Ngủ đủ giấc giúp phục hồi và tái tạo da như thế nào?

18-05-2025 17:00 | Khỏe - Đẹp

SKĐS - Để có làn da đẹp từ bên trong, bên cạnh các biện pháp dinh dưỡng, tập luyện thường xuyên thì không thể bỏ qua vai trò của giấc ngủ bởi đây chính là thời gian cơ thể và làn da phục hồi, tái tạo.

1. Ảnh hưởng của giấc ngủ tới làn da

Ngủ đủ giấc giúp phục hồi và tái tạo da như thế nào?- Ảnh 1.

TS.BS. Vũ Thái Hà, Trưởng Khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Theo TS.BS. Vũ Thái Hà, Trưởng Khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương, giấc ngủ có vai trò quan trọng với sức khỏe nói chung, vì đây là giai đoạn cơ thể nghỉ ngơi và phục hồi. 

Đối với làn da, giấc ngủ tốt rất quan trọng, có tác dụng:

- Tái tạo tế bào: Trong khi ngủ sâu, quá trình sản xuất hormone tăng trưởng tăng lên, thúc đẩy quá trình thay đổi và sửa chữa các tế bào bị tổn thương. Quá trình tái tạo này giúp duy trì làn da trẻ trung, rạng rỡ.

- Sản xuất collagen: Giấc ngủ là một phần không thể thiếu trong quá trình tổng hợp collagen, một loại protein duy trì cấu trúc và độ đàn hồi của da. Collagen giúp ngăn ngừa tình trạng chảy xệ và hình thành các nếp nhăn.

- Cải thiện lưu lượng máu: Lưu lượng máu tăng lên trong khi ngủ đảm bảo các chất dinh dưỡng và oxy thiết yếu được cung cấp cho da. Điều này giúp tăng cường sức khỏe của da và mang lại cho da vẻ rạng rỡ tự nhiên.

- Chức năng hydrat hóa và hàng rào: Giấc ngủ giúp duy trì sự cân bằng độ ẩm của da và tăng cường hàng rào bảo vệ da. Điều này rất quan trọng giúp ngăn ngừa tình trạng khô da và bảo vệ da khỏi các tác nhân nguy hại từ bên ngoài như ánh nắng mặt trời, môi trường ô nhiễm, khói bụi...

2. Biểu hiện trên da khi cơ thể thiếu ngủ là gì?

Khi cơ thể mất ngủ, thiếu ngủ sẽ tác động không nhỏ tới làn da. TS.BS. Vũ Thái Hà cho biết, thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến vai trò giữ nước cho cơ thể và giữ nước cho da, gây tình trạng da khô, bong vảy, xỉn màu, dễ nổi mẩn ngứa, tăng săc tố... Bên cạnh đó, khi không được ngủ đủ, cơ thể sẽ không có thời gian để phục hồi cũng như đào thải chất độc và có thể biểu hiện trên da như mẩn đỏ, nổi mụn... 

Ngoài ra, khi thiếu ngủ sẽ khiến:

- Da xỉn màu và nhợt nhạt: Thiếu ngủ gây tình trạng tuần hoàn kém, làm giảm lưu lượng máu đến da, khiến da trông xỉn màu và thiếu sức sống.

- Mắt sưng húp và quầng thâm: Giữ nước do ngủ kém có thể dẫn đến sưng húp quanh mắt, các mạch máu giãn ra, gây quầng thâm.

- Các dấu hiệu lão hóa gia tăng: Thiếu ngủ mạn tính làm tăng tốc độ phân hủy collagen, tăng các nếp nhăn trên da và tăng hủy các mô mỡ khiến da chảy xệ, lão hóa nhanh hơn...

- Nổi mụn và viêm: Hormone căng thẳng như cortisol tăng lên khi thiếu ngủ, làm trầm trọng thêm các tình trạng da như mụn trứng cá và bệnh chàm.

Ngủ đủ giấc giúp phục hồi và tái tạo da như thế nào?- Ảnh 2.

Mất ngủ gây ra nhiều tình trạng trên da như mẩn ngứa, da khô...

3. Biện pháp cải thiện giấc ngủ làm đẹp da

TS.BS. Vũ Thái Hà cho biết, một giấc ngủ tốt giúp cơ thể phục hồi và khỏe mạnh hơn, các tế bào da cũng được làm mới, tái tạo tốt hơn. Khi đó, giấc ngủ phải đảm bảo theo đúng nhịp sinh học, ngủ đủ thời lượng và có chất lượng, với người trưởng thành cần ngủ từ 8-10 tiếng mỗi ngày.

Trong đó, thời gian đi ngủ lý tưởng nhất là từ 10-11 giờ tối, đến 6 giờ sáng hôm sau, đặc biệt giai đoạn 2 giờ sáng rất quan trọng, vì đây là thời gian các tế bào phục hồi, trong đó có làn da và là giai đoạn thải độc của gan, thận, giúp da phòng ngừa bệnh tật.

Để hỗ trợ, cải thiện giấc ngủ thì cần thực hiện:

- Duy trì lịch trình ngủ đều đặn: Thức dậy và đi ngủ vào những thời điểm nhất định mỗi ngày, bao gồm cả cuối tuần, đảm bảo lịch trình ngủ không bị gián đoạn.

- Tạo môi trường ngủ chất lượng: Môi trường ngủ tốt là nơi yên tĩnh, tối và mát mẻ. Các phụ kiện giúp giảm tiếng ồn và ánh sáng gây mất tập trung, chẳng hạn như nút tai hoặc rèm cản sáng, có thể giúp tạo ra không gian thoải mái để ngủ.

- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục thường xuyên mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm giúp bạn dễ ngủ hơn và ngủ sâu hơn. Các chuyên gia khuyên bạn nên tập thể dục ít nhất vài giờ trước khi đi ngủ để nhịp tim không tăng cao trước khi đi ngủ với các hoạt động như đi bộ, tập yoga nhẹ nhàng, thiền định...

- Cất các thiết bị điện tử: Trong giờ trước khi đi ngủ, hãy tránh xa các thiết bị điện tử như điện thoại di động, tivi, máy tính... bởi tiếp xúc với ánh sáng xanh từ các thiết bị này trước khi đi ngủ có thể khiến bạn khó ngủ… thay vào đó, bạn nên thực hiện các hoạt động thư giãn như đọc sách, nghe nhạc...

- Tránh nằm thức trên giường vào ban đêm: Nếu bạn không thể ngủ sau 20 phút nằm trên giường, hãy thực hiện một hoạt động nhẹ nhàng, yên tĩnh cho đến khi cảm thấy buồn ngủ.

Box: Khi hoạt động vào ban ngày, các tế bào da ở chế độ phòng thủ, hoạt động để bảo vệ bản thân khỏi tác hại của tia UV và các gốc tự do. Khi ngủ vào ban đêm, tâm trí và cơ thể chuyển sang chế độ tái tạo tích cực, phục hồi những tổn thương, thúc đẩy sản xuất các chất bảo vệ và tái tạo da.

Mời bạn xem tiếp video:

Giấc ngủ quan trọng thế nào với làn da? | SKĐS

Lê Thu Lương
Ý kiến của bạn