(Phan Văn Hiếu - Phú Quốc)
Hệ miễn dịch của cơ thể con người rất quan trọng, nó giúp cơ thể chống lại các mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Một người khỏe mạnh hay được nghĩ là có miễn dịch mạnh. Hệ miễn dịch không chỉ liên quan đến các bệnh nhiễm trùng mà còn tham gia vào cơ chế bệnh sinh của rất nhiều bệnh tật trong cơ thể, nếu hệ miễn dịch suy yếu sẽ dễ bị bệnh nhiễm trùng nhưng hệ miễn dịch hoạt động quá mức cũng gây ra các bệnh lý tự miễn. Điều quan trọng là phải duy trì hệ miễn dịch hoạt động cân bằng, có hiệu quả. Rất nhiều suy nghĩ trong thực tế cuộc sống về việc phải ăn thứ này, kiêng thứ kia để giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt nhất.
Hệ miễn dịch được xem như người bạn của chúng ta, nó bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Cũng như bất cứ người bạn nào, muốn được sự trợ giúp nhiều nhất thì chúng ta phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hệ miễn dịch hoạt động. Cách thức hệ miễn dịch hoạt động đó là việc tạo ra, dự trữ rồi phân bố các tế bào bạch cầu đến những nơi bị mầm bệnh (vi khuẩn, virút…) xâm nhập, chiến đấu tiêu diệt mầm bệnh. Những bậc phụ huynh rất đúng khi bảo con cháu phải ăn nhiều trái cây và rau xanh. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh những người ăn nhiều rau quả sẽ ít bị bệnh tật hơn. Các dưỡng chất trong rau quả giúp cho hệ miễn dịch chống lại virus và vi trùng một các hiệu quả hơn. Có một mối liên quan chặt chẽ giữa giấc ngủ và hệ miễn dịch khỏe mạnh. Ngủ để phục hồi: khi bạn ngủ đủ giấc để cơ thể phục hồi lại các chức năng trong cơ thể. Giấc ngủ cần thiết thay đổi ở mỗi người nhưng phần lớn người trưởng thành cần ngủ 7 - 8 giờ mỗi đêm. Tuổi vị thành niên thì cần ngủ đến 9 - 10 giờ, trẻ nhỏ trước tuổi đến trường cần 11 - 12 giờ mỗi đêm, trẻ sơ sinh thì đến 16 - 18 giờ. Qua nhiều thập kỷ qua, thời gian trung bình cho giấc ngủ mỗi đêm đã giảm xuống còn ít hơn 7 giờ ở người lớn. Nếu bạn ngủ ít hơn nhu cầu cơ thể bạn cần thì bạn sẽ ở tình trạng “nợ” ngủ. Một lời khuyên cơ bản: bạn hãy lên giường ngủ khi mà bạn biết bạn sẽ ngủ được ít nhất 7 giờ đồng hồ.