Ngũ đậu bổ huyết, cường thận...

13-05-2018 07:08 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Dưới góc nhìn y học cổ truyền, khi phối ngũ các loại đậu với nhau, đó là cả một nghệ thuật dưỡng sinh trong cách ăn uống mà mỗi người đều có thể áp dụng để nâng cao sức khỏe.

Các loại đậu chứa ít natri, nhiều kali, không chứa chất béo và muối. Vì vậy, uống súp đậu có lợi cho các vận động viên khi ra mồ hôi. Mồ hôi chảy ra kéo theo axít lactic, urê và khoáng chất cũng mất đi, trong đó natri (0,9g/l) kali (0,2g/l) đóng một vai trò quan trọng trong sự trao đổi chất của cơ thể con người. Một số người cảm thấy chân tay yếu và nhịp tim bất thường sau khi họ đã đổ rất nhiều, phần lớn do thiếu hụt phần kali. Trong bảng xếp hạng thực phẩm, đậu đỏ và đậu xanh nằm trong Top 5 giúp bổ sung lượng kali cần thiết cho cơ thể.

Đậu xanh:

Đậu xanh vị ngọt, tính hàn. Quy kinh tâm, vị. Chủ trị: thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng, tiêu thử.

Trong 100g đậu xanh chứa 22,1g protein, 59g chất xơ, 49mg canxi, 1,8mg niacin (hợp chất hữu cơ tăng mức độ HDL trong máu và đã được chứng minh là có thể làm giảm nguy cơ gây bệnh tim mạch trong một số thử nghiệm có kiểm soát trên người). Ngoài tác dụng giải nhiệt, giải cảm nắng, đậu xanh còn được nhắc đến như một thực phẩm giải độc. Dùng 60g đậu xanh,15g cam thảo om trong phích nước nóng 20 - 30 phút để giải độc. Đặc biệt khi dùng lượng lớn đậu xanh phối cam thảo có thể giải độc của phụ tử hoặc ba đậu.

Ngũ đậu bổ huyết, cường thận...

Lưu ý, đậu xanh không nên nấu quá chín để ngăn ngừa axít hữu cơ và vitamin bị phá hủy và làm giảm hiệu quả thanh nhiệt và giải độc. Hạn chế ăn đậu xanh khi uống thuốc để không làm giảm hiệu quả của thuốc. Đậu xanh sống chín có vị nặng gây buồn nôn và nôn sau khi ăn.

Đậu nành:

Đậu nành vị ngọt, tính bình. Quy kinh tỳ, phế, đại trường. Chủ trị: kiện tì lợi thủy, khoan trung đạo trệ, giải độc tiêu thũng, trừ thấp.

Đối với bệnh nhân tăng huyết áp, đặc biệt là những người dùng thuốc điều trị tăng huyết áp cơ chế lợi tiểu quai, dễ dẫn đến tăng bài tiết kali, dễ dẫn đến hạ kali máu, mệt mỏi, khó chịu, tức ngực... Các nghiên cứu đã báo cáo rằng lượng kali trên 100g đậu nành cao tới 1.503mg, cao hơn hàm lượng kali trong nhiều loại rau và trái cây. Do đó, nên khuyến khích ăn đậu nành, rất bổ ích cho việc bổ sung kali cho cơ thể. Lưu ý, bệnh tăng huyết áp kèm bệnh thận nặng cẩn thận ăn đậu nành, bởi dễ dẫn đến tăng kali máu gây tức ngực, rối loạn nhịp tim.

Ngũ đậu bổ huyết, cường thận...

Mẹo trị trẻ em khó tiêu: dùng 1kg đậu nành nấu thành sữa, thêm 10g huyết đằng nấu trong 20 phút, cô cạn thành bột dùng 0,5 - 1,0g một lần, 4 lần 1 ngày.

Đậu đỏ:

Đậu đỏ vị ngọt hơi chua, tính bình. Quy kinh can, tỳ. Chủ trị: lý khí hoạt huyết, bổ huyết, thanh nhiệt giải độc, trừ thấp, tiêu thũng.

