Hà Nội

Ngừa tác hại của tăng mỡ máu

03-11-2016 14:11 | Bệnh người cao tuổi
google news

Tăng mỡ trong máu có liên quan mật thiết đến thói quen ăn uống và chế độ sinh hoạt của mỗi một con người, đặc biệt là NCT.

Tăng mỡ trong máu có liên quan mật thiết đến thói quen ăn uống và chế độ sinh hoạt của mỗi một con người, đặc biệt là NCT. Tăng mỡ máu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt đối với NCT. Vì vậy, không được chủ quan, xem thường.

Tác hại khi mỡ máu tăng cao

Mỡ máu bao gồm một số chất, trong đó cholesterol và triglycerit đóng vai trò chính, ngoài ra còn có apoprotein và lipoprotein.

Cholesterol là một chất béo có tên là steroid có ở màng tế bào của tất cả các mô tổ chức trong cơ thể và được vận chuyển trong huyết tương của con người. Phần lớn cholesterol được gan tổng hợp nên từ các chất béo bão hòa, một phần nhỏ được hấp thu từ thức ăn như trứng, sữa, não, thịt có màu đỏ, mỡ động vật, lòng lợn, lòng bò, tôm. Cholesterol kém tan trong nước, vì vậy, nó không thể tan và di chuyển trong máu mà phải nhờ vào lipoprotein (lipoprotein do gan tổng hợp ra và tan trong nước sẽ mang theo cholesterol).

Cholesterol rất cần cho sự hoạt động của màng các tế bào trong cơ thể, cần cho sự hoạt động của cơ thể để sản xuất ra một nội tiết tố và cũng là thành phần rất quan trọng của muối mật. Khi cholesterol tăng cao, nhất là loại cholesterol toàn phần và đặc biệt là cholesterol xấu (LDC - C) sẽ làm xơ vữa động mạch, từ đó gây tăng huyết áp, dẫn đến nhiều hệ lụy xấu. Với NCT, xơ vữa động mạch là một nguy cơ xấu cho hệ tim mạch, bởi vì ngoài tác dụng làm tăng huyết áp thì xơ vữa động mạch còn làm cho lòng động mạch hẹp lại, tạo ra các mảng xơ vữa, nếu các mảng này bị bong ra, đi theo dòng máu đến các động mạch nhỏ (động mạch vành tim, động mạch não) sẽ làm tắc động mạch gây nhồi máu cơ tim hoặc tắc mạch não làm nhũn não gây đột quỵ, nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong. Do đó, một trong những tai biến đột quỵ ở NCT là do tăng huyết áp hoặc do xơ vữa động mạch hoặc cả hai lý do.

Còn triglycerit là gì? Nếu NCT ăn quá nhiều loại axít béo tự do, nó được hấp thu qua gan và sẽ chuyển thành cholesterol nhưng khi lượng axit béo bị dư thừa thì sẽ trở thành triglycerit. Tại gan, triglycerit sẽ kết hợp với chất apoprotein (do gan sản xuất ra) và được đưa ra khỏi gan dưới dạng lipoprotein có tỷ trọng thấp. Khi mất cân bằng giữa lipit (triglycerit) vào gan và lipit ra khỏi gan thì triglycerit sẽ tích lại trong gan gây nên gan nhiễm mỡ. Gan bị nhiễm mỡ sẽ hạn chế chức năng sản xuất ra chất apoprotein càng làm cho lượng axít béo vào gan quá lớn cho nên gan nhiễm mỡ nặng hơn, lâu ngày sẽ gây nên xơ gan. Ngoài ra, nếu triglycerit máu tăng quá cao sẽ có nguy cơ gây viêm tụy cấp tính.

Tăng mỡ máu là nguyên nhân chủ yếu gây xơ vữa mạch.

Cần làm gì để ngăn ngừa tăng mỡ máu ở NCT?

Muốn làm giảm mỡ máu, mọi người, đặc biệt NCT, cần lưu ý hạn chế ăn mỡ động vật, thay vào đó là ăn bằng dầu thực vật trong 3 bữa ăn chính. Hạn chế hoặc không nên ăn lòng, các loại thịt có màu đỏ (thịt trâu, bò, chó…) bởi vì trong các loại thực phẩm này chứa nhiều cholesterol, triglycerit. NCT nên ăn cá thay cho thịt (mỗi tuần nên ăn 2 - 3 bữa cá, chọn loại cá giàu omega-3 như cá hồi, cá ngừ). NCT nên tăng cường ăn rau, trái cây như cam, bưởi, táo, nho, cam quýt, bắp cải, củ cải, cải bẹ, cải xanh, cà rốt, cà chua, cà tím, đu đủ, hành… (mỗi ngày nên ăn khoảng 200g rau lá, 100g củ quả, 200g quả chín); các loại hạt (đỗ, lạc, giá đỗ). Nên kiêng rượu bia hoặc hạn chế đến mức tối đa. Tập thể dục đều đặn hoặc chơi các môn thể thao nhẹ nhàng (cầu lông, bóng bàn…) hoặc đi bộ (là hình thức vận động phù hợp nhất với NCT). Tuy vậy, mỗi ngày chỉ nên đi bộ khoảng 60 phút, chia làm 2 - 3 lần, không nên đi bộ một lúc 60 phút và không nên đi bộ vào lúc trời nắng hoặc thời tiết lạnh. Hạn chế tăng cân, béo phì (bằng chế độ ăn uống hợp lý và vận động cơ thể). Khi đã được xác định tăng mỡ máu, NCT cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không tự động tăng liều hoặc giảm liều hoặc quên không uống thuốc. Ngoài ra, nên đi khám bệnh định kỳ để biết được tình trạng mỡ máu và bệnh huyết áp (nếu có) có diễn biến khác thường hay không. Nếu vừa bị tăng huyết áp vừa bị tăng mỡ máu thì không được chủ quan, xem thường vì biến chứng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

PGS.TS. Bùi Khắc Hậu




Ý kiến của bạn