Ngủ hay gặp ác mộng, vì sao?

20-11-2019 06:42 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Em 30 tuổi, đêm ngủ hay mơ có khi gặp ác mộng rất sợ nên khi tỉnh dậy rất mệt. Em nghe nói như vậy là do yếu tim nhưng em đã đi khám, siêu âm tim đều bình thường.

Đi khám bắt mạch thì lương y nói tâm thận âm hư… Xin được giải thích và tư vấn cho em cách chữa?

Vũ Thị Hương (vuhuong@gmail.com)

Theo y học cổ truyền, giấc ngủ liên quan đến nhiều tạng phủ nhưng cần chú ý tạng tâm, can, thận và phủ đởm. Tâm tàng thần, tâm không yên thì thần ly tán, ngủ không say; can tàng hồn, tàn huyết nếu can không khỏe thì ngủ dễ mệt; thận tàng trí và liên quan đến tâm; Tâm thuộc hỏa, thận thuộc thủy. Thủy - hỏa ký tế hỗ trợ nhau thì ngủ sâu, thủy - hỏa không ký tế thường khó ngủ; Đởm chủ trung chính khi đởm bị lạnh hoặc ban đêm đởm tán (không thu sẽ dễ ngủ mơ). Hơn nữa, đặc điểm hoạt động của vỏ não là xen kẽ quá trình hưng phấn và ức chế. Thường ban ngày vỏ não nghiêng về hưng phấn, ban đêm nghiêng về ức chế. Mơ là hiện tượng một số điểm hưng phấn phát sóng lan tỏa trên bề mặt vỏ não, có thể nối giữa điểm hưng phấn này với điểm kia. Vì thế, giấc mơ thường là sự lồng ghép nhiều hiện tượng, sự việc ta phải suy nghĩ, chú ý hoặc nhìn thấy ban ngày. Hơn nữa mơ thường là do ngủ không sâu (ức chế không hoàn toàn để các điểm hưng phấn lan tỏa).

Ở tuổi của em mà giấc ngủ không sâu và hay gặp ác mộng thì cũng cần xem lại thời gian biểu của mình đã phù hợp chưa. Tuy nhiên, nếu em đã khám không có bệnh thực thể thì cứ yên tâm. Để có giấc ngủ sâu không gặp ác mộng em cần chú ý sinh hoạt, học tập, ngủ nghỉ điều độ, không xem những bộ phim rùng rợn trước khi đi ngủ; dinh dưỡng hợp lý, kết hợp tham gia thể dục thể thao đều đặn vừa sức và có thể tập yoga cũng giúp cải thiện giấc ngủ. Nếu đã thực hiện như trên mà vẫn hay ác mộng ảnh hưởng sức khỏe, em nên khám chuyên khoa thần kinh để tìm nguyên nhân.

BS. Đỗ Minh Hiền


Ý kiến của bạn