏi có thể gây trầm cảm.

Nguyên tắc điều trị

Khi bị ngứa, cần được khám bệnh toàn diện để xác định nguyên nhân. Trên cơ sở đó sẽ điều trị nguyên nhân hoặc tách bỏ nguyên nhân (ví dụ, ngứa do lông chó mèo, cần tránh tiếp xúc với chó mèo; hoặc ngứa do dùng xà phòng tắm không thích hợp, cần thay loại xà phòng khác; nếu ngứa do thiếu máu bởi thiếu sắt, cần bổ sung sắt...). Nên dùng thuốc chống dị ứng, nhất là loại vừa có tính chất chống dị ứng vừa gây ngủ để bệnh nhân giảm mất ngủ. Có thể vừa dùng loại uống vừa dùng loại thoa ngoài da. Tuy vậy, dùng thuốc gì là do bác sĩ khám bệnh kê đơn, chỉ định, người bệnh hoặc người nhà không tự động mua thuốc để tự điều trị. Bởi vì, thuốc chống dị ứng có một số tác dụng không mong muốn cần tránh, nhất là trẻ em hoặc nam giới có phì đại lành tính tiền liệt tuyến (ví dụ thuốc chlopheniramin).

Cách phòng bệnh

Cần tránh các chất gây ngứa mà mình đã gặp và bị ngứa (xà phòng, mỹ phẩm, lông thú vật, thức ăn...). Người thường hay dị ứng gây ngứa (nổi mề đay...) với thời tiết, cần mặc ấm, tắm rửa bằng nước ấm. Không nên dùng nước quá nóng để tắm vì nước nóng khiến da mất đi độ ẩm tự nhiên gây khô da và ngứa. Nên mặc quần áo cotton, bông mềm, không nên mặc quần áo bằng len, dạ, lông thú vào mùa lạnh. Tăng cường sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, không ăn các loại thực phẩm chưa nấu chín (thịt tái, nem chua, nem chạo...) hoặc không ăn rau sống, không uống nước chưa được đun sôi để phòng bệnh giun sán. Trong các thành phần dinh dưỡng, cần tránh các chất gây kích thích (gia vị, rượu, bia, cà phê, thuốc lá), nhiều mỡ động vật. Cần sống thoải mái, không căng thẳng, lo lắng, stress vì ảnh hưởng thần kinh cũng gây ngứa.

Những người có tiền sử ngứa nên khám bệnh định kỳ, nhất là kiểm tra chức năng gan, mật, đường huyết lúc đói, siêu âm gan mật, tuyến giáp. Cứ 6 tháng một lần nên kiểm tra xem có mắc bệnh giun sán hay không, nếu có cần được điều trị đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

BS. Việt Anh
Ý kiến của bạn