Ngũ gia bì trị phong thấp, chấn thương đụng giập

SKĐS - Ngũ gia bì còn có tên khác: xuyên gia bì, thích gia bì - ngũ gia bì gai. Ngũ gia bì là vỏ rễ và thân phơi khô của cây ngũ gia bì (Acanthopanax aculeatus Seem.), họ Nhân sâm (Araliaceae). Hiện nay chúng ta khai thác vỏ thân và vỏ rễ cây ngũ gia bì chân chim (Schefflera heptaphylla (L.) Frodin.) cùng họ Nhân sâm (Araliaceae), loại cây trồng làm cảnh và xua muỗi. Cây này cho năng suất cao, dễ thu hoạch, nhưng chất lượng không bằng vỏ cây ngũ gia bì trên.

Trong rễ và thân cây ngũ gia bì có glucosid A, B, C, D, E. Lá cũng có các chất này và 4-methylsalicyladehyde, tanin và một số acid hữu cơ...

Theo Đông y, ngũ gia bì vị cay, tính ôn; vào can thận, phế. Tác dụng khu phong trừ thấp, cường kiện gân cốt, hoạt huyết thông kinh. Trị chứng phong hàn thấp tý, co rút đau nhức gân cơ, đau lưng, run chân, trẻ em chậm biết đi, chấn thương đụng giập. Liều dùng: 6g đến 12g. Cách dùng: có thể sắc, nấu hầm, ngâm ướp.

Một số bài thuốc có ngũ gia bì

Trừ thấp giảm đau

Bài 1: ngũ gia bì 200g, mộc qua 200g, tùng tiết (mấu cành thông) 200g. Các vị nghiền bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g, uống với nước đun sôi. Trị chứng phong thấp, đau khớp, thiên về thấp tà gây đau lưng, nặng chân, đau nhức hoặc kèm cả gân xương co quắp.

Bài 2: ngũ gia bì 30g, ngưu tất 24g, thạch hộc 24g, nhục quế 6g, can khương 3g. Sắc uống. Chữa chứng kê trảo phong, tay run rẩy không cầm được, miệng lập cập (Nam dược thần hiệu).

Tráng cốt: ngũ gia bì 63g, địa cốt bì 63g. Các vị ghiền bột mịn. Mổ 1 con gà giò, lấy thịt giã nát, trộn đều với bột thuốc. Trị gãy xương không rách da, sau khi chỉnh xương vào đúng vị trí, đắp thuốc lên trên, cố định bằng nẹp, sau 1 tuần thì bỏ thuốc ra.

Ngũ gia bì tác dụng khu phong trừ thấp, cường kiện gân cốt, hoạt huyết thông kinh. Trị chứng phong hàn thấp tý, co rút đau nhức gân cơ, đau lưng,...

Ngũ gia bì tác dụng khu phong trừ thấp, cường kiện gân cốt, hoạt huyết thông kinh. Trị chứng phong hàn thấp tý, co rút đau nhức gân cơ, đau lưng,...

Một số thực đơn chữa bệnh có ngũ gia bì

Bài 1 - Rượu thuốc ngũ gia bì: ngũ gia bì liều lượng tuỳ ý, ngâm rượu, uống mỗi lần 20ml, ngày 1 lần.  Có thể dùng ngũ gia bì sắc hãm lấy nước, uống với chút rượu ngày một vài lần. Thích hợp cho người bị phong thấp, đau nhức cơ xương, viêm sưng khớp, động kinh cục bộ gây máy giật vùng mắt gây lé mắt, sụp mi, xếch mắt, chảy nước mắt, bại liệt. Trị trẻ nhũn chân chậm biết đi.

Hoặc: ngũ gia bì 240g, đương quy 150g, ngưu tất 120g, rượu 2000ml. Các vị cho vào nồi, thêm nước vừa đủ sắc nhỏ lửa trong 1 giờ, để nguội, thêm rượu cho vào lọ đậy kín. Ngày uống 2 lần. Dùng tốt cho người bị đau sưng, hạn chế vận động khớp gối.

Bài 2: ngũ gia bì 100g, địa cốt bì 100g. Sắc hãm lấy nước, uống với chút rượu. Dùng tốt cho người suy nhược cơ thể, đau nhức xương khớp.

Bài 3 - Nước sắc ngũ gia bì ý dĩ: ngũ gia bì 12g, ý dĩ 30g. Sắc uống. Dùng cho người bị phù chân, đau nhức khớp, di chứng chấn thương, bệnh thần kinh gây co cứng chi thể cục bộ.

Bài 4 - Trứng luộc hãm nước ngũ gia bì: trứng gà 1 quả, ngũ gia bì 9g. Các vị cho vào nồi, thêm nước sắc trong 30 phút, trứng chín vớt bỏ bã thuốc, bóc bỏ vỏ trứng, cho vào nước sắc luộc lại. Ăn trứng, uống nước sắc. Dùng tốt cho trẻ chậm biết đi.

Kiêng kỵ: ngũ gia bì tính vị cay ôn, làm tổn hại phần âm, hỗ trợ phần hoả nên người âm hư hoả vượng không dùng.

Lưu ý: Tránh nhầm ngũ gia bì với cây đùm đũm (cây ngấy) - Rubus cochinchinensis Tratt., họ Hoa hồng (Roraceae) cũng được gọi là cây ngũ gia bì trong dân gian.


TS. Nguyễn Đức Quang
Ý kiến của bạn