Clopheniramin tôi sẽ là người giúp bạn thoát khỏi tình trạng trên. Không chỉ có vậy, tôi còn giúp cho cả những người bị viêm mũi dị ứng mùa và quanh năm; những người bị các triệu chứng dị ứng khác như mày đay, viêm mũi vận mạch do histamin, viêm kết mạc dị ứng, phù Quink, dị ứng thức ăn, phản ứng huyết thanh, côn trùng đốt, ngứa ở người bệnh bị sởi hoặc thủy đậu... nữa đấy. Các nhà bào chế còn sản xuất tôi phối hợp với các thành phần khác như paracetamol, pseudoephedrin, dextromethophan... trong nhiều chế phẩm đa thành phần để chữa ho và cảm lạnh.
Do là thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1 nên hạn chế của clopheniramin là khi uống vào sẽ gây buồn ngủ, đó là do tác dụng an thần của thuốc. Tuy nhiên, nhược điểm này sẽ trở thành ưu điểm vì khi ngủ được sẽ giúp các bạn quên đi cái ngứa (trong dị ứng) hay nước mũi chảy ròng (trong cảm cúm)... nhưng nhớ là khi uống thuốc không được làm những việc đòi hỏi cần tới sự tỉnh táo như lái xe, làm việc trên cao, hoặc đòi hỏi sự chính xác cao. Bác sĩ khuyên rằng, clorpheniramin nên được uống vào buổi tối trước khi đi ngủ, vừa là thời gian để người bệnh nghỉ ngơi, giúp ngủ tốt hơn và an toàn hơn khi dùng vào ban ngày...
Ngoài bất lợi trên, khi dùng clorpheniramin dài ngày hoặc liều cao có thể gây khô miệng, chóng mặt... Các phản ứng này hầu hết người bệnh đều chịu đựng được khi điều trị liên tục, đặc biệt nếu tăng liều từ từ. Người bệnh cũng cần đặc biệt cảnh giác với nguy cơ bí tiểu tiện do tác dụng phụ chống tiết acetylcholin của thuốc, đặc biệt ở người phì đại tuyến tiền liệt, tắc đường niệu, tắc môn vị tá tràng và làm trầm trọng thêm ở người bệnh nhược cơ; và có nguy cơ làm biến chứng đường hô hấp, suy giảm hô hấp và ngừng thở ở người bị bệnh phổi tắc nghẽn hay ở trẻ em nhỏ nên phải thận trọng dùng trong những trường hợp này. Còn về liều dùng, các bạn cần dùng đúng liều theo khuyến cáo của nhà sản xuất (được in trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đi kèm với thuốc) hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
Nắm chắc được những điều này sẽ giúp các bạn sử dụng thuốc một cách an toàn và hiệu quả.