Ngựa như là ân nhân…

02-02-2014 13:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Con người thuần hóa ngựa sớm nhất cách đây 5.500 năm. Vào thời đại đồ đồng, nhiều bộ lạc châu Á rồi sau đó là Bắc Âu và Tây Âu đã bắt đầu thuần hóa ngựa hoang. Ngựa không chỉ là phương tiện để đi lại mà ngựa như là “ân nhân” cứu người.

 

 

Con người thuần hóa ngựa sớm nhất cách đây 5.500 năm. Vào thời đại đồ đồng, nhiều bộ lạc châu Á rồi sau đó là Bắc Âu và Tây Âu đã bắt đầu thuần hóa ngựa hoang. Ngựa không chỉ là phương tiện để đi lại mà ngựa như là “ân nhân” cứu người.

Trong y học, người ta đã dùng huyết thanh của ngựa để chế tạo nhiều loại huyết thanh để điều trị như: uốn ván, bạch hầu, bệnh dại, chống nọc độc khi bị rắn, nhện cắn…

Bác sĩ người Đức Emil von Behring (1893) dùng huyết thanh từ ngựa đã được tạo miễn nhiễm để trị bệnh bạch hầu. Ngựa khỏe mạnh được lựa chọn và nuôi riêng, được chích những liều độc tố, từ liều nhỏ đến liều tăng dần của vi khuẩn hoặc nọc độc của các động vật có chất độc. Cơ thể ngựa tạo ra những chất kháng độc (antitoxins) và kháng nọc (antivenoms) trong máu. Những chất này có tính cách đặc trị và được dùng để trị những trường hợp nhiễm riêng từng độc tố như: bạch hầu, uốn ván, chó dại… hoặc khi bị cắn theo riêng từng loài như rắn hổ, rắn lục… Những người bị dị ứng với máu ngựa cần được thử nghiệm phản ứng ngoài da trước khi dùng huyết thanh ngựa.

Huyết thanh ngựa cũng được dùng làm thuốc bảo vệ cơ thể những bệnh nhân được ghép, thay nội tạng…

Nước tiểu của ngựa cái trong giai đoạn mang thai được dùng để điều trị các rối loạn về kích thích tố cho phụ nữ từ năm 1942. Đó là chất estrogen “liên kết” nguồn gốc từ ngựa được dùng cho người ở giai đoạn mãn kinh, trị các rối loạn như: nóng bừng mặt, khó chịu, ngứa, khô nơi vùng sinh dục. Để chế tạo thuốc này, con ngựa thật sự phải hy sinh vì sức khỏe của con người. Muốn lấy nước tiểu của ngựa, người ta chọn ngựa cái khỏe mạnh, sau khi cho thụ tinh, rồi nhốt liên tục con ngựa đó trong 6 tháng ở những cái chuồng chật hẹp, đeo túi ny lon để hứng nước tiểu trực tiếp. Những túi này làm cho ngựa bị giới hạn các hoạt động, gây nhiễm trùng. Sau khi lấy hết nước tiểu, ngựa cái này sẽ bị suy kiệt, sinh ra con ngựa con cũng bị èo uột, khó nuôi.

Ở nước ta, năm 1896, bác sĩ Yersin đã lên vùng Suối Dầu, Nha Trang, thành lập một trang trại chăn nuôi ngựa lấy huyết thanh bào chế vắc-xin phòng chống bệnh dịch hạch. Và cũng từ trại ngựa này, Yersin đã sáng chế ra những loại huyết thanh cổ điển khác như: kháng huyết thanh bạch hầu, uốn ván. Cho đến nay, với hơn 100 năm tồn tại và phát triển, trại chăn nuôi vùng Suối Dầu đã trở thành một trung tâm sản xuất vắc-xin lớn trong khu vực, với số lượng thú nuôi phục vụ nghiên cứu khoa học đứng đầu trong cả nước gồm ngựa, thỏ, chuột lang, chuột bạch. Tiếp bước theo công trình của bác sĩ Yersin, các thầy thuốc người Việt ở trại chăn nuôi Suối Dầu đã tiếp tục bào chế ra những kháng huyết thanh mới từ ngựa như kháng huyết thanh trị các bệnh do virút, trị nọc độc rắn cắn, mới đây nhất là nghiên cứu phát triển loại kháng huyết thanh chữa ngộ độc cá nóc cho ngư dân miền biển.

Như vậy, từ hàng ngàn năm nay ngựa luôn là người bạn thân thiết của con người, ngựa cũng vừa như là ân nhân cứu người. Ngựa là con vật thông minh, khôn ngoan sống gần người và không những được con người yêu quý trong đời sống mà còn kề vai sát cánh cùng con người xông pha nơi trận mạc. Ngựa vừa có dáng vẻ đẹp đẽ, mạnh mẽ, sung mãn, lại vừa có phong thái nhẹ nhàng, thanh nhã, hiền lành. Ngựa đó đức tính trung thành với con người, con ngựa được coi là con vật có tình nghĩa “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”.

Năm Giáp Ngọ 2014 đã đến, chúng ta tin rằng cuộc sống của chúng ta sẽ tốt hơn, an lành hơn, hạnh phúc hơn, phát triển nhanh hơn vì năm Ngọ là một năm may mắn nhất trong quan điểm văn hóa tâm linh của người Á Đông, trong đó có Việt Nam.

BS. NGUYỄN THÀNH ÚC

 


Ý kiến của bạn