Ngủ trưa vốn là thói quen phổ biến của mọi người. Có quan niệm cho rằng, ngủ trưa sẽ khiến mỡ tích tụ trong cơ thể. Vậy quan niệm này có đúng hay không?
Cân nặng cơ thể phụ thuộc vào vô số yếu tố, bao gồm cả di truyền và lối sống. Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra mối liên hệ giữa béo phì và ngủ trưa. Tuy nhiên, ngủ trưa quá lâu, ngủ trưa kéo dài tới vài tiếng có thể khiến cơ thể trở nên trì trệ và trong lúc ngủ, lượng calo của cơ thể bị đốt cháy ít hơn.
Giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta. Chúng ta cần ngủ đủ giấc 8 tiếng/ngày. Ngủ quá ít thực sự có thể ảnh hưởng tới hormone của bạn, đặc biệt là những hormone liên quan tới thèm ăn.
Khi bạn không ngủ đủ giấc, cơ thể bạn sẽ tăng sản sinh Ghrelin - hormone khiến bạn cảm thấy đói và giảm sản sinh Leptin - hormone giúp kiểm soát cảm giác no.
Nếu bạn thường xuyên mệt mỏi, bạn có thể sẽ ăn nhiều hơn, vì vậy mà thiếu ngủ cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây tăng cân.
Vậy nên ngủ trưa và ngủ ban đêm thế nào là tốt nhất, vừa đảm bảo sức khỏe lại giúp cho những người muốn giảm cân đạt được mục tiêu?
Nên ngủ trưa 30-45 phút
Một giấc ngủ trưa từ 30-45 phút tốt cho sức khỏe vì ngăn chặn cơ thể sản sinh ra các hormone gây ra stress. Như bạn biết, trong một vài trường hợp, người bị stress cũng có thể thèm ăn vô độ.
Giấc ngủ trưa có thể làm tăng năng suất làm việc cho cả ngày. Hầu hết những người làm ca tối đều phải ngủ trưa để tránh tai nạn hoặc rủi ro khi làm việc vào buổi tối do thiếu ngủ, mệt mỏi.
Bữa trưa nên ăn gì để không bị tăng cân?
Ăn trước khi ngủ trưa sẽ không gây tăng cân, trừ khi đó là món ăn không lành mạnh.
Chẳng hạn như, ăn một túi khoai tây chiên vào bữa trưa có thể khiến bạn tăng cân so với một bữa ăn lành mạnh gồm đầy đủ ngũ cốc nguyên hạt (chẳng hạn như cơm, bánh mỳ nguyên hạt, ngô, khoai,...) kèm món mặn (như thịt, cá, trứng,...) và rau xanh, salad.
Kể cả khi do công việc khiến bạn nghỉ trưa muộn thì ăn một bữa trưa đủ chất và lành mạnh, sau đó mới ngủ trưa là cách sinh hoạt khoa học. Đừng ghé vào quán fast-food để ăn trưa rồi sau đó ngủ trưa luôn, bạn sẽ dễ dàng tăng cân.
Ngủ ít, thèm ăn nhiều hơn
Đối với những người muốn giảm cân, thiếu ngủ có lẽ là thách thức lớn nhất. Nếu không ngủ đủ 7 tiếng mỗi đêm, bạn sẽ khó lòng giảm cân.
Ngủ quá ít sẽ làm tăng nồng độ ghrelin - loại hormone làm tăng khả năng thèm ăn. Do đó, ghrelin được coi là hormone chủ đạo khi đề cập tới tăng cân.
Thức khuya và ăn đêm - "kẻ thù" gây tăng cân
Thói quen thức khuya, ăn đêm rồi đi ngủ muộn khiến bạn có nguy cơ tăng cân "không phanh". Đa phần người thức khuya có thói quen tiêu thụ đồ ăn thiếu lành mạnh như bánh kẹo, bim bim, đồ ăn nhanh, trà sữa,... khiến lượng calo tăng lên.
Trung bình, những người thức khuya và ngủ muộn tiêu thụ nhiều hơn 248 calo mỗi ngày. Người ăn khuya thường ít ăn trái cây và rau quả hơn người bình thường. Bởi khi ăn đêm, bạn có xu hướng lựa chọn đồ ăn nhanh nhiều đường, nhiều dầu mỡ như soda và thức ăn nhanh. Cân nặng theo đó cứ tăng lên.
Vì vậy, muốn giảm cân thì hãy đi ngủ sớm.
Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:
[VIDEO] 5 cách phòng bệnh đau mắt đỏ cần biết