Các nhà khoa học đã nghiên cứu trên 2.610 người Mỹ từ 65 tuổi trở lên (tham gia một nghiên cứu sức khỏe đại diện trên toàn quốc). Hơn một nửa báo cáo ngủ từ bảy đến tám giờ mỗi đêm. Khoảng 4% cho biết họ ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm. Trong 5 năm tiếp theo, 321 người tham gia nghiên cứu đã sàng lọc dương tính với chứng sa sút trí tuệ. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, những người có giấc "ngủ ngắn" (ngủ không quá 5 tiếng vào ban đêm), có nhiều khả năng bị sa sút trí tuệ hoặc tử vong trong vòng 5 năm tới. Nguy cơ của họ cao gấp đôi so với những người lớn tuổi ngủ đủ từ bảy đến tám giờ.
Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên cho thấy mối liên hệ giữa giấc ngủ kém với các kết quả sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm cả chứng mất trí, nhưng ở nghiên cứu này đã tìm ra “thủ phạm đặc biệt”, đó là giấc ngủ ngắn (ngủ quá ít) có liên quan đến tình trạng này. TS Rebecca Robbins, Bệnh viện Brigham và Phụ nữ ở Boston cho biết.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học loại trừ những người lớn tuổi đã mắc chứng sa sút trí tuệ ngay từ đầu và thống kê các tình trạng sức khỏe khác mà những người tham gia mắc phải - bao gồm bệnh tim, tiểu đường, huyết áp cao và các triệu chứng trầm cảm. Họ phát hiện ra rằng giấc ngủ ngắn vẫn có liên quan đến việc tăng gấp hai lần nguy cơ tử vong hoặc phát triển chứng sa sút trí tuệ trong thời gian nghiên cứu.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, trong một số trường hợp, giấc ngủ kém là dấu hiệu ban đầu của chứng mất trí nhớ chứ không phải là nguyên nhân. Giấc ngủ có thể bị gián đoạn là một trong những triệu chứng sớm của sa sút trí tuệ.
Vì vậy, hãy cố gắng tạo thói quen ngủ lành mạnh bằng cách: Không để TV và các thiết bị trong phòng ngủ; tránh nhìn vào màn hình sáng gần giờ đi ngủ vì ánh sáng xanh có thể phá vỡ nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể… Những người mắc chứng bệnh mãn tính về giấc ngủ nên đi đánh giá y tế để tìm nguyên nhân và kkhawcs phục, ví dụ như điều trị chứng ngưng thở khi ngủ (một nguyên nhân gây gián đoạn giấc ngủ)…