Sau khi phân tích dữ liệu của hơn 300.000 người từ 21 nghiên cứu khác, các nhà khoa học kết luận rằng những người có giấc ngủ trưa kéo dài trên 60 phút mỗi ngày có mức độ mệt mỏi suốt cả ngày cao hơn, có nguy cơ bị bệnh tiểu đường cao hơn 50% so với những người ngủ trưa dưới 1 giờ.
Sự kết hợp giữa ngủ trưa nhiều và mệt mỏi trong ngày cũng làm tăng 50% nguy cơ bị rối loạn chuyển hóa - một trong những yếu tố dẫn tới tới bệnh tim - giống như vòng eo lớn, huyết áp cao và hàm lượng triglycerid cao.
Nhưng nghiên cứu này không chỉ ra mối quan hệ nhân quả, vì vậy, các tác giả không thể chắc chắn giấc ngủ trưa dài có thực sự là “thủ phạm” làm tăng nguy cơ mắc những bệnh này hay không. Trên thực tế, có thể nhu cầu có giấc ngủ trưa dài là tín hiệu có điều gì đó không ổn với cơ thể bạn. Cảm thấy quá mệt mỏi trong ngày có thể do bạn không được chẩn đoán mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Tình trạng này có nghĩa bạn không nhận đủ oxy trong khi đang ngủ, vì vậy, bạn bị đánh thức liên tục để nhận không khí. Kết quả là giấc ngủ bị gián đoạn, kém chất lượng, trung tâm giấc ngủ trong não giải phóng thừa các hormon stress như cortisol. Quá nhiều cortisol có thể làm tăng huyết áp cao, tăng nguy cơ bị rối loạn chuyển hóa. Nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng cortisol cũng có thể làm tăng lượng đường huyết - một yếu tố nguy cơ của tiểu đường týp 2.
Nếu bạn vẫn cảm thấy mệt mỏi sau giấc ngủ trưa dài, hãy đi khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ đánh giá rối loạn nhịp thở của bạn hoặc đề nghị xét nghiệm máu để tìm nguyên nhân gây mệt mỏi như thiếu máu.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết thật khó có thể khẳng định thỉnh thoảng ngủ trưa dài an toàn hơn ngủ trưa dài hàng ngày.
Tốt hơn là hãy ngủ trưa dưới 30 phút. Trong nghiên cứu này, ngủ trưa ngắn hơn không liên quan tới tăng nguy cơ mắc rối loạn chuyển hóa hoặc tiểu đường, và tỉnh dậy sau 30 phút ngủ ít làm bạn mệt mỏi.