Ngủ hay mê có phải yếu tim?

15-09-2014 07:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Em năm nay 20 tuổi, đêm ngủ hay mê, mê nói to, sáng ngủ dậy lại quên hết. Em nghe nói như vậy là do yếu tim nhưng em đã đi khám, siêu âm tim đều bình thường.

Em năm nay 20 tuổi, đêm ngủ hay mê, mê nói to, sáng ngủ dậy lại quên hết. Em nghe nói như vậy là do yếu tim nhưng em đã đi khám, siêu âm tim đều bình thường. Đi khám bắt mạch thì lương y nói tâm thận đều hư... Xin quý báo giải thích và tư vấn  giúp em cách chữa?

Vũ Thị Hương (Lâm Đồng)

Hiện tượng điện trong vỏ bán cầu đại não và các loại sóng não.

Đặc điểm hoạt động của vỏ não là xen kẽ quá trình hưng phấn và ức chế. Thường ban ngày vỏ não nghiêng về hưng phấn, ban đêm nghiêng về ức chế. Mê là hiện tượng một số điểm hưng phấn phát sóng lan tỏa trên bề mặt vỏ não, có thể nối giữa điểm hưng phấn này với điểm kia. Vì thế, giấc mơ thường là sự lồng ghép nhiều hiện tượng, sự việc ta phải suy nghĩ, chú ý hoặc nhìn thấy ban ngày. Mê là hiện tượng ngủ không sâu (ức chế không hoàn toàn để các điểm hưng phấn lan tỏa). Theo Y học cổ truyền, giấc ngủ liên quan đến nhiều tạng phủ nhưng cần chú ý tạng tâm, can, thận và phủ đởm. Tâm tàng thần, tâm không yên thì thần ly tán, ngủ không say; can tàng hồn, tàng huyết, nếu can không khỏe thì ngủ dễ mệt; thận tàng trí và liên quan đến tâm; tâm thuộc hỏa, thận thuộc thủy. Thủy hỏa ký tế hỗ trợ nhau thì ngủ sâu, thủy hỏa không ký tế thường khó ngủ; đởm chủ trung chính khi đởm bị lạnh hoặc ban đêm đởm tán (không thu sẽ dễ ngủ mê).

Trường hợp của em ở tuổi 20, cơ thể đang sung sức, cần chú ý sinh hoạt, học tập ngủ nghỉ điều độ, dinh dưỡng hợp lý, kết hợp tham gia thể dục thể thao đều đặn sẽ giúp ngủ sâu. Nếu em đã khám không có bệnh thực thể thì cứ yên tâm. Còn theo quan điểm Đông y thì tôi đã giải thích ở trên, vì vậy Đông y cũng có những vị thuốc bổ thận, ích tâm, dưỡng can... nên em có thể uống thuốc Đông y để có giấc ngủ sâu sẽ ít mơ khi ngủ.

BS. Đỗ Minh Hiền


Ý kiến của bạn