Hà Nội

Ngủ sau khi ăn: 3 bất lợi và 5 lưu ý sau bữa ăn

14-11-2021 11:30 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS-Muốn đi ngủ hoặc nằm nghỉ ngay sau khi ăn là điều rất phổ biến và gặp ở nhiều người, vì ăn no có thể khiến bạn buồn ngủ. Hãy đọc để biết bạn nên làm gì sau khi ăn và ngủ ngay sau khi ăn sẽ đem lại bất lợi gì nhé!

Nhiều người cho rằng đi ngủ sớm sau khi ăn là không tốt cho sức khỏe và họ thường đi bộ sau bữa ăn để thư giãn cơ thể. Nhưng liệu ngủ sau khi ăn có ảnh hưởng gì tới sức khỏe? Có làm tăng cân hay không?Những gì bạn nên tránh sau một bữa ăn no?

Tại sao chúng ta cảm thấy buồn ngủ sau khi ăn?

Sau khi bạn ăn xong, máu tập trung để hỗ trợ quá trình tiêu hóa, điều đó cũng có nghĩa giảm lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng khác, trong đó có bộ não. Ngoài ra, các tế bào máu tăng cường tham gia vận chuyển, phân phối chất dinh dưỡng đi khắp cơ thể của bạn, càng làm giảm lưu lượng máu đến não của bạn, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn và dễ buồn ngủ.

Ngủ sau khi ăn có làm bạn mập không?

Lâu nay, mọi người nghĩ rằng ăn no trước khi đi ngủ sẽ dẫn đến tăng cân, vì bạn không đốt cháy hết lượng calo đã tiêu thụ, dẫn đến dễ tích mỡ trong các vùng của cơ thể nhất là vùng bụng. Tuy nhiên, không hẳn như vậy, nếu bạn ăn không nhiều calo hơn mức bạn đã đốt cháy trong ngày thì không sao cả. Bạn cần nhớ rằng, bạn sẽ tăng cân nếu ăn nhiều calo hơn mức được đốt cháy tiêu hao.

Những bất lợi khi ngủ ngay sau khi ăn

Ngủ sau khi ăn: 3 bất lợi và 5 lưu ý sau bữa ăn - Ảnh 1.

Ngủ sau khi ăn no có thể gây nhiều bất lợi cho cơ thể

Mặc dù ngủ sau khi ăn sẽ không hẳn làm tăng cân, nhưng vẫn có những bất lợi nhất định cho cơ thể

1. Ngủ không ngon

Mặc dù nằm xuống có thể cảm thấy dễ chịu sau khi ăn xong, nhưng có thể khiến chứng ợ chua, ợ nóng trở nên tồi tệ hơn và khiến bạn không thể ngủ ngon. Ợ chua xảy ra khi acid dạ dày dư thừa đi ngược từ dạ dày lên thực quản và cổ họng. Tình trạng vừa nêu gây ra chua miệng, ho khan và khiến giấc ngủ của bạn bị giảm chất lượng.

2. Trào ngược acid dạ dày

Như trên đã nói, nằm xuống ngay sau khi ăn khiến bạn có thể gặp ợ chua. Đây là triệu chứng của trào ngược acid dạ dày còn được gọi là chứng (GERD, viết tắt của bệnh trào ngược dạ dày thực quản). GERD xảy ra khi van nằm giữa dạ dày và thực quản không đóng hết. Acid trong dạ dày có thể trào ngược lên cổ họng và khiến bạn cảm thấy như bị bỏng rát họng. Nếu không được điều trị, acid có thể làm hỏng niêm mạc họng và dẫn đến các biến chứng như viêm họng, viêm hô hấp trên.

3. Tăng nguy cơ Đột quỵ

Theo một nghiên cứu được thực hiện ở Hy Lạp, ngủ sau khi ăn có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Y khoa Ioannina bao gồm 500 người tham gia; 250 người có tiền sử đột quỵ trước đó và 250 người khác đã được chẩn đoán mắc hội chứng mạch vành cấp tính. Kết quả cho thấy những người chờ đợi lâu nhất để đi ngủ sau khi ăn ít có nguy cơ bị đột quỵ hơn.

