Hà Nội

Ngủ nhiều, có phải dùng thuốc?

04-03-2020 13:52 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Trái với tình trạng mất ngủ có một số người lại mắc chứng ngủ nhiều, có nghĩa là so với người bình thường nhu cầu ngủ của họ nhiều hơn hẳn.

Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của người bệnh, vì vậy người bệnh cần phải dùng thuốc.

Đối với người trưởng thành, nếu ngủ trên 10 giờ mỗi ngày thì họ được coi là ngủ nhiều. Ngủ nhiều tuy ít gặp hơn so với mất ngủ, nhưng không phải là hiếm.

Ngủ nhiều bao gồm ngủ nhiều tiên phát và ngủ lịm. Ngoài ra, ngủ nhiều còn có thể là hậu quả của tình trạng cai ma túy nhóm kích thần (ma túy đá), trầm cảm nghịch thường (bệnh nhân ăn nhiều, ngủ nhiều) hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ngủ nhiều ít gây đảo lộn cuộc sống, ít gây khó chịu cho bệnh nhân hơn so với mất ngủ.

Người mắc chứng ngủ nhiều cần đến khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Người mắc chứng ngủ nhiều cần đến khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Ngủ nhiều tiên phát

Bệnh nhân ngủ quá nhiều trong ngày (trên 10 giờ mỗi ngày), kéo dài ít nhất 1 tháng mà không có nguyên nhân gì. Một số người có giấc ngủ kéo dài, một số khác thì giấc ngủ ngắn hơn nhưng có nhiều lần ngủ trong ngày, vì vậy tổng số thời gian ngủ của bệnh nhân vẫn khá dài. Thời gian ngủ của họ tuy kéo dài nhưng hiệu quả của giấc ngủ và nhịp sinh học giấc ngủ của họ cũng trong giới hạn bình thường. Bệnh nhân không than phiền về chất lượng giấc ngủ, nhưng việc ngủ ngày và khó tỉnh táo vào buổi sáng ảnh hưởng xấu đến cảm xúc, vận động và công việc của họ. Các bệnh nhân này thường than phiền họ rất dễ rơi vào giấc ngủ.

Điều trị ngủ nhiều thường bằng các thuốc gây kích thích thần kinh trung ương như amphetamin, dùng buổi sáng hoặc buổi tối. Các thuốc này cho hiệu quả rất nhanh chóng và rõ ràng. Nhưng việc điều trị ngủ nhiều bằng các thuốc kích thích thần kinh phải kéo dài. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các thuốc kích thích thần kinh là dẫn xuất của amphetamin chưa được áp dụng điều trị.

Các thuốc chống trầm cảm nhóm SSRI cũng có kết quả trong đa số trường hợp. Thuốc hay được sử dụng là fluoxetin do thuốc này không gây an dịu mà lại gây kích thích. Thuốc có thể gây mất ngủ nếu dùng buổi tối ở người không có ngủ lịm. Tác dụng phụ của thuốc là đầy bụng, buồn nôn, giảm ham muốn tình dục, mệt mỏi. Các tác dụng này sẽ giảm dần sau hai tuần điều trị. Nên tăng liều từ từ để bệnh nhân có thể dung nạp tốt. Thời gian điều trị thường kéo dài nhiều năm.

Đối với ngủ lịm

Ngủ lịm được đặc trưng là bệnh nhân đột ngột rơi vào giấc ngủ mà không thể cưỡng lại. Giấc ngủ kéo dài 10 - 20 phút, sau đó bệnh nhân tỉnh giấc và cảm thấy thoải mái. Giấc ngủ lịm có thể xảy ra bất cứ lúc nào (khi ăn, khi nói, khi lái xe, khi làm việc...). Bệnh có thể gây nguy hiểm trong khi lái xe hoặc làm việc với máy móc vì dễ gây tai nạn.

Ngủ lịm không phải là hiếm, chiếm tỷ lệ 0,02 - 0,16% ở người lớn và có tính chất gia đình. Ngủ lịm có thể khởi phát ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp nhất ở tuổi vị thành niên và thanh niên. Bệnh tiến triển chậm và kéo dài suốt đời.

Trong ngủ lịm, triệu chứng phổ biến nhất là có cơn buồn ngủ không thể cưỡng lại, bệnh nhân đột ngột rơi vào giấc ngủ. Triệu chứng mất trương lực cơ rất phổ biến, gây ngã khi đứng. Trương lực cơ của bệnh nhân mất đột ngột khiến hàm trễ xuống, đầu gục xuống, gối khụy, liệt tất cả các cơ xương. Các triệu chứng khác bao gồm ảo giác trong lúc dở thức, dở ngủ. Đó là các ảo giác thật, có thể là ảo thanh hoặc ảo thị, xảy là lúc bắt đầu ngủ hoặc lúc sắp kết thúc giấc ngủ. Triệu chứng ít gặp hơn của ngủ lịm là ngủ liệt, thường xảy ra lúc thức dậy vào buổi sáng. Lúc này, bệnh nhân đó tỉnh ngủ hoàn toàn nhưng không thể cử động được. Nếu triệu chứng này kéo dài sẽ gây rất nhiều bất tiện cho bệnh nhân.

Không có biện pháp nào điều trị được ngủ lịm, nhưng có thể khắc phục được bệnh này. Chế độ ngủ ngắn bắt buộc hàng ngày thường có kết quả tốt cho người ngủ lịm. Ví dụ tạo điều kiện cho bệnh nhân có thời gian đi ngủ ngắn cứ sau 4 giờ/lần. Mỗi lần ngủ có thể chỉ cần kéo dài 15 đến 30 phút thì cũng có thể cho kết quả tốt.

Các trường hợp nặng hơn thì phải dùng thuốc kích thích thần kinh. Modafinil (provigil), một chất kích thích thụ cảm thể hệ adrenergic được Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép dùng điều trị cơn buồn ngủ không thể cưỡng lại và các rối loạn vận động trong ngủ lịm. Ở Việt Nam hiện nay chưa có loại thuốc này.

Các thuốc chống trầm cảm 3 vòng và chống trầm cảm nhóm SSRI làm giảm tình trạng mất trương lực cơ. Nhiều nghiên cứu cho thấy imipramin (tofranil), và fluoxetin (prozac) có hiệu quả làm giảm hoặc làm hết hẳn tình trạng mất trương lực, vì vậy khắc phục được triệu chứng ngã do mất trương lực cơ đột ngột của bệnh nhân ngủ lịm.

Ngoài việc dùng thuốc người bệnh cần chú ý tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh giấc ngủ như: tránh sinh hoạt thất thường, tránh tiếp xúc với màn hình máy tính, tivi quá lâu, tránh tạo cho mình những tình huống dễ rơi vào giấc ngủ, tránh ăn quá nhiều dễ gây buồn ngủ, cần tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời, tham gia các hoạt động tích cực để kích thích sự hưng phấn của hệ thần kinh, giảm cảm giác buồn ngủ vào ban ngày...


PGS.TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, BV Quân y 103)
Ý kiến của bạn