Để hiểu rõ hơn về Đề án này phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Nguyễn Thanh Đề – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất Bộ Giáo dục & Đào tạo.
PGS. TS. Nguyễn Thanh Đề.
Phóng viên: PGS. có thể cho biết về bối cảnh ra đời của Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 – 2025”?
PGS.TS. Nguyễn Thanh Đề: Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm (BKLN), mà các nguy cơ chủ yếu lại liên quan đến hành vi lối sống như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ dinh dưỡng không hợp lý và ít hoạt động thể lực và một số yếu tố nguy cơ khác. Mặc dù trong những năm qua, ngành giáo dục đã đạt được những kết quả tích cực trong việc đưa nội dung giáo dục về dinh dưỡng vào chương trình giáo dục từ cấp học mầm non tới đại học thông qua tích hợp, lồng ghép trong các môn học có liên quan và các hoạt động giáo dục. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn nhiều những khó khăn, thách thức như: Việc xây dựng khẩu phần ăn của học sinh còn chưa đa dạng, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số cơ sở giáo dục vẫn chưa được đảm bảo, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em, đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi cùng với thiếu vi chất dinh dưỡng đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chiều cao, tầm vóc của người Việt Nam (tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi ở khu vực miền núi phía Bắc là 30,3% và Tây Nguyên 34,2%). Song song với tình trạng suy dinh dưỡng, tỷ lệ thừa cân, béo phì có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở khu vực thành thị và các thành phố lớn (năm 2015, tỷ lệ thừa cân - béo phì ở trẻ em trên toàn quốc là 5,3%); chiều cao nam và nữ thanh niên Việt Nam thấp hơn so với mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới; sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức thấp so với chuẩn quốc tế, chỉ có 20,5% học sinh có hoạt động thể lực ít nhất 60 phút/ngày và từ 5 ngày trở lên/tuần đáp ứng mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới… Từ thực tế trên cho thấy việc xây dựng Đề án là rất cần thiết trong tình hình hiện nay.
Phóng viên: Đề án này có ý nghĩa gì đối với sức khỏe của học sinh, sinh viên và cộng đồng, thưa PGS.?
PGS. TS. Nguyễn Thanh Đề: Việc triển khai thực hiện Đề án sẽ mang đến hiệu quả và có những tác động to lớn như: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục trong việc xây dựng và chỉ đạo thực thi chính sách; nâng cao hiểu biết và thực hành của giáo viên, học sinh, sinh viên, cán bộ y tế trường học, cha mẹ học sinh về dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực và phòng, chống các BKLN; từ trường học, thói quen thực hành dinh dưỡng hợp lý và tăng cường các hoạt động thể lực sẽ lan tỏa tới các cộng đồng và toàn xã hội, giúp người dân có nhận thức đúng, phát hiện sớm và kiểm soát các yếu tố nguy cơ của BKLN; góp phần tăng số lượng trẻ em, học sinh, sinh viên được phát hiện sớm, tư vấn, can thiệp và điều trị kịp thời, giảm tỷ lệ mắc các BKLN ở lứa tuổi học đường, nâng cao chất lượng sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên, đồng thời giảm thiểu cho xã hội gánh nặng bệnh tật, tử vong của các BKLN, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và giúp ngành giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên…
Phóng viên: Thưa PGS. ngành giáo dục đã triển khai đề án này như thế nào?
PGS. TS. Nguyễn Thanh Đề: Ngay sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện đề án. Theo đó, từng nhiệm vụ cụ thể, tiến độ, thời gian thực hiện nhiệm vụ đã được phân công chi tiết cho các đơn vị trong bộ và các cơ sở giáo dục thực hiện từ năm 2019 cho đến năm 2025. Trong đó Bộ GD&ĐT tập trung vào công tác xây dựng cơ chế, chính sách và công tác truyền thông, giáo dục về dinh dưỡng, hoạt động thể lực trong các cơ sở giáo dục, đồng thời chú trọng vào việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục về dinh dưỡng và chế độ hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh sinh viên, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ y tế trường học về công tác bảo đảm dinh dưỡng và tăng cường thể lực trong các cơ sở giáo dục.
Trong tháng 8 này, Bộ GD&ĐT có Hội thảo tập huấn đầu tiên để hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ Đề án và phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt được các mục tiêu mà Đề án đã đề ra.
Tháp dinh dưỡng cho trẻ tiểu học.
Phóng viên: Để Đề án đạt được mục tiêu cần có những giải pháp cụ thể nào, thưa PGS.?
PGS. TS. Nguyễn Thanh Đề: Để đạt được mục tiêu cần có sự chung tay vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp. Ngành Giáo dục tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: Hoàn thiện các cơ chế chính sách, trong đó có hoàn thiện đổi mới hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trường học, nghiên cứu xây dựng nội dung giáo dục bắt buộc về chế độ dinh dưỡng hợp lý, chế độ hoạt động thể chất phù hợp; đẩy mạnh công tác truyền thông về dinh dưỡng và hoạt động thể thao trong trường học; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phục vụ việc đảm bảo dinh dưỡng, giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học; tăng cường công tác quản lý về dinh dưỡng học đường và giáo dục thể chất trong các cơ sở giáo dục; huy động nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo đảm dinh dưỡng và hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Ngoài nguồn lực đầu tư từ ngân sách, sẽ chú trọng huy động xã hội hóa, thực hiện lồng ghép phù hợp với các chương trình, Đề án đã được phê duyệt và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Phóng viên: PGS. có thông điệp gì gửi tới các em học sinh, sinh viên để có sức khỏe tốt ở lứa tuổi học đường?
PGS. TS. Nguyễn Thanh Đề: Đối với trẻ em, học sinh, sinh viên, việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết đáp ứng nhu cầu của từng giai đoạn phát triển của cơ thể và tăng cường hoạt động thể lực sẽ giúp các em phát triển tốt về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Ngược lại, nếu thừa dinh dưỡng hoặc lười vận động thể lực sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh thừa cân, béo phì và bệnh không lây nhiễm sau này. Để tránh các nguy cơ không có lợi cho sức khỏe, các em HSSV cần được nâng cao nhận thức về dinh dưỡng và thể lực, ăn uống khoa học với chế độ ăn nhiều rau xanh và hoa quả, không sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn nhiều chất béo, đồ uống có ga… tham gia các hoạt động thể lực như tập thể dục, các câu lạc bộ thể thao hay các trò chơi vận động, đi bộ, đi xe đạp… không những giúp cho các em phát triển về thể chất mà còn giúp cho các em hoàn thiện bản thân, tăng hiểu biết xã hội, tính chủ động và phát huy tinh thần tập thể, góp phần làm giảm đáng kể nguy cơ của các bệnh lý về tim mạch, béo phì, rối loạn chuyển hóa, ung thư, ĐTĐ, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính và một số BKLN khác gây tử vong sớm hiện nay.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn PGS.!