Công dụng: chủ tâm vị khí thống, sán khí đông thống, huyết trệ, bế kinh, da cơ sưng nóng đau, ung nhọt, đau bụng kinh.

Ngũ đậu bổ huyết, cường thận...

Đậu đỏ được xếp vào nhóm thực phẩm hỗ trợ rất tốt trong điều trị cao huyết áp và phù nề, đột quỵ, xơ vữa động mạch xơ cứng… Nghiền bột thoa lên da có thể điều trị mụn phát ban và trứng cá. Vào mùa đông, khi thời tiết lạnh, ăn đậu đỏ để ôn ấm khí của tỳ vị, khả năng tiêu hóa, hấp thụ của cơ thể sẽ tăng lên.

Nên ngâm hoặc sao trước khi nấu để tăng hiệu quả.

Đậu trắng:

Đậu trắng vị ngọt, tính bình, vi ôn, vô độc. Quy kinh thận. Chủ trị bổ ngũ tạng, ôn trường vị, điều trung, trợ 12 kinh mạch.

Công dụng dụng tỳ hư hữu thấp, mỏi mệt yếu sức, thủy thũng, phụ nữ tì hư đới hạ, vị bất hòa, nôn ói bụng trướng.

Ngũ đậu bổ huyết, cường thận...

Nghiên cứu cho thấy đậu trắng có khả năng cải thiện hệ thống miễn dịch của cơ thể, tăng sức đề kháng, ngăn ngừa sự xuất hiện hoặc tái phát của bệnh đường hô hấp.

Đậu đen:

Đậu đen vị cam, tính vi hàn. Quy kinh tâm, can, thận. Chủ trị bổ thận ích âm, kiện tỳ lợi thấp, trừ nhiệt giải độc.

Công dụng đa niệu, đầu choáng mắt mờ, tóc bạc sớm, phù chân, đau chân, đau bụng tả lị.

Ngũ đậu bổ huyết, cường thận...

Dùng trị chứng tiêu khát: đậu đen chế, thiên hoa phấn lượng bằng nhau, nghiền nát dùng hàng ngày.

Rượu đậu: 250g đậu đen sao còn nóng cho vào 500g rượu gạo để đến khi sủi tăm, dùng để trị âm hư dương kháng, hư phong thượng nhiễu, đau đầu chóng mặt, hư phiền phát nhiệt.

CHÁO NGŨ SắC
Nguyên liệu: đậu nành 25g, đậu xanh 25g, đậu đỏ 25g, đậu đen 25g, đậu trắng 25g, tử mễ 50g, gạo 100g.
Theo y học cổ truyền, đậu nành quy tỳ, đậu xanh quy tâm, đậu đỏ quy can, đậu đen quy thận, đậu trắng bổ ngũ tạng, hòa 12 kinh lạc bổ trợ lẫn nhau tăng khả năng bồi bổ vào lục phủ ngũ tạng. Ngoài ra, đậu trắng hóa thấp; đậu đỏ, đậu nành giúp trừ thấp; đậu xanh, đậu đen làm lợi thấp giảm đi tình trạng phù thũng, thân thể thấp trệ; tác dụng này giúp các loại đậu vừa bổ vào ngũ tạng nhưng không sợ bị nê trệ do công năng của tỳ vị bị “quá tải”.Gia tử mễ vị gọt, tính ôn ấm; quy kinh tâm, tỳ, thận. Giúp dưỡng tâm an thần, kiện tỳ bổ huyết, cường thận ích tinh, được xem như thực phẩm bổ huyết tự nhiên.
Khi phối ngũ với nhau thành “cháo ngũ sắc” có thể nâng cao khả năng kiện tỳ, hòa vị, bổ thận, ích phế, khư chi, bảo can, thông trường vị, lợi khí, cường kiện thân thể.
Cháo năm loại đậu dùng làm điểm tâm sáng cung cấp nhiều năng lượng, bồi bổ thân thể.

TS.BS.VÕ TRỌNG TUÂN - HẠ CHÍ LỘC
Ý kiến của bạn