Có một số giả thuyết về kết quả nghiên cứu trên, cụ thể: Một số chuyên gia cho rằng do trào ngược acid có liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ nên có thể dẫn đến đột quỵ; Một giả thuyết khác cho biết do cơ thể làm việc chăm chỉ để tiêu hóa thức ăn nên sự thay đổi lượng đường trong máu, huyết áp và cholesterol khi ngủ sau khi ăn có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Thời điểm bạn có thể đi ngủ

Vì cơ thể mất từ 2 đến 3 giờ để tiêu hóa thức ăn và làm rỗng dạ dày, vì vậy bạn hãy cố gắng không vội đi ngủ ít nhất 2 giờ sau khi ăn xong. Sau khi thức ăn đã được tiêu hóa, bạn có thể ngủ ngon hơn và cơ thể ít tích trữ năng lượng thừa hơn, do thức ăn đã bị đốt cháy hết.

Các việc không nên làm sau khi ăn

Sau đây là những điều không nên làm ngay sau khi ăn:

1. Không hút thuốc ngay sau khi ăn

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hút một điếu sau khi ăn xong tương đương như hút 10 điếu vào những lúc khác, điều này có thể làm tăng nguy cơ đầy hơi khó tiêu trước mắt, lâu dài gây nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.

2. Không vận động ngay sau khi ăn

Ngay cả khi bạn chỉ ăn một bữa ăn nhẹ, bạn vẫn nên tránh làm việc ngay sau khi bạn vừa ăn xong. Tập thể dục ngay sau ăn làm cho cơ thể khó tiêu hóa thức ăn. Đó là lý do tại sao bạn thường gặp những vấn đề như chuột rút, buồn nôn, hoặc thậm chí bị tiêu chảy khi tập thể dục sau khi ăn. Dạ dày sau khi ăn cần được cung cấp đủ oxy và dinh dưỡng giúp hoàn thành nhiệm vụ tiêu hóa, nhưng cơ thể bạn sẽ ưu tiên chuyển máu và oxy đến cơ bắp nếu bạn bắt đầu tập luyện ngay sau ăn. Vì vậy, luôn luôn cho cơ thể bạn một quỹ thời gian để tiêu hóa thức ăn và sau đó tập thể dục. Tốt hơn hết là nên tập thể dục trước ăn và sau ăn 2 giờ.

Ngủ sau khi ăn: 3 bất lợi và 5 lưu ý sau bữa ăn - Ảnh 2.

Hãy chờ 1 tiếng sau khi ăn mới đi tắm để tránh nguy cơ cho sức khỏe của bạn

3. Không tắm ngay sau khi ăn

Tắm ngay sau khi ăn có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa. Tắm làm tăng lưu lượng máu đến phần khác cơ thể như tay và chân, khiến máu không tập trung tiêu hóa được thức ăn và làm suy yếu khả năng tiêu hóa. Nếu bạn muốn tắm, sau bữa ăn 40 phút là chấp nhận được.

4. Không ăn trái cây ngay sau khi ăn

Thật ra ăn trái cây là lành mạnh, nhưng không phải sau bữa ăn. Mọi người thường có thói quen sai lầm là ăn trái cây ngay sau bữa ăn. Do tiêu thụ trái cây thực hiện nhanh nhất so với các loại thực phẩm khác, do đó làm cản trở tiêu hóa các thức ăn của bữa ăn chính của bạn và thậm chí sinh hơi nhanh trong dạ dày gây đầy bụng khó tiêu. Ăn trái cây ít nhất 2 giờ sau bữa ăn để đảm bảo bạn nhận được lợi ích tối đa từ trái cây.

5. Không uống quá nhiều nước ngay sau khi ăn

Bạn có thể không nhận thấy bất kỳ vấn đề gì nếu bạn uống một lượng nước vừa phải sau bữa ăn, nhưng bạn nên tránh uống một lượng nước lớn sau khi ăn. Uống nhiều nước làm tăng áp lực đường tiêu hóa và làm cho dạ dày khó tiêu hoá thức ăn. Tương tự, uống nước quá lạnh sau khi ăn cũng có thể làm chậm tiêu hóa. Thay vào đó, hãy uống trà thảo dược ấm nóng hoặc nước lọc sau bữa ăn.

12 thói quen xấu sau ăn khiến bạn "chết dần"12 thói quen xấu sau ăn khiến bạn 'chết dần'

Hệ tiêu hóa sẽ không thể thực hiện đúng chức năng nếu bị cản trở bởi những thói quen tồi tệ sau.

Xem video được quan tâm:

Góc cảnh báo- Vì sao tắm đêm muộn có nguy cơ đột quỵ


BS. Lê Thanh Hải
Ý kiến của bạn