Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), vừa tiếp nhận một bệnh nhân chuyển đến từ một bệnh viện ở Hải Dương trong tình trạng liệt cơ, liệt hô hấp phải đặt nội khí quản, thở máy… vì bị rắn cạp nia cắn khi ngủ dưới nền nhà. Hiện bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng hôn mê và phải thở máy
Trời nóng, cả nhà anh N.V.N (Hải Dương) đóng cửa, bật điều hoà ngủ. Anh N. ngủ dưới sàn nhà vì giường chật. Sáng dậy, anh thấy khó nói, đau người. Cả nhà khi thấy xác con rắn cạp nia to bằng ngón tay bị đè bẹp dưới lưng anh N. nên đã vội vàng đưa bệnh nhân đi viện.
BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân N. được chuyển đến Trung tâm ngày 2/8 trong tình trạng liệt cơ, liệt cơ hô hấp phải đặt ống nội khí quản, thở máy. Vợ bệnh nhân cho biết, tối 1/8 vẫn như mọi ngày, cả nhà bật điều hoà ở phòng ngủ tầng 1 để ngủ. Do trên giường có 3 mẹ con nên anh N. nằm dưới nền nhà cho rộng rãi. Cả đêm ngủ không thấy tiếng động, bất thường gì. Sáng dậy, anh thấy người khó chịu, đau họng, khó nuốt, đau người; bên cạnh có con rắn cạp nia to bằng đầu ngón tay út bị đè chết từ lúc nào.
Bệnh nhân N đang nằm điều trị tại Trung tâm chống độc trong tình trạng hôn mê, thở máy
Gia đình không biết anh bị rắn cắn từ khi nào nên lập đưa anh vào bệnh viện ở Hải Dương. Sau đó, anh được chuyển lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Được biết, nhà anh N. có một tầng, nền nhà thấp, sau nhà có ao nhỏ.
“Theo lời vợ bệnh nhân, gia đình không biết anh N. bị rắn cắn thời điểm nào, làm sao con rắn vào được trong nhà khi các cửa đã được đóng kín. Nhiều khả năng buổi chiều khi không bật điều hoà, cửa mở, con rắn đã vào nhà, tối bò ra cắn người”- BS Nguyên kể lại
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên hiện tại là thời điểm nhiều người dễ bị rắn cắn. Có người đi làm ruộng, canh nước ngủ sát mặt đất rất dễ bị rắn cắn. Việc điều trị rắn cắn thường lâu dài, hết sức tốn kém, do đó, người dân cần chú ý để bảo vệ mình tránh bị rắn cắn.