Bệnh thủy đậu là một bệnh lành tính nhưng cũng có thể có một số người bệnh bị biến chứng hoặc biến chứng nguy hiểm. Biến chứng của bệnh thủy đậu có thể là nhiễm khuẩn nốt thủy đậu gây viêm da mưng mủ, khi khỏi để lại sẹo và có thể gây nhiễm khuẩn huyết. Ngoài ra có thể gây viêm tai ngoài, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm phổi. Một số trường hợp nặng có thể gây viêm thận cấp (tiểu ra máu) nhưng sau khoảng vài tuần sẽ khỏi. Nguy hiểm nhất là biến chứng viêm não - màng não hết sức nguy hiểm.
Khi trẻ mắc thủy đậu, cần giữ vệ sinh sạch sẽ và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn.
Bệnh dễ lây lan thành dịch
Đặc điểm của của bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan thành dịch. Bệnh thủy đậu do virut Varicella - Zoster gây ra. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi (nếu cơ thể chưa có miễn dịch chống lại chúng) nhưng trẻ nhỏ gặp nhiều hơn cả. Bệnh lây lan theo đường hô hấp qua không khí bởi khi người bệnh thở mạnh, ho, hắt hơi kèm theo virut thủy đậu hoặc lây gián tiếp qua quần áo, chăn màn, đồ chơi, dụng cụ sinh hoạt của người bệnh.
Bệnh khởi phát có sốt nhẹ (có khi sốt cao 39 - 40oC) và viêm long đường hô hấp trên (chảy nước mũi), trẻ hay quấy khóc, ăn kém. Thời kỳ toàn phát, ban xuất hiện khá nhanh, mới đầu là các nốt sẩn đỏ giống với ban của bệnh sởi, xuất hiện ở vùng da đầu, gáy, bụng, lưng, ngực; sau vài giờ các ban phát triển thành nốt phỏng rải rác khắp thân mình và tứ chi (trừ gan bàn chân, bàn tay, tính chất này để phân biệt với bệnh tay - chân - miệng). Đặc điểm của nốt phỏng thủy đậu là nước trong, rất nông, tròn hay bầu dục, có vòng đỏ bao quanh, một số nốt thủy đậu hơi lõm ở trung tâm. Nốt phỏng thủy đậu mọc không theo tuần tự, tính chất này để phân biệt với ban của bệnh sởi (ban của sởi mọc tuần tự, xuất phát từ gáy, lan ra mặt, cổ, xuống ngực, bụng, tứ chi và khi sởi bay cũng tuần tự như vậy). Ban, nốt phỏng thủy đậu thì mọc hết đợt này đến đợt khác cách nhau khoảng từ 2 - 3 ngày, vì vậy trên cùng một diện tích da các ban mọc không cùng một lứa tuổi (có ban đỏ, có nốt phỏng nước, có nốt đã bong vảy). Một số vùng niêm mạc như trong vòm miệng, niêm mạc âm đạo (nữ giới) cũng có thể có các nốt phỏng thủy đậu xuất hiện. Khi các ban và nốt phỏng xuất hiện thường kèm theo ngứa nên bệnh nhân gãi nhiều làm vỡ các nốt phỏng rất dễ lây lan ra các vùng da khác và làm cho nốt thủy đậu rất dễ nhiễm khuẩn, mưng mủ, lở loét. Đặc diểm của thủy đậu là các nốt phỏng chỉ có một ngăn nên khi bị thủng là dịch chảy ra và xẹp ngay. Ngoài ngứa có thể nổt hạch ngoại biên như hạch nách, hạch bẹn, cổ... nhưng hạch chỉ tồn tại trong thời gian ngắn rồi xẹp dần.
Thời kỳ lui bệnh của thủy đậu chỉ sau khoảng từ 24 - 48 giờ, các nốt phỏng sẽ ngả sang màu vàng và vỡ ra, sau khi khỏi thì không để lại sẹo trừ trường hợp bị bội nhiễm vi khuẩn. Thông thường, mỗi một nốt thủy đậu kéo dài khoảng 5 - 6 ngày rồi khô lại, đóng vảy. Màu của nốt thủy đậu lúc này là màu nâu xám và bong vảy sau khoảng một tuần.
Ngoài ra, có thể gặp loại thủy đậu bất thường, gây biến chứng tuy tỷ lệ loại bệnh này thấp, đặc biệt ở những bệnh nhân mắc bệnh về máu thì nốt thủy đậu có thể có máu hoặc ở bệnh nhân suy dinh dưỡng nặng, nốt thủy đậu có thể có hoại tử.
Tiêm vắc-xin là cách phòng thủy đậu tốt nhất.
Lời khuyên của bác sĩ
Bệnh khởi phát đột ngột, sốt nhẹ, ban mọc ngay ngày đầu của bệnh. Ban chỉ có nốt phỏng nước, không có mủ (nếu không bị nhiễm khuẩn). Ban mọc không tuần tự, trên một vùng da ban mọc thành nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau khoảng từ 3 - 4 ngày.
Nếu trẻ có một số nốt thủy đậu bị vỡ, có thể dùng tăm bông nhúng vào nước ôxy già (H202) hoặc dung dịch bê-ta-din chấm vào, sau đó dùng bông vô trùng thấm khô (bông này sau khi dùng xong cho vào túi ni lông buộc kín, cho vào nước đun sôi để diệt mầm bệnh tránh lây lan). Khi trẻ sốt, cần chườm mát, nếu sốt trên 38 độ, chườm mát không giảm, nên cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt paracetamol, với liều lượng 10mg/kg cân nặng của trẻ. Khi có nhiều nốt phỏng vỡ hoặc có dấu hiệu bất thường cần cho trẻ đi bệnh viện ngay để được điều trị, phòng sốc do mất nước, nhiễm khuẩn, nhiễm độc và đề phòng biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Việc phòng bệnh thủy đậu và ngăn chặn không cho lây lan diện rộng là hết sức cần thiết, vì vậy, cần tuyên truyền cho mọi người dân biết các kiến thức cơ bản. Khi trong gia đình hay một tập thể (nhà trẻ, lớp mẫu giáo) có trẻ mắc bệnh nghi do thủy đậu cần được cách ly trẻ bệnh với trẻ lành (cho trẻ ở nhà với gia đình) và báo cáo với y tế địa phương. Những người lớn chưa bao giờ bị bệnh thủy đậu, cần tránh tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu. Cần vệ sinh sạch sẽ hàng ngày các dụng cụ, đồ chơi, giường chiếu, chăn màn, quần áo, đồ dùng sinh hoạt của trẻ bệnh. Nên cho trẻ nằm trong phòng kín gió nhưng không được ẩm, ướt. Cần lau tay và tắm cho trẻ hàng ngày bằng nước ấm. Sau mỗi lần lau, tắm cho trẻ xong nên dùng vải thô sạch thấm khô da của trẻ rồi mặc quần, áo rộng, thoáng. Vải thô này sau đó cần được luộc trong nước đun sôi hoặc giặt bằng dung dịch sát khuẩn cloramin B.
Phòng bệnh thủy đậu tốt nhất là dùng vắc-xin cho trẻ và cả người lớn chưa có miễn dịch với bệnh thủy đậu. Vì vậy, mọi người có thể đưa trẻ hoặc bản thân mình muốn tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh thủy đậu thì hãy đến các trung tâm y tế dự phòng của quận, huyện. Song song với các biện pháp phòng bệnh, cần có chế độ dinh dưỡng cho trẻ thật tốt để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
PGS.TS. Bùi Khắc Hậu