Ngứa là triệu chứng thường gặp nhất trong chuyên khoa da liễu, nó có thể làm cho cuộc sống của bệnh nhân trở nên tồi tệ. Định nghĩa về ngứa có từ thế kỷ thứ 17: “Ngứa là một cảm giác khó chịu mà người ta buộc phải gãi ngay lập tức” và cho đến nay người ta vẫn chưa tìm thấy một định nghĩa nào đúng hơn.
Ngứa và gãi gắn liền một cách chặt chẽ với nhau. Về mặt sinh lý học, ngứa đôi khi cũng là một triệu chứng của một căn bệnh thực sự. Ngứa cũng như đau có thể làm cho cuộc sống của bệnh nhân bị tổn hại bởi vì ngứa quá sẽ gây mất ngủ và đôi khi gây cả trầm cảm. Ngày nay, người ta đã nhận thức ra rằng ngứa không phải là một “vấn đề nhỏ nhặt”. Các đường dẫn truyền thần kinh gây ngứa và gây đau hoàn toàn riêng biệt. Sự tồn tại của các điểm tiếp nhận riêng đối với cảm giác ngứa ở đầu tận cùng của các sợi thần kinh cảm giác. Các sợi thần kinh cảm giác này bị kích hoạt một cách chọn lọc bởi histamin, đây chính là chất dẫn truyền thần kinh trung gian của ngứa. Vừa mới đây, các nhà nghiên cứu Mỹ đã chỉ rõ các tế bào thần kinh của tủy sống mà các đầu mút tận cùng trên da của chúng có các điểm tiếp nhận rất nhạy cảm đối với các tác nhân gây ngứa. Sự ức chế các tế bào thần kinh này làm mất đi cảm giác ngứa nhưng không thay đổi cảm giác đau. Những trường hợp ngứa không phải do histamin thường khó điều trị do thiếu các loại thuốc hiệu quả.
Chữa trị ngứa mạn tính cần sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ chuyên khoa da liễu và tâm thần.
Các nguyên nhân gây ngứa
Triệu chứng ngứa có thể có các nguyên nhân khác nhau, trước tiên phải xác định nguyên nhân và sau đó mới điều trị nguyên nhân này. Ngứa mạn tính kéo dài hơn 6 tuần, 9 trên 10 trường hợp nguyên nhân bắt nguồn từ bệnh da. Những bệnh chủ yếu gây ngứa mạn tính là bệnh eczema, mày đay và vẩy nến là loại bệnh mà trước đây người ta nghĩ là không bị ngứa.
Trong bệnh eczema phản ứng viêm da nổi bật hàng đầu nên điều trị chủ yếu dựa trên việc sử dụng corticoid bôi da để chống viêm và giảm ngứa, nên cần có thể dùng thêm thuốc an thần gây ngủ.
Còn trong bệnh mày đay chính sự giải phóng ra histamin của các tế bào da và của các tế bào mastocyte là nguyên nhân gây ngứa. Những thuốc kháng histamin H1 gây ức chế các điểm tiếp nhận histamin H1 là một sự chọn lựa điều trị hợp lý.
Việc chẩn đoán mày đay thường dựa vào lâm sàng, đó là sự xuất hiện những mảng đỏ trên da gây rất ngứa nhưng thường khỏi nhanh. Nguyên nhân mày đay cấp thường dễ tìm thấy, nhưng 70% các trường hợp mày đay mạn tính thường không tìm thấy yếu tố khởi phát. Ở một số bệnh nhân các tế bào mastocyte của da sản sinh histamin và đủ để kích hoạt gây ngứa nhưng không đến mức gây ra mày đay. Chính gãi phát sinh mày đay dưới dạng những đường vạch màu đỏ trên da khi da bị gãi. Đây chính là chứng da vẽ nổi chiếm khoảng 2-3% dân số.
Nguyên nhân gây ngứa trầm trọng khác hay gặp là do chấy rận và ghẻ, chúng ta phải nghĩ đến khi có nhiều thành viên trong gia đình bị ngứa. Ghẻ có thể gây nên rất ngứa, ngứa thường xảy ra ở giữa các ngón tay và cổ tay, ở đây có thể nhìn thấy những đường rãnh do ghẻ làm tổ và chúng mất đi khi điều trị khỏi.
