Hà Nội

Ngứa mắt do dị ứng nhỏ thuốc gì?

17-08-2023 11:33 | An toàn dùng thuốc

SKĐS – Ngứa mắt do dị ứng khá thường gặp, gây cảm giác khó chịu cho người mắc. Có nhiều loại thuốc điều trị tình trạng này. Tuy nhiên, cần lưu ý tìm hiểu kỹ vì có những thuốc cần phải lưu ý khi sử dụng.

1. Vì sao ngứa mắt?

Ngứa mắt là một triệu chứng thường gặp khi mắt bị kích ứng và gây cảm giác ngứa ngáy rất khó chịu. Dị ứng, tác động của môi trường, vi khuẩn, virus, khô mắt hay thậm chí là căng thẳng... tất cả đều có thể góp phần tạo nên cảm giác ngứa khó chịu cho đôi mắt. Trong đó, dị ứng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ngứa mắt.

Dị ứng thường xuất phát từ sự phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch với các yếu tố gây kích thích trong môi trường. Phấn hoa, bụi bẩn, nấm mốc và thậm chí lông của vật nuôi như chó, mèo có thể kích thích sự phản ứng này. Khi chất gây dị ứng tiếp xúc với mắt, hệ thống miễn dịch phản ứng bằng cách tạo ra histamine làm cho mắt bị viêm nhiễm và gây ngứa.

Ngứa mắt, nhỏ thuốc gì? - Ảnh 1.

Ngứa mắt do dị ứng tình trạng khá thường gặp.

Cùng với ngứa, các triệu chứng khác có thể xuất hiện, bao gồm nóng rát, sưng mí mắt, đỏ mắt, cảm giác có dị vật trong mắt, nhạy cảm với ánh sáng, chảy nước mắt, mờ mắt...

Ngoài ra, có một số nguyên nhân khác có thể gây ngứa mắt, bao gồm viêm kết mạc, viêm bờ mi, rối loạn chức năng tuyến meibomian (rối loạn chức năng của tuyến dầu mí mắt), viêm màng bồ đào…

Đối mặt với tình trạng ngứa mắt dai dẳng hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhãn khoa để được điều trị phù hợp với nguyên nhân.

2. Thuốc giảm ngứa mắt

Có nhiều loại thuốc giảm ngứa mắt. Những loại thuốc này giúp kiểm soát cảm giác ngứa và giảm viêm nhiễm. Tuy nhiên, việc tìm hiểu nguyên nhân cụ thể của ngứa mắt, tránh tiếp xúc với các tác nhân gây kích thích và duy trì sự sạch sẽ cho vùng mắt cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ ngứa mắt tái phát.

Trong trường hợp dị ứng, cần tham khảo ý kiến bác sĩ nhãn khoa để làm rõ chẩn đoán và thiết lập phương pháp điều trị thích hợp nhất.

Dưới đây là một số loại thuốc giảm ngứa mắt do dị ứng phổ biến:

2.1 Thuốc nhỏ mắt kháng histamine và chất ổn định tế bào mast giảm ngứa mắt

Ngứa mắt và các triệu chứng dị ứng khác thường do tác động của histamine. Do đó, việc ngăn chặn tác động của histamine trực tiếp bằng cách sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng histamin có thể giảm thiểu hoặc loại bỏ triệu chứng ngứa, đỏ, và chảy nước mắt.

Thuốc nhỏ mắt kháng histamin có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp với các thành phần khác như chất ổn định tế bào mast để tăng khả năng kiểm soát các triệu chứng dị ứng.

Chất ổn định tế bào mast cũng ngăn chặn việc giải phóng histamine và các hóa chất khác được giải phóng trong các phản ứng dị ứng. Vì vậy, cả hai thành phần này đều làm giảm ngứa mắt, ngăn chặn phản ứng dị ứng bùng phát. Hai loại thuốc này thường được kết hợp thành một dung dịch nhỏ mắt.

