Ngừa bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ

02-02-2020 07:15 | Đời sống
google news

SKĐS - Cơ quan hô hấp là cửa ngõ của cơ thể nên rất dễ bị mầm bệnh như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng tấn công và gây bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Các bệnh hô hấp ở trẻ gia tăng trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm. Đặc biệt, khi tình hình dịch cúm nCoV đáng báo động như hiện nay thì việc phòng bệnh cho trẻ nhỏ, trong đó có các bệnh lý đường hô hấp là rất quan trọng.

Các bệnh ở cơ quan hô hấp dễ gặp ở trẻ nhỏ

Viêm họng cấp có những triệu chứng điển hình như: Sốt (đa phần các bé đều chỉ bị sốt nhẹ, nhưng cũng có một số trường hợp bị sốt cao lên đến 39 - 40 độ C); Khô và đau rát cổ họng nên trẻ khó chịu, hay quấy khóc, biếng ăn và dễ bị nôn trớ khi ăn; Ho khan hoặc ho có đờm; Chảy nước mũi; Nổi hạch sưng tấy và đau ở góc hàm. Những trẻ lớn hơn bị viêm họng cấp có thể có tình trạng đau đầu, ù tai, đau cổ họng khi nuốt.

Viêm phế quản: Là bệnh hay gặp ở trẻ lớn trên 5 tuổi. Trẻ thường có các triệu chứng như sốt, ho nhưng không thở nhanh hoặc co rút lồng ngực nếu được chữa trị sớm bằng thuốc kháng sinh. Những trẻ bị viêm phế quản thường ho khan hoặc ho có chất nhầy (có thể trong, vàng hoặc xanh); tức ngực hoặc đau khi ho hoặc hít thở sâu; sốt, đau nhức cơ thể và ớn lạnh; đau họng và chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; khó thở hoặc thở khò khè; đau đầu; mệt mỏi. Tuy nhiên, để khẳng định trẻ có bị viêm phế quản hay không, các bác sĩ sẽ cho trẻ làm các xét nghiệm máu và chụp Xquang. Thường thì bệnh khỏi trong vòng vài ngày nhưng cũng có khi kéo dài tới 1-2 tuần, nhất là với các cháu chưa biết cách khạc đờm.

Viêm tiểu phế quản: đa phần xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi, tần suất cao nhất là 3-6 tháng tuổi. Viêm tiểu phế quản là bệnh viêm nhiễm cấp tính của các phế quản kích thước nhỏ, có đường kính dưới 2mm hay còn gọi là các tiểu phế quản. Tác nhân gây viêm tiểu phế quản ở trẻ thường là do virus như virus hợp bào hô hấp (VRS) chiếm 30 - 50% các trường hợp mắc bệnh có khả năng lây lan rất mạnh nên bệnh có nguy cơ xảy ra thành dịch và là một trong những nguyên nhân thường xuyên làm trẻ phải nhập viện. Virus cúm và á cúm cũng gây bệnh cho khoảng 25% số trẻ bị viêm tiểu phế quản. Ngoài ra, phải kể đến Adenovirus với 10% số mắc.

Ngừa bệnh hô hấp ở trẻ nhỏKhi trẻ có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế. Ảnh: TM

Triệu chứng ban đầu thường thấy nhất khi trẻ mắc viêm tiểu phế quản là tình trạng trẻ ho, chảy nước mũi trong, sốt vừa hoặc cao. Sau từ 3-5 ngày thì trẻ ho ngày một nhiều, xuất hiện thở khó, thở rít. Những trường hợp nặng thì tím tái, thậm chí ngừng thở. Khám thấy nhịp thở của trẻ nhanh, sốt vừa, xuất hiện các cơn co kéo hô hấp, lồng ngực bị rút lõm, trẻ thở rên. Tiếng thở có thể nghe ran rít, ran ngáy, thông khí phổi kém.

Viêm phổi: ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp cấp nặng, gây tổn thương nhu mô phổi dẫn đến suy hô hấp do rối loạn trao đổi khí, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong các bệnh về đường hô hấp ở trẻ em. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên, trẻ dưới 2 tuổi hay gặp hơn.

Bệnh chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp. Vi khuẩn, virus trú ngụ ở mũi họng và được phát tán khi trẻ ho, hắt hơi, chảy mũi. Trẻ sơ sinh có thể bị bệnh do lây qua đường máu ở giai đoạn khi sinh và ngay sau sinh. Nguyên nhân gây viêm phổi là do virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng. Theo đánh giá chung, viêm phổi ở trẻ trên 5 tuổi thường do vi khuẩn, ngược lại dưới 5 tuổi  chủ yếu do virus. Các tác nhân gây bệnh hay gặp: streptococcus pneumoniae, hemophilus influenzae type b, group b streptococci, mycoplasma pneumoniae, respiratory syncytial virus,  influenza virus và adenovirus.

Phòng bệnh viêm đường hô hấp cho trẻ

Các bậc phụ huynh cần chủ động phòng bệnh viêm đường hô hấp cho trẻ thông qua chế độ dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể đúng cách, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, vệ sinh môi trường sống tốt...

Chế độ dinh dưỡng: Cha mẹ nên cho trẻ ăn uống đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Bữa ăn của trẻ nên đa dạng, cân bằng giữa 04 nhóm chất gồm bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất; không nên cho trẻ ăn đồ ăn lạnh...

Giữ ấm cơ thể đúng cách: Cơ thể luôn được giữ ấm, đặc biệt là các vị trí như: cổ, ngực, bụng, bàn tay, gan bàn chân; đeo khẩu trang khi ra ngoài, ngủ trong phòng kín gió, ấm áp, tắm bằng nước ấm; không cho trẻ nằm lâu trước quạt và máy lạnh.

Vệ sinh cá nhân: Cần thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân cả người chăm sóc trẻ và cho trẻ như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng  và dung dịch sát khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; cho trẻ vệ sinh răng miệng và súc miệng bằng nước muối sinh lý hàng ngày.

Hạn chế nguồn lây bệnh bằng cách đeo khẩu trang khi đến nơi đông người.

Khi có các biểu hiện của bệnh, không nên tự ý mua thuốc về điều trị cho trẻ mà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, hướng dẫn chăm sóc và điều trị đúng đắn, tránh những biến chứng xấu xảy ra.


BS. Thanh Hằng
Ý kiến của bạn