Hà Nội

Ngừa giãn tĩnh mạch tinh ở tuổi thiếu niên

04-04-2017 08:35 | Đời sống
google news

SKĐS - Giãn tĩnh mạch tinh là sự giãn to bất thường của hệ thống tĩnh mạch của tinh hoàn. Đây là tình trạng tương đối phổ biến ở trẻ trai...

Giãn tĩnh mạch tinh là sự giãn to bất thường của hệ thống tĩnh mạch của tinh hoàn. Đây là tình trạng tương đối phổ biến ở trẻ trai, nhất là khi đến tuổi dậy thì và có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản khi đến tuổi trưởng thành.

Giãn tĩnh mạch tinh có thể gặp ở 14-20% thiếu niên – tỉ lệ tương đương với người lớn. Điều cần lưu ý là trong số này, có khoảng 20% có vấn đề về chức năng sinh sản. Hầu hết xảy ra ở bên trái, bên phải đơn thuần rất ít gặp, thường trong bệnh cảnh cả 2 bên.

Vì sao giãn tĩnh mạch tinh thường gặp ở tuổi dậy thì?

Do đây là thời điểm có sự phát triển mạnh về cả cơ thể và cơ quan sinh dục của trẻ. Tinh hoàn phát triển nhanh chóng, gia tăng lượng máu đến tinh hoàn, áp lực cao làm cho các mạch máu trở nên căng và giãn ra. Kích thước mạch máu tăng lên để chứa lượng máu ứ trệ lại tạo cơ hội cho sự trào ngược dòng máu từ tĩnh mạch trung tâm trở lại hệ thống tĩnh mạch tinh.

Thông thường, nhờ những cơ chế trao đổi nhiệt phức tạp, dòng máu đến tinh hoàn được duy trì ở nhiệt độ 33°C. Giãn tĩnh mạch tinh làm rối loạn cơ chế này và làm tăng nhiệt độ tinh hoàn, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tinh trùng. Ngoài ra, nó còn làm mất cân bằng hormon và sự trao đổi oxy trong tinh hoàn. Có 2 loại tế bào trong mô tinh hoàn, tế bào sản xuất tinh trùng và tế bào sản xuất hormon sinh dục nam testosteron. Cả 2 loại tế bào này đều bị ảnh hưởng bởi giãn tĩnh mạch tinh. Ở tuổi thiếu niên, giãn tĩnh mạch tinh còn ảnh hưởng đến sự phát triển của tinh hoàn. Giãn tĩnh mạch tinh không gây ảnh hưởng đến sự cương cứng, kích thước dương vật, ham muốn tình dục, nam tính hay quá trình dậy thì.

Giãn mạch tinh ở thiếu niên thường xảy ra ở bên trái.

Cơ chế giãn tĩnh mạch tinh

Đến nay, cơ chế bệnh sinh vẫn chưa hoàn toàn được sáng tỏ, có thể có liên quan đến yếu tố di truyền. Giãn tĩnh mạch tinh hay gặp ở bên trái hơn bên phải là do nguyên nhân về mặt giải phẫu: tĩnh mạch tinh trong bên phải đổ vào tĩnh mạch thận phải, trong khi đó, tĩnh mạch tinh trong bên trái đổ trực tiếp vào tĩnh mạch chủ dưới, chính vì thế, áp lực trong lòng tĩnh mạch tinh bên trái cao hơn bên phải, nguy cơ giãn bất thường cao hơn.

Dấu hiệu và triệu chứng giãn tĩnh mạch tinh

Thông thường, giãn tĩnh mạch tinh không có triệu chứng rõ ràng và không được để ý cho đến khi được bác sĩ tình cờ phát hiện nhờ thăm khám tinh hoàn.

Đôi khi bố mẹ và tự bản thân trẻ nhận thấy vùng phía trên tinh hoàn xuất hiện một khối chứa những búi giãn ngoằn ngoèo. Khối này thấy rõ khi trẻ đứng và giảm xuống ở tư thế nằm.

Đôi khi, sau một hoạt động gắng sức, thời tiết nóng nực, hoặc sau khi trẻ phải đứng lâu, trẻ có cảm giác tức nặng vùng bìu. Cảm giác này tăng lên thành dấu hiệu đau âm ỉ tinh hoàn bên bị bệnh.

Phân loại giãn tĩnh mạch tinh

Độ 0: Không có triệu chứng, không quan sát thấy, phát hiện qua siêu âm.

Độ 1: Có triệu chứng khi gắng sức.

Độ 2: Có thể sờ thấy nhưng không quan sát thấy.

Độ 3: Quan sát thấy bằng mắt thường.

Trong thời kì dậy thì, thể tích tinh hoàn có thể tăng từ 2ml lên đến 16ml. Tinh hoàn được xác định là nhỏ khi thể tích chênh lệch giữa 2 tinh hoàn từ 2ml trở lên. Thể tích này được đo chính xác nhất qua siêu âm tinh hoàn. Ở người trưởng thành, giãn tĩnh mạch tinh có chỉ định mổ khi mà xét nghiệm tinh dịch đồ có bất thường hoặc bệnh nhân có vấn đề về khả năng sinh sản. Ngoài ra, cũng có thể chỉ định mổ khi khối tĩnh mạch tinh giãn rất to hoặc triệu chứng gây khó chịu cho người bệnh. Kích thước của tĩnh mạch tinh giãn cũng là một yếu tố tiên lượng cho chất lượng của tinh trùng và sự phát triển của tinh hoàn.

Biện pháp điều trị giãn tĩnh mạch tinh

Có rất nhiều phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch tinh. Mục tiêu chung của tất cả các phương pháp đó là thắt các tĩnh mạch tinh giãn bệnh lý. 3 phương pháp được sử dụng phổ biến hiện nay là: phẫu thuật nội soi ổ bụng, thắt tĩnh mạch tinh ngoài phúc mạc và vi phẫu thắt tĩnh mạch tinh đường bẹn. Cả 3 phương pháp này đều là phẫu thuật can thiệp tối thiểu. Tỉ lệ biến chứng chung của cả 3 phương pháp: 2-15% tái phát, tràn dịch màng tinh hoàn (1-10%). Ngoài ra, phẫu thuật nội soi ổ bụng có thêm biến chứng về tổn thương các tạng trong ổ bụng hoặc chảy máu (dưới 1%). Một số biến chứng hiếm gặp khác bao gồm: teo tinh hoàn, nhiễm khuẩn vết mổ hay đau tức tinh hoàn. Thời gian mổ khoảng 1 giờ. Bệnh nhân có thể ra viện trong ngày.


ThS.BS. Trần Đức Tâm (Khoa Nhi - BV Việt Đức)
Ý kiến của bạn