Ví dụ về thuốc nhỏ mắt kết hợp kháng histamine/ổn định tế bào mast bao gồm:

  • Epinastin
  • Ketotifen
  • Olopatadine

Cần lưu ý, thuốc kháng histamine/chất ổn định tế bào mast hiệu quả để giảm triệu chứng, nhưng không nên dùng để phòng ngừa, do thuốc có chứa chất bảo quản nếu sử dụng lâu dài có thể dẫn đến khô mắt.

2.2 Thuốc nhỏ mắt chống viêm

Khi mắt bị kích thích do dị ứng, có thể bị viêm, đỏ, khô và ngứa. Đó là lý do tại sao thuốc nhỏ mắt chống viêm có thể được sử dụng. Có hai loại thuốc nhỏ mắt chống viêm: Thuốc nhỏ mắt NSAID và thuốc nhỏ mắt corticosteroid.

Một số loại thuốc nhỏ mắt chống viêm thông dụng bao gồm :

  • Ketorolac
  • Loteprednol 0,2%
  • Loteprednol 0,5%

Tuy nhiên, thuốc có một số tác dụng phụ cần lưu ý:

  • Đối với thuốc nhỏ mắt NSAID, các tác dụng phụ phổ biến nhất bao gồm nóng rát hoặc châm chích.
  • Thuốc nhỏ mắt corticosteroid dùng dài hạn có thể gây nhiễm trùng, đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp, đó là lý do tại sao nên sử dụng các loại thuốc này không quá hai tuần.
Ngứa mắt, nhỏ thuốc gì? - Ảnh 2.

Có nhiều loại thuốc nhỏ mắt giúp kiểm soát cảm giác ngứa và giảm viêm nhiễm.

2.3 Thuốc kháng histamin đường uống

Thuốc kháng histamin đường uống điều trị các triệu chứng dị ứng bằng cách ngăn chặn việc giải phóng histamin khắp cơ thể. Trong trường hợp ngứa mắt do dị ứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc uống kháng histamine để kiểm soát triệu chứng. Thuốc có khả năng làm giảm sự phản ứng của cơ thể với các yếu tố gây dị ứng. Từ đó giảm nguy cơ bùng phát triệu chứng.

Một số loại thuốc kháng histamine đường uống phổ biến bao gồm:

  • Cetirizine
  • Loratadin
  • Desloratadine
2.4 Nước mắt nhân tạo

Sản phẩm này giúp bổ sung độ ẩm cho mắt, làm giảm cảm giác khô và ngứa mắt. Nước mắt nhân tạo thường được dung nạp tốt, nhưng có thể xảy ra phản ứng dị ứng với những sản phẩm này. Các triệu chứng bao gồm phát ban da, khó thở, thở khò khè và chảy nước mũi.

3. Ngứa mắt nên làm gì?

Mặc dù thuốc có thể điều trị mắt bị kích ứng, giảm ngứa, nhưng tốt nhất là ngăn ngừa kích ứng ngay từ đầu.

Các lựa chọn để ngăn ngừa các triệu chứng dị ứng bao gồm:

  • Giảm thiểu tiếp xúc với chất gây dị ứng.
  • Không dụi mắt.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước.
  • Đeo kính để giảm chất gây dị ứng xâm nhập vào mắt.
  • Giặt khăn trải giường thường xuyên (đặc biệt là vỏ gối)
  • Nếu nhà có nuôi động vật, cần dọn dẹp, hút lông thường xuyên

4. Khi nào cần khám bác sĩ?

Ngứa mắt thường do dị ứng gây ra và không phải là điều đáng lo ngại. Nhưng trong một số trường hợp, ngứa mắt có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn. Khi đau mắt, nhìn mờ, chảy dịch nhầy, nhạy cảm với ánh sáng, sưng, đỏ mắt, ngày càng trầm trọng hơn, cần đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được kiểm tra và tư vấn về nguyên nhân cụ thể và các biện pháp điều trị thích hợp.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Cách Điều Trị Đau Mắt Đỏ Do Virus Hoặc Vi Khuẩn | SKĐS

DS. Vũ Thuỳ Dương
Ý kiến của bạn