Các ký sinh trùng đường ruột cũng có thể là nguyên nhân gây chứng ngứa hậu môn ở trẻ em trong khi ngứa ở vùng hậu môn sinh dục ở người lớn phải tìm nguyên nhân do các bệnh lây truyền qua đường tình dục hay nguyên nhân do bệnh lý trực tràng. Do đó, sau khi tẩy giun và điều trị khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ khỏi ngứa và mày đay...
Cấu trúc synap dẫn truyền thần kinh.
Chữa trị thế nào?
Trước hết ta cần tái lập lại bình thường tổ chức da.
Người ta nhận thấy khoảng dưới 10% ngứa mạn tính có nguyên nhân một bệnh nội khoa chung.
Nhiều bệnh lý gan mật, trong đó có bệnh viêm gan virut C thường kèm theo ngứa mà đôi khi ngứa trầm trọng, nhất là về đêm. Ở đây nguyên nhân bắt nguồn từ sự ứ mật trong da mà gây ra cảm ứng hình thành opiate nội sinh (một dạng thuốc phiện), chất này kích hoạt các cảm thụ quan gây ngứa lặp đi lặp lại kéo dài như cơ chế nghiện chất.
Trong trường hợp suy thận mạn tính, ngứa biểu hiện rất trầm trọng và có thể giảm bớt sau khi thẩm phân phúc mạc lọc máu và có thể khỏi sau khi ghép thận.
Nếu ngứa xuất hiện đơn độc mà không có một dấu hiệu nào khác thì trước hết phải nghĩ đến nguyên nhân do dị ứng thuốc hay thức ăn và khi ngừng thuốc và loại thức ăn đó thì ngứa sẽ giảm và mất đi... trong trường hợp hiếm gặp có thể ngứa biểu hiện từ rất lâu trước khi ta phát hiện một bệnh lý thuộc hệ lympho biểu lộ ở da gặp trong bệnh lympho Hodgkin.
Các bệnh như đái tháo đường, các bệnh tuyến giáp, thiếu hụt sắt, các bệnh thần kinh (như xơ cứng rải rác, tai biến mạch máu não...) cũng có thể gây ra ngứa, một số trường hợp bị ngộ độc như ngộ độc các chất dạng thuốc phiện cũng gây ngứa. Để lâu ngứa sẽ trở thành một rối loạn ám ảnh dai dẳng rất khó điều trị.
Một số giai đoạn của cuộc đời cũng dễ bị ngứa như ở trẻ em do viêm da dị ứng. Trường hợp hiếm gặp ngứa do thai nghén xảy ra ở phụ nữ đang mang thai là dạng ngứa do sỏi mật. Ngứa cũng hay gặp ở người già tăng lên do tình trạng khô da, nhất là do sự lão hóa của hệ thống thần kinh ở da theo cơ chế gần giống với những người bị cắt cụt chi.
Trong tất cả các trường hợp ngứa việc chăm sóc da tại chỗ như đảm bảo độ ẩm của da một cách thích hợp và phục hồi lại cấu tạo cơ bản của da là một cách điều trị hợp lý.
Ngứa cũng có thể gây nên vấn đề tâm thần trầm trọng như làm bệnh nhân cáu kỉnh, trầm cảm gây gổ, mất tự tin khi giao tiếp... mà nó biểu lộ khác nhau tùy từng cá thể và trong tâm thần gãi ngứa có thể tiến triển mạn tính được xếp vào nhóm bệnh rối loạn kiểm soát xung động giống như chứng nhổ tóc, cắn móng tay...
Ngứa dai dẳng có thể là do bệnh nhân rất mệt mỏi và khó chịu đựng có thể gây trầm cảm kích động mất ngủ nặng nề và ngược lại tình trạng tâm thần tốt có tác dụng giảm ngứa. Do đó, việc trị ngứa cần được điều trị đúng nguyên nhân và cần một sự phối hợp chặt chẽ giữa các bác sĩ da liễu cũng như các bác sĩ tâm thần...