Ngủ trưa dài tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa

04-04-2016 08:38 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Ngủ đủ giấc là điều cần thiết và quan trọng cho sức khỏe, nhưng nếu ngủ quá nhiều có thể gây bất lợi, đặc biệt là giấc ngủ trưa.

Ngủ đủ giấc là điều cần thiết và quan trọng cho sức khỏe, nhưng nếu ngủ quá nhiều có thể gây bất lợi, đặc biệt là giấc ngủ trưa. Đó là kết luận rút ra từ nghiên cứu mới nhất của Đại học Tokyo, Nhật Bản (UoT) vừa được công bố. Nghiên cứu phát hiện thấy ngủ trưa 40 phút hoặc lâu hơn có thể gia tăng đáng kể nguy cơ phát triển hội chứng chuyển hóa với nhiều căn bệnh khác nhau như huyết áp, cholesterol và đường huyết cao, mệt mỏi kinh niên...

TS. Tomohide Yamada - chuyên gia đái tháo đường, tác giả nghiên cứu cho biết, ngủ trưa là thói quen phổ biến của nhiều người, vì vậy, hiểu rõ mối quan hệ giữa ngủ và bệnh chuyển hóa sẽ giúp con người duy trì thói quen ngủ nghỉ hợp lý, hạn chế bệnh tật. Kết luận trên còn dựa vào việc phân tích 21 nghiên cứu ở 307.237 đối tượng trên quy mô toàn cầu. Cụ thể hơn, ngủ ngày trên 40 phút, tỷ lệ mắc bệnh tim và tiểu đường týp 2 tăng cao hơn so với nhóm ngủ dưới 40 phút; nếu ngủ trưa 90 phút, nguy cơ mắc bệnh tăng tiếp tới 50% so với nhóm ngủ dưới mức này, riêng nhóm ngủ ít hơn 30 phút, tỷ lệ mắc bệnh thấp nhất. Với kết quả nghiên cứu trên, Quỹ Nghiên cứu giấc ngủ quốc gia Mỹ (NSF) khuyến cáo mọi người nên duy trì giấc ngủ trưa từ 20 - 30 phút là hợp lý.


DS. Trang Nhung
Ý kiến của bạn